Chờ...

Miếng dán tránh thai: Lợi và hại như thế nào?

( VOH ) - Bên cạnh các phương pháp ngừa thai khác thì miếng dán tránh thai là một biện pháp ngừa khả năng có thai hiệu quả. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tốt thì phương pháp này cũng có tác dụng phụ.

Miếng dán tránh thai lần đầu tiên được Cục quản lý Thuốc và thực phẩm Mỹ (FDA) cho phép lưu hành sử dụng vào tháng 11/2011 và nó dần trở thành phương pháp ngừa thai được hàng triệu phụ nữ trên thế giới tin dùng. Thế nhưng, ở Việt Nam nhiều chị em vẫn chưa thực sự hiểu về phương pháp tránh thai này.

1. Miếng dán tránh thai là gì?

Miếng dán tránh thai là một miếng mỏng khoảng 4 - 5cm, có hình vuông, được dán trực tiếp vào da vùng mông, bụng, lưng trên hoặc bắp tay.

Thành phần của miếng dán bao gồm 2 hormone tổng hợp là progestin (norelgestromin) và estrogen (ethinyl estradiol) có tác dụng ngăn ngừa sự rụng trứng, đồng thời làm thay đổi chất nhầy cổ tử cung cũng như niêm mạc tử cung làm hành trình di chuyển của tinh trùng khó khăn hơn.

Nếu trứng đã được thụ tinh, miếng dán tránh thai sẽ tác động để làm giảm khả năng trứng có thể hoàn thành quá trình cấy thai vào tử cung.

2. Cách sử dụng miếng dán tránh thai

Nếu miếng dán tránh thai được dán đúng lúc, mỗi tháng, hiệu quả tránh thai là hơn 95%, trong trường hợp chậm hoặc quên dán hoặc bóc miếng dán ra quá sớm sẽ làm giảm đáng kể hiệu quả của miếng dán, nên sẽ vẫn có khả năng mang thai.

mieng-dan-tranh-thai-loi-va-hai-nhu-the-nao-voh

Miếng dán tránh thai nếu sử dụng đúng cách thì hiệu quả tránh thai là hơn 95% (Nguồn: Internet)

Cách sử dụng miếng dán tránh thai khá đơn giản. Bạn có thể thực hiện theo các bước hướng dẫn sau:

  • Bước 1: Dán miếng dán tránh thai lên vùng da khô sạch, không có lông (mông, bụng, mặt ngoài phía trên cánh tay hoặc phần thân trên). Không dán lên vùng ngực, vùng da bị đỏ hoặc kích ứng, bị trầy xước. Miếng dán tiếp theo không dán trùng lên vị trí đã dán trước đó.
  • Bước 2: Ấn chặt cho miếng dán dính chắc vào da. Không nên sử dụng các loại mỹ phẩm lên vùng da đã dán.
  • Bước 3: Kiểm tra hàng ngày để đảm bảo miếng dán vẫn dính tốt vào da

2.1 Lưu ý khi sử dụng miếng dán tránh thai

  • Mỗi tuần bạn sẽ dán 1 miếng dán lên da, liên tục trong 3 tuần. Tuần thứ 4 sẽ không dán miếng mới cho tới khi chu kỳ kinh nguyệt xảy ra. Sau khi hết ‘đèn đỏ’ bạn sẽ tiếp tục lặp lại quy trình. Như vậy, mỗi miếng dán sẽ được dán trong 7 ngày, không dán lâu hơn vì có thể sẽ không đạt hiệu quả ngừa thai.
  • Ngay cả khi đi bơi, tắm rửa miếng dán cũng không bong ra, trừ những trường hợp sử dụng không đúng cách. Hiệu quả tránh thai vẫn còn nếu miếng dán được sử dụng lại trên da trong 24 giờ. Những trường hợp quá 24 giờ, bạn nên sử dụng 1 biện pháp tránh thai khác trong 7 ngày tiếp theo.
  • Không hút thuốc khi đang sử dụng miếng dán.
  • Không dùng băng kéo. Cắt hoặc sửa lại miếng dán theo bất kỳ hình thức nào.

3. Có phải ai cũng có thể sử dụng miếng dán tránh thai?

Không phải ai cũng có thể sử dụng miếng dán tránh thai, vì thế nếu muốn sử dụng biện pháp tránh thai này chị em nên đi khám bác sĩ xem mình có nguy cơ mắc bệnh tim mạch không. Nếu đã có bệnh hoặc có nguy cơ mắc bệnh tim mạch thì không được dùng miếng dán.

Những trường hợp chống chỉ định với viên thuốc tránh thai cũng không được dùng miếng dán tránh thai.

mieng-dan-tranh-thai-loi-va-hai-nhu-the-nao-1-voh

Một số trường hợp chị em không nên dùng miếng dán tránh thai để ngừa thai (Nguồn: Internet)

Ngoài ra, chị em cũng không nên sử dụng miếng dán tránh thai hàng ngày nếu:

  • Đang mang thai hoặc nghi ngờ mình đã có thai
  • Nuôi con bằng sữa mẹ
  • Hút thuốc lá và từ 35 tuổi trở lên
  • Béo phì
  • Có tiền sử mắc nhức đầu hoặc đau nửa đầu, huyết áp cao, gan có vấn đề, đau tim, ung thư vú, cục máu đông.
  • Ra máu âm đạo bất thường
  • Có sử dụng một số loại thuốc nhất định, chẳng hạn như thuốc kháng sinh.

4. Dùng miếng dán tránh thai: thuận lợi và bất lợi

4.1 Thuận lợi

  • Mang lại hiệu quả cao cho người sử dụng
  • Dễ sử dụng và không cản trở quá trình gần gũi của cặp đôi
  • Không giống như các loại thuốc tránh thai phải uống hàng ngày, chị em chỉ phải nhớ thay đổi miếng dán mỗi tuần một lần.
  • Các hormone từ các miếng tránh thai không hấp thu qua dạ dày, vì thế người sử dụng không cần lo lắng đến các tác dụng bị ảnh hưởng nếu chẳng may bị buồn nôn, tiêu chảy.
  • Miếng dán tránh thai dành cho nữ giới có khả năng điều hòa nội tiết trong cơ thể, giúp chu kỳ kinh nguyệt diễn ra đều đặn, nhẹ nhàng và ít gây cảm giác đau đớn, khó chịu.
  • Có thể giúp hỗ trợ trong quá trình tiền mãn kinh.

4.2 Bất lợi

Dù mang đến nhiều thuận tiện nhưng việc sử dụng miếng dán tránh thai hàng ngày cũng có thể gây ra một số bất lợi. Chẳng hạn như:

  • Dễ bị nhìn thấy và nhận ra.
  • Có thể gây kích ứng da, gây cảm giác ngứa ngáy, khó chịu.
  • Không thể bảo vệ bạn tránh được các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
  • Chu kỳ kinh nguyệt có thể xuất hiện đột ngột trong thời gian đầu sử dụng miếng dán tránh thai.

5. Tác dụng phụ của miếng dán tránh thai

Giống như các loại thuốc tránh thai, sử dụng miếng dán tránh thai, cơ thể phụ nữ cũng sẽ xuất hiện một số tác dụng phụ như đau đầu, buồn nôn, đau ngực, tâm trạng thay đổi thất thường... Hơn nữa, miếng dán tránh thai cũng có thể làm tăng huyết áp.

Một tác dụng phụ nguy hiểm khác của miếng dán tránh thai là làm tăng sự phát triển của các cục máu đông, do việc sử dụng miếng dán này hằng ngày làm tăng thêm 60% lượng estrogen so với dùng thuốc viên ngừa thai và đó là lý do tạo ra tai biến huyết khối, kèm theo đó là tình trạng đột quỵ hoặc đau tim. Do đó, những phụ nữ nào đã từng bị cục máu đông trước đây thì tốt nhất không nên sử dụng sản phẩm này.

Mặc dù những trường hợp dị ứng nghiêm trọng với miếng dán tránh thai rất hiếm khi xảy ra. Tuy nhiên, chị em cũng không được lơ là, nếu thấy các triệu chứng dị ứng như phát ban, ngứa, sưng, chóng mặt, khó thở... thì nên ngưng sử dụng miếng dán và đến bệnh viện để kiểm tra ngay.