Mật độ dân số là gì? Công thức và cách tính mật độ dân số chính xác nhất

(VOH) - Cách tính mật độ dân số là từ khóa đang được tìm kiếm khá thường xuyên hiện nay. Bỏ túi cách tính mật độ dân số nhanh chóng, cực kỳ chuẩn xác ngay sau đây.

Bạn thắc mắc mật độ dân số là gì? Bạn băn khoăn làm thế nào cách tính mật độ dân số? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp chi tiết khái niệm mật độ dân số và công thức tính mật độ dân số. Nhờ đó, bạn hoàn toàn có thể biết được cách tính mật độ dân số nhanh chóng, chính xác mà không mất quá nhiều thời gian.

1. Mật độ dân số là gì?

Mật độ dân số là số dân tính bình quân trên một kilomet vuông diện tích lãnh thổ. Mật độ dân số được tính bằng cách chia dân số của một vùng dân cư nhất định cho diện tích lãnh thổ của vùng đó. 

Mật độ dân số có thể tính cho cả quốc gia, lãnh thổ hoặc riêng từng vùng như: thành thị, nông thôn, các vùng kinh tế hoặc từng tỉnh, huyện, xã,.... 

Nhờ việc tính mật độ dân số, chúng ta có thể biết dân cư đang được phân bố như thế nào, nhất là đáp ứng nhu cầu tìm hiểu quy mô thị trường trong kinh doanh. Tính mật độ dân số phục vụ cho điều tra dân số, nghiên cứu thị trường, phân loại đô thị,...

Hướng dẫn cách  tính mật độ dân số đơn giản, chính xác 1
Mật độ dân số phản ánh tình hình phân bố dân số theo địa lý vào một thời gian nhất định

2. Cách tính mật độ dân số

Vậy cách tính mật độ dân số như thế nào? Chúng ta cần những nguồn thông tin như thế nào để xác định được mật độ dân số? Bên cạnh nắm rõ công thức tính mật độ dân số, bạn cũng cần chuẩn bị thông tin số liệu đầy đủ. 

2.1 Các bước tính mật độ dân số

Để có thể tính được mật độ dân số chuẩn xác, các bước tìm  kiếm , xử lí số liệu cần được thực hiện kĩ càng. Các số liệu cần được thu thập là dân số và diện tích. Dưới đây là các bước trong việc thu thập dữ liệu để tính mật độ dân số bao gồm:

Xác định số dân: tìm kiếm số liệu mới nhất về số lượng người sống trong vùng, khu vực bạn cần xác định mật độ dân số. Bạn có thể lấy số liệu từ những nguồn uy tín: các trang báo quốc gia, cục thống kê quốc gia. 

Xác định diện tích: tìm hiểu diện tích khu vực cần tính mật độ dân số. Số liệu nên được lấy ở những nguồn đáng tin cậy như các trang báo quốc gia, thống kê quốc gia,...

Xử lý dữ liệu: bước này cần được thực hiện cẩn thận để tránh sai sót. Chẳng hạn để so sánh mật độ dân số của hai vùng với nhau thì số liệu cần phải cùng một đơn vị đo. Nếu khác đơn vị đo, bạn cần xử lý số liệu để về cùng đơn vị, có như vậy kết quả so sánh mới chính xác. 

Hướng dẫn cách  tính mật độ dân số đơn giản, chính xác 2
Đơn vị tính diện tích được sử dụng phổ biến nhất là km² 

2.2 Công thức tính mật độ dân số

Vậy cách tính mật độ dân số là gì? Mật độ dân số được tính bằng hệ số tương quan giữa số dân sinh sống với diện tích tương ứng. Công thức tính và quy ước kí hiệu được sử dụng phổ biến như sau:

M = D/S

Trong đó:

M: là mật độ dân số (người/km²)

D: số dân sinh sống trên lãnh thổ (người)

S: diện tích phần lãnh thổ (km²)

Ví dụ: Theo kết quả Tổng điều tra dân số Việt nam 2019, đến thời điểm 0h ngày 01/4/2019 Việt Nam có số dân là 96.208.984 người. Diện tích lãnh thổ Việt Nam là 331.201 km². Vậy mật độ dân số Việt Nam 2019 là: 

M= D/S = 96.208.984/331.201= 290 người/km²

Hướng dẫn cách  tính mật độ dân số đơn giản, chính xác 3
Công thức tính mật độ dân số

Mật độ dân số càng lớn biểu hiện cho mức độ dân số tập trung tại khu vực đó càng cao. Thông thường, mật độ dân số tại các khu vực như vùng đồng bằng, đô thị, siêu đô thị,... sẽ cao.

Ngoài ra, còn có các biện pháp tính mật độ dân số khác:

  • Mật độ nông nghiệp: được tính bằng cách lấy tổng số dân nông thôn chia cho tổng diện tích đất nông nghiệp.
  • Mật độ sinh lý: lấy tổng số dân chia cho phần diện tích đất dùng để canh tác.

Bạn cũng cần lưu ý, khi tính mật độ dân số, phạm vi phần diện tích có thể ảnh hưởng đến kết quả tính toán. Tính mật độ dân số trên phạm vi càng hẹp thì số liệu càng chuẩn xác, gần đúng với thực tế.

Xem thêm:
Top 10 đất nước có diện tích nhỏ nhất thế giới
Top 10 hoang mạc có diện tích lớn nhất thế giới
Đại dương và biển rộng lớn nhất trên thế giới hiện nay

3. Mật độ dân số các tỉnh Việt Nam

Dựa trên kết quả Tổng  điều tra dân số từ Tổng cục Thống kê năm 2019, 2 thành phố ở Việt Nam có mật độ dân số cao nhất lần lượt là thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội. Dưới đây là 10 tỉnh thành có mật độ dân số cao nhất cả nước vào năm 2019.

Hướng dẫn cách  tính mật độ dân số đơn giản, chính xác 4
Mật độ dân số của 10 tỉnh, thành phố cao nhất năm 2019

Theo đó, mật độ dân số cao nhất thuộc về Thành phố Hồ Chí Minh, với mật độ là 4385 người/km², gần gấp đôi so với mật độ dân số tại Hà Nội là 2410 người/km². Giải thích cho điều này ta dễ dàng nhận thấy cả Hà Nội và Hồ Chí Minh đều là hai trung tâm kinh tế -  chính trị đặc biệt quan trọng của Việt Nam. Vì thế, hai địa phương này tạo ra sức hút mạnh mẽ để dân cư tập trung sinh sống, học tập và làm việc.  

Hướng dẫn cách  tính mật độ dân số đơn giản, chính xác 5
Hà Nội và Hồ Chí Minh là những đô thị có mật độ dân số cao của Việt Nam 

Các tỉnh thành còn lại có mật độ dân số đông tập trung chủ yếu  ở khu vực đồng bằng sông Hồng. Bởi đây chính là những tỉnh có khu vực dân cư lâu đời từ xưa đến nay và có diện tích tương đối nhỏ. Bên cạnh đó, các khu công nghiệp hàng đầu miền Bắc đa số tập trung tại những tỉnh thành này. Chính vì thế mà thu hút được nguồn lao động đến đây để định cư và làm việc.  

Mật độ dân số đông tại các tỉnh thành đem đến nhiều lợi ích đáng kể, đặc biệt trong việc phát triển kinh tế.  Dân số đông đem đến nguồn lao động dồi dào, nhất là đối với những ngành công nghiệp, thủ công nghiệp. Ngoài ra, dân cư tập trung đông đúc tạo ra thị trường tiêu thụ rộng lớn, sức mua mạnh, thúc đẩy việc phát triển các ngành dịch vụ tiêu dùng. 

Ngoài những điểm thuận lợi, mật độ dân cư cao cũng đem đến nhiều hệ lụy cho những khu vực này. Điển hình là các vấn đề như giải quyết việc làm, ô nhiễm môi trường hay các phúc lợi xã hội chưa được đáp ứng đầy đủ.,...

Hy vọng bài viết trên đây đã cung cấp đầy đủ kiến thức về cách tính mật độ dân số cũng như thông tin về mật độ dân số tại Việt Nam. Chúc bạn một ngày tốt lành, tràn đầy năng lượng!

Nguồn ảnh: Internet