Nhật thực lai vào ngày 20/4 tới là một hiện tượng thiên văn đặc biệt hiếm gặp bởi nó chỉ xuất hiện vài lần trong mỗi thế kỷ. Mỗi lần xuất hiện cũng vô cùng ấn tượng bởi nó là sự kết hợp giữa nhật thực toàn phần, một phần và nhật thực hình khuyên (vòng lửa).
Theo Space, trong lần nhật thực lai này, người trên Trái đất có thể quan sát ở phía tây Australia, Đông Timor và và đảo Tây Papuan của Indonesia. Tuy nhiên, người xem không thể thấy đồng thời cùng lúc cả 3 sự kiện trên. Một số người sẽ xem được nhật thực toàn phần, trong khi một số người khác sẽ được chiêm ngưỡng nhật thực hình khuyên. Và những người khác sẽ được chứng kiến nhật thực một phần.
Có hai điểm trên Trái đất mà nhật thực sẽ chuyển từ hình khuyên sang toàn phần và trở lại hình khuyên một lần nữa. Nhưng hai điểm đó là những địa điểm xa xôi ở giữa đại dương.
Theo the Sky, nhật thực lai sẽ diễn ra từ 1h36 sáng 20/4 theo giờ UTC (khoảng 8h36 sáng theo giờ Việt Nam) và kết thúc vào khoảng 6h59 cùng ngày.
Nhật thực lai lần này sẽ xuất hiện dưới dạng nhật thực toàn phần hoặc hình khuyên khi được quan sát từ phía tây Australia (từ 2h29 đến 2h35), ở Đông Timor (từ 3h19 đến 3h22) và ở Indonesia (từ 3h23 đến 3h58).
Sự kiện này sẽ diễn ra dưới dạng nhật thực một phần từ nhiều quốc gia khác, bao gồm: miền nam nước Pháp, nơi 93% Mặt trời sẽ bị che khuất; ở Papua New Guinea, nơi 87% ánh nắng mặt trời bị che khuất và quần đảo Marshall, nơi 95% đĩa Mặt trời bị Mặt trăng che phủ.
Nhật thực xuất hiện như thế nào?
Christian Science Monitor cho biết, mỗi lần nhật thực xuất hiện đều không giống nhau vì khoảng cách giữa Mặt trăng và Trái đất không cố định. Thực tế, khoảng cách đó thay đổi liên tục. Mặt trăng càng ở xa Trái đất con người sẽ cảm thấy càng nhỏ và ngược lại.
Nếu nhật thực xảy ra khi Mặt trăng ở xa địa cầu, con người sẽ thấy Mặt trăng không che khuất hoàn toàn Mặt trời. Tình trạng đó tạo ra một “vòng lửa” mỏng xung quanh Mặt trăng gọi là nhật thực hình khuyên.
Trong trường hợp nhật thực xảy ra khi Mặt trăng gần Trái đất hơn, đĩa mặt trăng đủ lớn để che toàn bộ Mặt trời, sẽ được gọi là nhật thực toàn phần. Và trường hợp chúng chỉ che được một phần của Mặt trời, sẽ tạo ra hiện tượng nhật thực một phần.
Vì sao có hiện tượng nhật thực lai?
Nhật thực lai xảy ra vì Trái đất có hình dạng cong và bóng của Mặt trăng có các vùng khác nhau, được gọi là vùng tối (umbra) và vùng nửa tối (penumbra). Vùng tối của mặt trăng là nơi mà con người thấy Mặt trăng che khuất hoàn toàn Mặt trời.
Nó có hình dạng giống như một hình nón, nơi rộng nhất của nó chính là nơi gần Mặt trăng nhất, bởi người quan sát càng gần Mặt trăng thì sẽ thấy nó che khuất bầu trời nhiều hơn. Trong vùng nửa tối, con người thấy nhật thực một phần hoặc nhật thực hình khuyên.
Sự khác biệt của nhật thực hình khuyên và nhật thực toàn phần phụ thuộc vào vị trí của vùng tối nhất. Nếu Mặt trăng ở xa, vùng tối nhất sẽ nằm ở phía trên bề mặt địa cầu. Điều đó có nghĩa không có ai trên Trái đất có thể đứng vào vùng tối nhất để ngắm nhật thực, nên chúng ta chỉ thấy được nhật thực hình khuyên. Ngược lại, khi Mặt trăng ở gần hơn, vùng tối nhất sẽ nằm trên bề mặt Trái đất, những người có trong vùng tối nhất sẽ thấy được nhật thực toàn phần.
Lần nhật thực lai gần nhất mà người trên Trái đất được chứng kiến là cách đây gần 10 năm, ngày 3/11/2013. Sau lần nhật thực lai sắp diễn ra ngày 20/4 thì phải đến năm 2031 chúng ta mới được ngắm nhật thực lai lần nữa. Sau đó, người yêu thiên văn sẽ phải chờ đến năm 2164 mới có một sự kiện nhật thực lai tiếp theo.
Theo Space