Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Kháng insulin khiến lượng đường trong máu cao

VOH - Chuyên gia dinh dưỡng nói, có thể dựa vào việc ăn các loại hạt và trứng để cải thiện tình trạng kháng insulin.

Khó giảm cân, lượng đường trong máu cao kéo dài và khó kiểm soát cơn thèm đường… những triệu chứng này có thể liên quan chặt chẽ đến tình trạng kháng insulin!

Chuyên gia dinh dưỡng nói rằng, kháng insulin có nghĩa là độ nhạy cảm của cơ thể với insulin giảm, khiến glucose ở lại trong mạch máu và không thể đi vào tế bào, đồng thời làm cho lượng đường trong máu duy trì ở mức cao trong thời gian dài. Chuyên gia dinh dưỡng chia sẻ 3 cách để cải thiện tình trạng kháng insulin.

khang-insulin
Insulin là chìa khóa để duy trì sự ổn định của lượng đường trong máu trong cơ thể con người - Ảnh: TVBS

Triệu chứng kháng insulin

Lý Uyển Bình, chuyên gia dinh dưỡng giàu kinh nghiệm người Đài Loan (Trung Quốc) giải thích rằng, khi cơ thể con người không thể phản ứng bình thường với insulin, tuyến tụy sẽ tiếp tục tiết ra quá nhiều insulin sẽ thúc đẩy quá trình tổng hợp chất béo và ức chế quá trình phân hủy chất béo nên sẽ khiến việc giảm cân trở nên khó khăn hơn.

Tình trạng kháng insulin sẽ có 8 triệu chứng phổ biến: bao gồm tỷ lệ vòng eo và chiều cao lớn hơn 0,5, bệnh gai đen, thèm đường, khó giảm cân, sưng khớp, nổi mụn, mệt mỏi và hội chứng buồng trứng đa nang.

Chuyên gia dinh dưỡng Lý Uyển Bình chia sẻ 3 cách sau đây để cải thiện tình trạng kháng insulin, mọi người cùng tham khảo.

Cách đầu tiên để cải thiện tình trạng kháng insulin: ăn đúng loại thực phẩm

Các loại hạt: ăn một nắm hạt mỗi ngày, chẳng hạn như đậu phộng hoặc hạt dẻ cười hay hạt cười (quả hồ trăn). Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, đậu phộng và hạt dẻ cười rất hữu ích trong việc ổn định insulin.

Quế: quế chứa một số hợp chất đã được tìm thấy trong các nghiên cứu trên động vật có thể tăng cường tác dụng của insulin.

Chất xơ hòa tan trong nước: nó có thể kéo dài thời gian làm rỗng dạ dày, khiến bạn bớt đói và làm chậm sự gia tăng insulin. Mọi người có thể chọn yến mạch, hạt bo bo (ý dĩ), mộc nhĩ, tảo bẹ, kiwi, táo…

Giấm: các nghiên cứu đã chỉ ra rằng ăn giấm trong hoặc sau bữa ăn có thể giúp ổn định lượng đường trong máu. Nên pha loãng 10 ml giấm hoa quả với nước để uống, hoặc không nên chấm sốt Sacha (sốt Sa Trà) khi ăn món lẩu mà thay vào đó là chấm với giấm đen hoặc giấm trắng. Sốt Sacha có hương vị thơm ngon đậm đà, sánh đặc đặc trưng, được dùng làm nước chấm hoặc làm gia vị cho các món ăn chiên xào, ăn lẩu, làm gia vị tẩm ướp cho các món ăn thêm hấp dẫn.

Thực phẩm chứa nhiều carotenoid: β-carotene, lycopene… có thể làm giảm sự xuất hiện của tình trạng kháng insulin. Một nghiên cứu từng yêu cầu những người tham gia nghiên cứu ăn hai quả trứng mỗi ngày có chứa lutein và zeaxanthin. Khi ăn trứng có kết hợp với rau bina (cải bó xôi), sẽ giúp lượng đường trong máu có thể ổn định hơn.

Cách thứ hai để cải thiện tình trạng kháng insulin: phương pháp ăn uống hỗn hợp

Chuyên gia dinh dưỡng Lý Uyển Bình khuyến cáo rằng, khi ăn nhiều thực phẩm là những loại tinh bột thì nên kết hợp với protein và chất béo, chẳng hạn như bánh mì nướng kết hợp ăn với trứng hoặc bơ, có thể giúp ổn định lượng đường trong máu.

Cách thứ ba để cải thiện tình trạng kháng insulin: ăn thực phẩm giàu carbohydrate vào bữa trưa

Chuyên gia dinh dưỡng Lý Uyển Bình nhấn mạnh rằng, tinh bột (là một loại carbohydrate) có thể ăn được nhưng nên ăn vào buổi trưa. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, nếu muốn giảm tình trạng kháng insulin, tốt nhất mọi người nên giảm một nửa lượng tinh bột nạp vào hàng ngày và nên ăn những thực phẩm giàu tinh bột vào buổi trưa. Nếu rất đói, mọi người cũng có thể ăn tinh bột vào sáng. Đồng thời, chuyên gia còn khuyến cáo mọi người không nên ăn tinh bột trong bữa tối, miễn sao bữa tối có đủ protein và rau củ là đuợc.

Bình luận