Chờ...

Công nghệ AI giúp phát hiện vật thể có khả năng va chạm với Trái đất

VOH - Theo đài Sputnik (Nga), một thuật toán trí tuệ nhân tạo, được phát triển giúp các nhà thiên văn học tìm ra các vật thể có khả năng va chạm với Trái Đất đã công bố phát hiện đầu tiên.

Thuật toán mới đã phát hiện tiểu hành tinh có khả năng gây nguy hiểm cho Trái Đất, được đặt tên là 2022 SF289. 

Tiểu hành tinh này dự kiến đi qua quỹ đạo Trái Đất trong khoảng 225.000 km, nằm bên trong quỹ đạo của Mặt Trăng.

Ở phạm vi đó, 2022 SF289 được xác định là tiểu hành tinh có khả năng gây nguy hiểm (PHA).

Công nghệ AI giúp phát hiện vật thể có khả năng va chạm với Trái đất 1
 

 

Các học giả tại Đại học Hoàng gia London tính toán với chiều rộng 183m, 2022 SF289 nếu va chạm với Trái Đất sẽ nổ tung như sức nổ của một quả bom hạt nhân 250 megaton và để lại một miệng hố rộng gần 3,2 km.

Tuy nhiên, đường đi của 2022 SF289 dường như không sớm đưa tiểu hành tinh này vào quá trình va chạm với Trái Đất, cũng như các PHA khác được biết đến trong 100 năm tới.

Thuận toán AI công bố phát hiện trên có tên HelioLinc3D, được phát triển để hỗ trợ Đài quan sát Vera C Rubin ở Chile trong sứ mệnh Khảo sát Không gian và Thời gian (LSST). Vì đài quan sát này vẫn đang trong quá trình xây dựng, nên HelioLinc3D đã sử dụng dữ liệu thu thập từ Hệ thống cảnh báo cuối cùng va chạm với mặt đất của tiểu hành tinh (ATLAS) ở Hawaii.

Khi được triển khai trên kính viễn vọng Rubin, HelioLinc3D sẽ quét toàn bộ bầu trời ở bán cầu nam 3 đêm/lần bằng máy ảnh kỹ thuật số 3,2 gigapixel, thu thập lượng dữ liệu khổng lồ về không gian, bao gồm cả những hình ảnh PHA mà các nhà thiên văn học vẫn chưa phát hiện được.

Theo thông cáo báo chí, hình ảnh của 2022 SF289 được chụp vào ngày 19/9/2022, khi nó vẫn còn ở cách Trái đất 4,8 triệu km. Điều này có nghĩa là con người sẽ có nhiều thời chuẩn bị, hoặc thậm chí có thể ngăn chặn sự cố thảm họa, nếu tiểu hành tinh đó được đánh giá là đang trên đường hướng tới Trái Đất.