Trong chương trình Phòng mạch FM phát sóng trên VOH Radio – Đài tiếng nói nhân dân TPHCM, PGS. TS bác sĩ Nguyễn Thị Bay (Đến từ Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM) đã chia sẻ về những tác động của yoga đối với sức khỏe cũng như những điều cần lưu ý khi tập bộ môn này.
1. Yoga là gì?
PGS. TS bác sĩ Nguyễn Thị Bay cho biết, từ yoga xuất phát từ tiếng Phạn của Ấn Độ, nó là phương pháp tập luyện có sự kết hợp giữa tinh thần và thể chất, đòi hỏi người tập phải rèn luyện cả thể chất, suy nghĩ lẫn hơi thở.
Không giống như tập gym hay các bộ môn thể thao vận động khác, tập luyện để tăng cường cơ bắp. Đối với yoga cần phải kết hợp các kỹ thuật thở, tư thế yoga và ngồi thiền nên không chỉ giúp cơ thể khỏe mạnh, dẻo dai mà tinh thần người tập còn được cân bằng, thư giãn.
Yoga giúp cân bằng thể chất lẫn tinh thần (Nguồn: Internet)
2. Nên tập yoga như thế nào?
Các nhà nghiên cứu về yoga thường khuyên chúng ta nên bắt đầu tập theo kiểu Hatha yoga, tức là chúng ta thực hành theo 7 bước từ đơn giản đến phức tạp. Cụ thể là:
1. Kiểm soát: Tự kiểm soát hơi thở, tập trung vào việc tập luyện.
2. Luật: Tuân theo luật tập luyện nhất định và tập đều đặn.
3. Tư thế: Giữ cho thân thể ở trạng thái thanh thản, tâm trí hướng về hơi thở.
4. Điều khí: Bắt đầu điều hòa hơi thở, tập trung vào nhịp thở, thở chậm và sâu.
5. Làm chủ giác quan: Sau khi làm chủ được hơi thở, chúng ta tập trung đến điều mà mình muốn hướng tới.
6. Tập trung vào 1 điểm nào đó bên ngoài hoặc trên cơ thể như: mắt, mũi, hay một nụ cười, một bông hoa, một người thân,…
7. Thiền Na: Tức là sự tĩnh lặng, trạng thái tập trung mà sáng suốt
Theo bác sĩ Bay, 7 bước Hatha yoga là bước khởi động giúp chúng ta bước vào tập Asana (tư thế yoga) một cách thuần thục và hiệu quả.
3. Lợi ích của yoga đối với sức khỏe như thế nào?
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nếu tập luyện yoga đúng cách sẽ giúp chúng ta duy trì sức khỏe và góp phần vào chữa bệnh. Dưới đây là những lợi ích tuyệt vời của yoga đối với sức khỏe.
3.1 Cải thiện sự linh hoạt và sự dẻo dai
Nếu mỗi tuần tập luyện yoga 2 ngày, mỗi ngày 2 lần bạn sẽ duy trì sự dẻo dai và cân bằng cho cơ thể.
Yoga giúp tăng cường sự dẻo dai cho cơ thể (Nguồn: Internet)
3.2 Không gây đau mỏi cơ bắp, chuột rút
Khác với thể dục vận động, yoga không làm ứ acid lactic ở bắp thịt. Các động tác nhẹ nhàng kèm hơi thở sâu nên không gây đau mỏi cơ bắp hay bị chuột rút.
3.3 Làm tăng tuần hoàn máu
Yoga giúp tạo ra năng lượng, khí lực cho có thể nhiều hơn, đồng thời tăng cường sự nuôi dưỡng các tế bào, giúp giải độc cơ thể được tốt hơn.
3.4 Giảm bệnh lý cơ xương khớp
Yoga góp phần kéo giãn cơ, tăng cường sự dẻo dai mạch động cơ khớp, nuôi dưỡng phần sụn và giảm bệnh lý cơ xương khớp.
Theo bác sĩ Bay,nhìn chung yoga giúp tinh thần chúng ta hưng phấn hơn, sáng tạo hơn trong từng suy nghĩ và các hoạt động làm việc, góp phần tích lũy sự khỏe mạnh cho cơ bắp và giải độc cơ thể được tốt hơn.
4. Những điều cần lưu ý khi tập yoga
PGS. TS bác sĩ Nguyễn Thị Bay chia sẻ những lưu ý khi tập yoga gồm:
- Không cho trẻ em dưới 15 tuổi tập luyện yoga. Độ tuổi thích hợp để tập luyện yoga là từ 16 tuổi trở lên.
- Có thể luyện yoga từ lúc còn trẻ, thậm chí đến khi về già vẫn có thể bắt đầu tập luyện yoga. Tuy nhiên, trước khi tập luyện, bạn cần khám sức khỏe và tham khảo các động tác phù hợp từ huấn luyện viên yoga.
- Thời gian luyện tập để đạt hiệu quả phải tối thiểu là 2 tháng, thông thường nhất là 4 tháng.
- Bất cứ ai bắt đầu tập yoga cũng cần có người hướng dẫn bởi họ sẽ là người tư vấn cho bạn các động tác, giúp bạn sửa đổi khi tập sai để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe hoặc tình trạng bệnh lý.
- Khi tập luyện cần tuân thủ quy trình, không được vội vã.
- Tập thở đúng nhịp, động tác này bạn sẽ được hướng dẫn từ huấn luyện viên của bạn.
- Thời gian tập yoga thích hợp là vào buổi sáng sớm hoặc chiều muộn. Nếu bạn tập buổi sáng thì cần tập thở trước.
- Khi tập yoga bạn cần để bụng trống, không ăn quá no.
Lưu ý: Yoga giúp bạn cân bằng thể chất lẫn tinh thần nhưng bạn cần tập luyện đúng động tác, phù hợp với sức khỏe cơ thể. Đặc biệt, nếu tập yoga hỗ trợ điều trị bệnh thì bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ và hướng dẫn viên yoga.
Để nghe chi tiết chia sẻ của PGS.TS bác sĩ Nguyễn Thị Bay về những lợi ích của yoga đối với sức khỏe thì bạn có thể nhấp vào audio bên dưới.