Đây là dự đoán được đưa ra dựa trên hình ảnh ngoạn mục do kính viễn vọng không gian James Webb của NASA ghi lại về "vũ điệu" giữa hai thiên hà mang tên "Chim Cánh Cụt" và "Trứng".
Hình ảnh được công bố nhân kỷ niệm 2 năm hoạt động của James Webb, kính viễn vọng không gian mạnh nhất thế giới do NASA phát triển. Bức ảnh cho thấy hai thiên hà NGC 2936 ("Chim Cánh Cụt") và NGC 2937 ("Trứng") đang trong quá trình sáp nhập, tạo nên một khung cảnh vũ trụ vô cùng độc đáo.
"Chim Cánh Cụt" vốn là một thiên hà xoắn ốc lớn, tương tự như Ngân Hà - nơi chứa Trái Đất. Tuy nhiên, sau quá trình tương tác với "Trứng", nó đã biến đổi hoàn toàn, với phần trung tâm sáng rực như mắt, dải sao uốn cong như mỏ nhọn, cùng các cấu trúc giống đầu, thân và đuôi xòe ra.
Ngược lại, "Trứng" - một thiên hà hình elip - vẫn giữ nguyên hình dạng. Thiên hà này chứa đầy những ngôi sao già, ít khí bụi hơn so với "Chim Cánh Cụt". Tuy nhỏ bé hơn, "Trứng" lại có khối lượng tương đương, khiến nó trở nên đặc chắc và ít biến dạng hơn.
Sự va chạm giữa hai thiên hà bắt đầu từ 25 đến 75 triệu năm trước. Trong tương lai, chúng sẽ tiếp tục va chạm, hòa quyện vào nhau và trở thành một thiên hà duy nhất sau hàng trăm triệu năm nữa.
Hiện tại, hai thiên hà này chỉ cách nhau 100.000 năm ánh sáng - một khoảng cách rất gần so với tiêu chuẩn vũ trụ. Để so sánh, Ngân Hà cách thiên hà láng giềng Andromeda (Thiên Hà Tiên Nữ) tới 2,5 triệu năm ánh sáng.
Theo dự đoán, Ngân Hà và Thiên Hà Tiên Nữ sẽ hợp nhất trong 4-5 tỷ năm tới. Trước đó, khoảng 2 tỷ năm nữa, Ngân Hà sẽ sáp nhập với một thiên hà lùn nhỏ hơn là Đám mây Magellan Lớn - một trong những vệ tinh của nó.
Hình ảnh "Chim Cánh Cụt" và "Trứng" là tương lai xa vời của Trái Đất. Hành tinh của chúng ta, cùng với toàn bộ hệ Mặt Trời, có thể sẽ trôi dạt vào một khu vực mới với hình dạng kỳ lạ, thay vì vị trí hiện tại trên đĩa ánh sáng xoắn ốc.
Cú va chạm với Đám mây Magellan Lớn dự kiến sẽ không ảnh hưởng quá lớn đến hệ Mặt Trời, tuy nhiên một số nghiên cứu cho rằng nó có thể khiến Trái Đất lệch khỏi "vùng sự sống".