Các nhà nghiên cứu của Đại học Strasbourg thuộc Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đã sử dụng khả năng siêu âm hóa của vệ tinh Imaging X-ray Polarimetry Explorer (IXPE) để chuyển thông tin hoạt động của lỗ đen Sagittarius A* (thường được viết tắt là Sgr A*) thành âm thanh, thậm chí là âm thanh có thể nghe được.
Lỗ đen Sagittarius A* được cho là đã thức dậy và giải phóng một luồng tia X dữ dội vào khoảng đầu thế kỷ 19 - Nguồn: NASA
Theo trang tin của NASA, Sgr A* là lỗ đen siêu lớn ở trung tâm Dải Ngân hà, nhưng nó không sáng bằng các lỗ đen khác mà con người có thể quan sát. Điều đó cho thấy nó không tích cực “ngấu nghiến” các vật chất xung quanh nó.
Tuy nhiên, những hình ảnh được vệ tinh IXPE ghi lại cho thấy khoảng 200 năm trước Sgr A* có thể đã “thức dậy” và nuốt chửng khí cùng các mảnh vụn vũ trụ khác ở gần nó. Đồng thời giải phóng một luồng tia X dữ dội vào không gian, sau đó biến thành sóng âm thanh.
“Tia X phát ra từ các đám mây phân tử khổng lồ là do sự phản xạ bởi vụ nổ lỗ đen Sgr A*, có khối lượng 4,1 triệu lần so với Mặt Trời, nhưng chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Tiếng vang từ tia X cho thấy sự bùng nổ này đã làm tăng độ sáng tia X của lỗ đen lên đến hàng triệu lần so với trạng thái không hoạt động của nó. Ước tính năng lượng giải phóng có thể lên tới 1039 - 1044 efgs”, nhóm nghiên cứu cho biết.
Hiện vẫn chưa biết chính xác vật thể không may nào đã rơi vào lỗ đen Sgr A*. Nhưng các nhà khoa học dự đoán, nó có thể là các ngôi sao quay quá gần lỗ đen hoặc các đám mây khí bị lực hấp dẫn của lỗ đen làm biến dạng.
Sagittarius A* nằm trong chòm sao Nhân Mã ở trung tâm Dải Ngân hà, cách Trái đất hơn 25.000 ánh sáng. Sgr A* là lỗ đen siêu lớn gần với Trái Đất nhất, lực hấp dẫn xung quanh nó đủ mạnh để xé toạc bất cứ thứ gì lang thang quá gần nó thành các mảnh vụn và nuốt chửng vào “miệng” lỗ đen.
Nhà thiên văn học Frédéric Marin tại Đài thiên văn Strasbourg ở Pháp và là tác giả chính của nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Nature cho biết: “Lỗ đen siêu lớn này không hề im lặng như vài thế kỷ trước".