Tiêu điểm: Bệnh Sởi
Chờ...

Robot thám hiểm của NASA bắt đầu thử thách mới trên sao Hỏa

VOH - Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) thông báo, robot tự hành Perseverance bắt đầu hành trình leo lên vành núi lửa Jezero vào ngày 27/8 để thu thập mẫu đá.

Đây là một nỗ lực vượt qua thử thách mới nhất trong cuộc phiêu lưu khám phá sao Hỏa kéo dài hơn 3 năm qua của phương tiện. Nhiệm vụ lần này cũng không hề dễ dàng khi xe tự hành sẽ phải vượt qua địa hình dốc đứng lên tới 23 độ và tổng chiều cao lên tới 305 mét để lên được vành miệng núi Jezero.

Perseverance có kích thước cỡ một chiếc xe hơi, là robot tự hành thứ 5 của NASA trong các sứ mạng khám phá sao Hỏa. Phương tiện này được phóng lên vũ trụ từ ngày 30/7/2020 và chính thức đổ bộ xuống bề mặt sao Hỏa vào ngày 18/2/2021.
robot Perseverance - NASA
Robot tự hành Perseverance - Ảnh: NASA

Trong 3 năm hoạt động trên bề mặt sao Hỏa, Perseverance đã thu thập được 22 mẫu lõi đá từ đáy của miệng núi lửa Jezero - nơi được cho các nhà khoa học cho rằng trước đây chứa đầy nước.

Các mẫu vật mà Perseverance thu thập được tại vành miệng núi lửa có thể giúp các nhà khoa học tìm hiểu và nghiên cứu về khí hậu của hành tinh này cách đây hàng tỉ năm, cũng như tìm hiểu xem liệu có bằng chứng về sự sống cổ đại nào trên sao Hỏa có thể đã bị xóa bỏ hay không.

Sao-Hoa-10
Ảnh miệng núi lửa Jezero trên sao Hỏa, được chụp bởi robot thám hiểm tự hành Perseverance -Ảnh: NASA.

Theo nhà khoa học Steven Lee thuộc Phòng thí nghiệm sức đẩy phản lực (JPL) của NASA khẳng định mẫu đá ở vành miệng núi lửa Jezero có thể cung cấp manh mối về cách thức các hành tinh đá như sao Hỏa và Trái đất hình thành.

Đá ở vành miệng có thể được hình thành từ các miệng phun thủy nhiệt trong quá khứ. Những miệng này thường phun ra khoáng chất cùng với nước siêu nóng được hun bởi magma ở sâu bên dưới, tạo thành những lớp tích tụ trên bề mặt miệng hố.

Miệng phun thủy nhiệt thường được tìm thấy gần những khu vực núi lửa hoạt động, những nơi mà các mảng kiến tạo đang rời xa nhau, vùng trũng đại dương và các điểm nóng.

Miệng phun thủy nhiệt rất phổ biến trên Trái đất vì Trái đất vừa có hoạt động địa chất mạnh, vừa có một lượng lớn nước trên bề mặt và trong vỏ của hành tinh này.