Mật ong có thể giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ!

(VOH) - Bạn có thích mật ong? Nhiều món tráng miệng được kết hợp với mật ong, không ít người cũng thích uống nước có pha mật ong.

Một nghiên cứu gần đây được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng của Anh (British Journal of Nutrition) cho thấy rằng, dùng mật ong từ 2 đến 6 lần một tuần có thể giảm 14% nguy cơ mắc gan nhiễm mỡ không do rượu.

Giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ không do rượu

Bác sĩ chuyên khoa lồng ngực và điều trị bệnh nặng người Đài Loan (Trung Quốc) Hoàng Hiên đã chia sẻ rằng, bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD) là một hội chứng chuyển hóa của gan.

Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu là sự tích tụ thêm chất béo trong tế bào gan mà không phải do rượu gây ra. Gan chứa một số chất béo là điều bình thường. Tuy nhiên, nếu hơn 5% - 10% trọng lượng của gan là chất béo thì được gọi là gan nhiễm mỡ.

Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu như vậy cũng có nguy cơ dần dần phát triển thành xơ gan và ung thư gan.

Bằng chứng gần đây cho thấy, dùng mật ong có thể có tác dụng kiểm soát hội chứng chuyển hóa của gan, nhưng mối quan hệ giữa việc dùng mật ong và gan nhiễm mỡ không do rượu vẫn chưa rõ ràng.

Vì vậy, các nhà khoa học bắt đầu nghiên cứu mối quan hệ giữa dùng mật ong và gan nhiễm mỡ không do rượu trong nhóm dân số phổ thông.

Xem thêm: Bác sĩ chia sẻ về mức độ nguy hiểm của bệnh gan nhiễm mỡ

Mật ong có thể giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ! 1
Dùng mật ong 2 đến 6 lần/tuần có thể giảm 14% nguy cơ mắc gan nhiễm mỡ không do rượu  (Nguồn tvbs.com.tw)

Theo báo cáo nghiên cứu về chẩn đoán bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu trên 20.179 người trưởng thành trong độ tuổi từ 20 đến 90 trong trường hợp họ không uống nhiều rượu và mắc các bệnh về gan khác, người ta thấy rằng mỗi tuần dùng 2 đến 6 lần mật ong có thể giảm 14% nguy cơ mắc gan nhiễm mỡ không do rượu.

Bệnh nhân tiểu đường không phù hợp dùng mật ong

Tuy nhiên, bác sĩ Hoàng Hiên cũng cho biết “Kết quả của nghiên cứu này vẫn cần được chứng minh thêm trong các nghiên cứu với quy mô nghiên cứu lớn khác.” Ông cũng nhắc nhở bệnh nhân đái tháo đường không nên dùng mật ong và nếu có dùng cần phải hỏi kỹ bác sĩ trước khi dùng.

Cơ quan quản lý y tế Đài Loan (Trung Quốc) nhấn mạnh, thành phần của mật ong có chứa nước, một lượng các chất dinh dưỡng vi lượng và Vitamin. Trong đó, thành phần chủ yếu gồm 2 loại Monosaccharide còn gọi đường đơn là Glucose và Fructose.

Vì Monosaccharide có thể được cơ thể con người hấp thụ trực tiếp, làm cho lượng đường trong máu sẽ tăng nhanh và cung cấp năng lượng cần thiết cho các hoạt động của cơ thể.

Do đó, dùng mật ong sẽ làm tăng lượng đường trong máu, không tốt cho việc theo dõi bệnh tiểu đường và kiểm soát lượng đường trong máu.

Mật ong có thể giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ! 2
Bệnh nhân tiểu đường không phù hợp dùng mật ong (hình minh họa)

Cách bảo quản mật ong

Hầu hết mọi người dùng mật ong đều thích dùng khi còn tươi mới! Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo rằng, để giữ nguyên được dinh dưỡng và hương vị của mật ong, các bạn cần phải nắm vững ba nguyên tắc sau: nhiệt độ bảo quản, tránh ánh sáng và đậy kín.

Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, mật ong tươi mới có chứa nấm men, lợi khuẩn Axit Lactic và một số lượng lớn các Enzym, thành phần của mật ong sẽ thay đổi theo môi trường bảo quản, nhiệt độ và độ ẩm nên dùng mật ong tươi mới sẽ là thời điểm dùng được mật ong có giá trị dinh dưỡng cao nhất.

Nếu dùng không hết chai mật ong, các bạn không cần cho vào tủ lạnh, có thể bảo quản ở nhiệt độ bình thường trong phòng.

Nếu được đậy kín và bảo quản đúng cách thì mật ong bên trong chai sẽ không bị biến chất trong thời gian kéo dài đến 2 năm.

Cần lưu ý, nếu nhiệt độ môi trường bảo quản cao hơn 30°C hoặc bị ánh nắng trực tiếp chiếu vào, đường trong mật ong sẽ đẩy nhanh “phản ứng Menner” và chuyển thành Hydroxymethyl Furfural (HMF) gây ra hiện tượng hóa nâu.

Đây sẽ là nguyên nhân chính khiến mật ong bị biến chất, giá trị dinh dưỡng sẽ giảm đi rất nhiều. Vì vậy, cách bảo quản mật ong được xem tốt nhất là để mật ong ở nơi có nhiệt độ bình thường trong phòng và tránh ánh sáng trực tiếp chiếu vào.