Virus “thây ma” hồi sinh sau 48.000 năm bị đóng băng

(VOH) – Tình trạng nóng lên toàn cầu, băng tan nhanh là mối đe dọa đối với con người, bởi có thể khiến cho một số loại virus cổ hồi sinh và lây nhiễm cho các sinh vật khác, kể cả con người.

Một nhóm các nhà khoa học người Pháp đã phát hiện hàng loạt virus “thây ma” trong các mẫu đất lấy từ băng vĩnh cửu 48.500 năm ở Siberia có thể hồi sinh. Điều này dấy lên lo ngại về một đại dịch mới gây bệnh ở thực vật, động vật và con người do một loại virus cổ chưa được biết đến trước đây.

Virus “thây ma” hồi sinh sau 48.000 năm bị đóng băng 1
Hàng loạt virus “thây ma” được phát hiện trong các mẫu đất lấy từ băng vĩnh cửu ở Siberia - Nguồn ảnh: CNRS-AM

Băng vĩnh cửu bao phủ 1/5 bắc bán cầu, đóng vai trò như một chiếc “hộp thời gian” bảo quản các loại virus cổ, xác ướp của một số loài động vật đã tuyệt chủng. Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi Giáo sư y học và bộ gene, Jean-Michel Claverie tại Đại học Aix-Marseille ở Marseille (Pháp) đã khai quật và nghiên cứu lớp băng này trong những năm gần đây.

Cảnh báo nguy cơ hàng loạt “virus cổ” hồi sinh

Năm 2003, giáo sư Claverie đã phát hiện một loại virus cụ thể và tiến hành nghiên cứu chúng.

Vào năm 2014, ông đã tìm cách hồi sinh một loại virus mà nhóm của ông đã phân lập được từ lớp băng vĩnh cửu. Các virus này được đưa vào những tế bào nuôi cấy amip đơn bào (không phải động vật hay con người) sau 30.000 năm nằm trong băng giá.

Năm 2015, ông lập lại kỳ tích khi phân lập được một loại virus khác cũng với mục tiêu là amip.

Trong nghiên cứu mới nhất được công bố trên tạp chí Viruses, nhóm của ông Claverie đã phân lập thành công một số chủng virus cổ từ nhiều mẫu băng vĩnh cửu. Chúng được lấy từ 7 địa điểm khác nhau trên khắp Siberia, các virus này có thể lây nhiễm từng tế bào amip nuôi cấy.

Có ít nhất 5 họ virus mới, bên cạnh 2 họ mà ông Claverie đã hồi sinh trước đó. Các họ virus này được gọi là virus “thây ma” bởi chúng đã tồn tại từ 27.000 năm đến 48.000 năm trước.

Mẫu lâu đời nhất có niên đại gần 48.500 năm tuổi. Các mẫu trẻ nhất cũng đã được 27.000 năm tuổi.

Theo ông Claverie, sau một thời dài virus “thây ma” vẫn có thể sống dậy và lây nhiễm là dấu hiệu của một vấn đề tiềm ẩn lớn. Viễn cảnh virus cổ sống lại là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng, khi tình trạng băng tan ở Bắc cực đang diễn ra rất nhanh.

Virus cổ từng lây nhiễm cho con người

Các nhà khoa học tìm thấy dấu vết của virus và vi khuẩn có thể lây nhiễm cho con người trong lớp băng vĩnh cửu ở Alaska.

Năm 1917, một mẫu phổi từ cơ thể của một phụ nữ được khai quật trên bán đảo Seward của Alaska có chứa vật liệu gene của chủng cúm gây ra đại dịch năm 1918.

Năm 2012, các nhà khoa học xác nhận trong xác ướp 300 năm tuổi của một phụ nữ được chôn cất ở Siberia chứa dấu hiệu của virus gây bệnh đậu mùa.

Trong đợt bùng phát bệnh than ở Siberia vào tháng 7 - 8/2016 làm ảnh hưởng đến hàng chục người và hơn 2.000 con tuần lộc cũng có liên quan đến sự tan băng sâu hơn của lớp băng vĩnh cửu.

Các nhà khoa học của Đại học Umea ở Thụy Điển cảnh báo, cần quan sát kỹ lưỡng về rủi ro do các mầm bệnh tiềm tàng gây ra trong quá trình tan băng vĩnh cửu. Không phải tất cả các loại virus đều là mầm bệnh nguy hiểm, tuy nhiên, trong bối cảnh Trái đất nóng lên, nguy cơ nhiễm bệnh chắc sẽ tăng lên.