Một nghiên cứu quốc tế mới được đăng tải trên tờ The Guardian của Anh tiết lộ rằng 2/3 các loài động vật bản địa ở Nam Cực đang bị đe dọa tuyệt chủng hoặc suy giảm nghiêm trọng vào năm 2100 do sự nóng lên toàn cầu.
Nghiên cứu này được thực hiện với sự hợp tác của một nhóm các nhà khoa học, nhà bảo tồn và nhà hoạch định chính sách từ 28 tổ chức ở 12 quốc gia khác nhau và đã được công bố trên tạp chí khoa học Plos Biology.
Theo các nhà nghiên cứu, chim cánh cụt hoàng đế là loài có nguy cơ tuyệt chủng nhiều nhất ở Nam Cực, đồng thời họ cũng lo ngại về số phận của các loài chim biển khác hoặc loài giun đất (động vật nhỏ khoảng 1mm có hình dạng giống con sâu, sống trong đất và ăn rễ cây).
"Gần 80% những nơi mà chim cánh cụt hoàng đế sinh sống được dự đoán sẽ biến mất vào năm 2100 nếu khí thải nhà kính ở hiện tại vẫn tiếp tục duy trì như mức của dự báo khoa học", tác giả chính của nghiên cứu, Tiến sĩ Jasmine Lee thuộc cơ quan Khảo sát Nam Cực của Anh cho biết.
Ngoài việc khiến loài chim cánh cụt hoàng đế vốn "cần băng để sinh sản" có nguy cơ bị tuyệt chủng, sự nóng lên toàn cầu còn đe dọa toàn bộ các loài chim biển tiêu biểu khác như chim cánh cụt Adelie. Các loài ít được biết đến hơn như loài sâu tròn Scottnema lindsayae cũng đang bị suy giảm.
“Đa dạng sinh học đang chịu áp lực đáng kể ở Nam Cực”, đồng tác giả của nghiên cứu, Tiến sĩ Aleks Terauds làm việc tại bộ phận Nam Cực của Úc xác nhận.
Tuy nhiên, Aleks Terauds tin rằng "Nam Cực được bảo vệ rất tốt bởi Hiệp ước Nam Cực và theo giao ước về bảo vệ môi trường".
"Sự độc đáo của lục địa này, đặc điểm của thiên nhiên hoang dã và sự đa dạng sinh học đáng kinh ngạc của nó đã khiến chúng tôi cố gắng làm mọi thứ để đảm bảo rằng nó bị ảnh hưởng ít nhất có thể" bởi tác động của cuộc khủng hoảng khí hậu.
Các nhà nghiên cứu cũng đã đưa ra một số ý tưởng để tránh kịch bản thảm khốc này. Họ ước tính rằng có tới 84% sinh vật sống ở Nam Cực có thể được bảo tồn nếu các khu vực còn lại của thế giới ủng hộ 10 chiến lược do nghiên cứu đề xuất với chi phí 23 triệu USD mỗi năm.
Ngoài ra, Aleks Terauds đặc biệt đề xuất việc "thông báo hiệu quả hơn tới khách du lịch và các công ty du lịch đang ngày càng nhiều ở khu vực này trên thế giới về những nơi cần tránh" để không làm hại tới các loài vật.