Nhiều nghiên cứu khác còn cho rằng, uống mật ong có thể làm giảm đường huyết lúc đói và cholesterol. Các bác sĩ chuyên khoa về trao đổi chất khuyến cáo rằng, việc thay thế đường bằng mật ong và kiểm soát lượng đường trong lượng khuyến nghị sẽ rất hữu ích, nhưng uống mật ong với một lượng quá nhiều vẫn có nguy cơ làm tăng lượng đường trong máu.
Giang Thủ Sơn, bác sĩ uy tín về Nội thận người Đài Loan (Trung Quốc) nhấn mạnh rằng, mật ong thật sự có nhiều lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe. Ông trích dẫn một nghiên cứu trên 18.000 người tham gia cho thấy những người thường xuyên uống mật ong ít có khả năng mắc bệnh tiền tiểu đường.
Phân tích nghiên cứu cho thấy, những người uống mật ong 4 đến 6 lần một tuần có nguy cơ mắc bệnh tiền tiểu đường thấp hơn 23% so với những người không uống mật ong.
Mật ong có thể cải thiện lượng đường trong máu và chất béo
Bác sĩ Giang Thủ Sơn nói, có nghiên cứu cho rằng chất tạo ngọt tổng hợp hay còn được gọi là chất thay thế đường sẽ kích thích bệnh nhân đói hơn, khiến lượng đường trong máu tăng trở lại. Ngoài ra, nhiều nghiên cứu ở Mỹ chỉ ra rằng, chất thay thế đường aspartame có nhiều tác dụng phụ.
Ngược lại, nhiều nghiên cứu đã khẳng định uống mật ong sẽ không làm tăng lượng đường trong máu, thậm chí có những bệnh nhân tiểu đường có lượng đường trong máu rất cao, sau khi uống mật ong, lượng đường trong máu cũng giảm xuống.
Ngoài ra, sau khi uống mật ong, lượng đường trong máu còn giảm xuống thấp hơn nữa. Vì vậy, bác sĩ Giang Thủ Sơn gợi ý những bệnh nhân tiểu đường nên dùng mật ong thay đường khi muốn ăn đồ ngọt.
Bác sĩ Giang Thủ Sơn cũng chia sẻ một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y khoa Nhà xuất bản Đại học Cambridge trong đó chỉ ra rằng, mật ong có thể cải thiện lượng đường trong máu và chất béo ở bệnh nhân tiểu đường, với tác dụng tương tự như ăn socola đen.
Nghiên cứu này còn cho thấy, mật ong có thể làm giảm lượng đường trong máu lúc đói, cholesterol toàn phần và lipoprotein mật độ thấp (cholesterol xấu), chất béo trung tính lúc đói và dấu hiệu của gan nhiễm mỡ (alanine aminotransferase, ALT). Đồng thời, mật ong cũng có thể làm tăng cholesterol HDL (cholesterol tốt)
Trái cây sạch và mật ong có tác dụng kiểm soát lượng đường
Bác sĩ Giang Thủ Sơn cho biết, mật ong là một loại đường rất tốt, mặc dù mật ong có khoảng 80% đường và 20% còn lại là nước nhưng nó lại chứa hơn 180 thành phần tốt cho sức khỏe, bao gồm axit amin, vitamin, khoáng chất, men vi sinh và polyphenol.
Vì khoảng một nửa số bệnh nhân mắc bệnh thận của bác sĩ là bệnh thận do tiểu đường nên bác sĩ Giang Thủ Sơn thường khuyên bệnh nhân thay thế đường bằng mật ong khi muốn ăn ngọt.
Ngoài ra, trái cây sạch có thể làm giảm huyết sắc tố glycated, tránh tình trạng kháng insulin và do đó có thể ngăn ngừa bệnh tiểu đường. Những loại trái cây này cũng chứa các chất phytochemical và chất xơ khác nhau, có thể ngăn ngừa các bệnh ung thư khác nhau như ung thư đại trực tràng.
Mặc dù lượng đường trong máu sau bữa ăn 2 giờ sẽ cao hơn so với người không ăn trái cây, nhưng có một hiệu ứng chậm trễ, có thể hạ đường huyết vào bữa ăn tiếp theo và giảm các biến chứng của bệnh tiểu đường. Vì vậy, bác sĩ Giang Thủ Sơn cũng có khuyến khích bệnh nhân tiểu đường ăn trái cây sạch.
Theo bác sĩ Giang Thủ Sơn, trái cây sạch là những trái cây không chứa các chất gây hại đến sức khỏe con người, chẳng hạn như không có dư lượng các loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu, thuốc tăng trưởng, hóa chất làm nhanh chín trái cây; không có các vi sinh vật, vi trùng gây bệnh; chúng có nguồn gốc xuất xứ và thông tin rõ ràng; đặc biệt có chứng nhận an toàn thực phẩm.
Người tiểu đường nên dùng mật ong vừa phải
Huỳnh Hân Ninh, bác sĩ có nhiều năm kinh nghiệm về trao đổi chất tại Bệnh viện Từ Tế Đại Lâm (Đài Loan) cho biết, bệnh nhân tiền tiểu đường có thể uống mật ong, nhưng nói chung điều quan trọng nhất là phải xem mật ong họ uống có phải là mật ong thật hay không, vì rất nhiều mật ong giả được làm từ đường và không phải mật ong nguyên chất.
Bác sĩ Huỳnh Hân Ninh cho biết, nói chung bệnh nhân sẽ được bác sĩ khuyến cáo rằng nếu muốn uống mật ong thì nên uống có chừng mực và coi nó như là sản phẩm đường. Bởi vì, nhìn chung mật ong nguyên chất bán trên thị trường rất ít, mà hầu hết chúng đều không phải là mật ong nguyên chất.
Hiện tại chưa thấy nghiên cứu nào nói rằng mật ong có thể chữa khỏi bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, nếu người bệnh thực sự muốn ăn ngọt, bác sĩ gợi ý có thể dùng một ít mật ong thay thế, vì mật ong có một số lợi ích bổ sung so với sản phẩm đường. Nhưng bác sĩ sẽ không khuyên bệnh nhân uống quá nhiều mật ong.
Bác sĩ Huỳnh Hân Ninh nói, nghiên cứu gồm 18.000 người vừa đề cập ở trên đang theo dõi các bệnh nhân tiền tiểu đường và sau khi họ uống mật ong, người ta nhận thấy những người nay ít có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường hơn.
Tuy nhiên, xét về mặt nghiên cứu quan sát, 18.000 người tham gia có vẻ hơi ít. Nếu nhìn từ góc độ phòng ngừa thì cần một con số lớn hơn để chứng minh rằng mật ong có thể có một số tác dụng phòng ngừa bệnh tiểu đường.