Theo Đài truyền hình CBS, đêm 13/2 (giờ địa phương), tiểu hành tên có tên Sar2667 đã đi vào bầu khí quyển Trái đất và nổ tung trên vùng trời Rouen, thủ phủ Normandy của Pháp, tạo ra một vệt lóe sáng trên bầu trời Tây Âu.
Tiểu hành tinh Sar2667 được nhà thiên văn học Krisztián Sárneczky ở Hungary phát hiện lần đầu tiên vào tối 12/2, khi ông đang quan sát và theo dõi các vật thể gần Trái đất thông qua kính viễn vọng dài 61cm.
Sau khi các đài quan sát đã bổ sung xác nhận về sự tồn tại và quỹ đạo của tiểu hành tinh này, Cơ quan Vũ trụ châu Âu đã đưa ra một tuyên bố khẩn vào tối 12/2: Thiên thạch rộng 1m dự kiến sẽ lao vào bầu khí quyển phía bắc nước Pháp vào cuối đêm nay.
Đến khoảng 3h theo giờ UT ngày 13/2 (tức 10h sáng giờ Việt Nam), các nhà thiên văn phát hiện một vệt sáng trên bầu trời và xác nhận đó là tiểu hành tinh – hiện được đổi sang ký hiệu là 2023 CX1 – đã đi vào bầu khí quyển của Trái Đất. Tiểu hành tinh đi qua bầu trời gần Rouen (Pháp), sau đó bốc cháy và trở thành “quả cầu lửa” thắp sáng bầu trời phía trên eo biển Manche.
Rất nhiều người dân ở Anh, Pháp, Bỉ, Hà Lan cho biết, họ đều nhìn thấy tiểu hành tinh này lúc nó rơi xuống. Một người đã đăng tải video cùng với chia sẻ: “Tôi vừa nhìn thấy nó và thật tuyệt vời. Nó xuất hiện theo phương thẳng đứng lúc 2h59. Màu xanh lá cây như ngọc lục bảo, sau đó chuyển sang màu cam sáng rất nhanh. Khung cảnh rất rực rỡ,…”.
Nguồn Clip: TTO
Được biết, đây là lần thứ bảy một tiểu hành tinh được phát hiện trước khi nó va vào Trái đất. Sự kiện gần gần nhất xảy ra vào 10 năm trước, một tiểu hành tinh rộng khoảng 19m bất ngờ phát nổ trên bầu trời Chelyabinsk, Nga vào ngày 15/2/2013, tạo ra làn sóng xung kích làm vỡ cửa sổ của 3.600 khu chung cư và gần 1.200 người cần được chăm sóc y tế.
Kể từ sự kiện đó, các cơ quan vũ trụ trên thế giới đã tái khẳng định cam kết theo dõi các vật thể bay ngoài Trái đất. NASA cũng thành lập Văn phòng Điều phối Phòng thủ Hành tinh. Các chuyên gia cho biết, hầu hết các “quả cầu lửa” đều vô hại và hiếm khi có mảnh vỡ rơi xuống Trái đất. Tuy vậy, NASA, ESA và nhiều tổ chức khác vẫn theo dõi bầu trời 24/7 để đảm bảo không có bất kỳ mối đe dọa nghiêm trọng nào đến hành tinh xanh của chúng ta.