Trong y học cổ truyền, ngâm chân nước nóng là một liệu pháp trị bệnh thông dụng vì nó vừa đơn giản vừa hiệu quả đối với sức khỏe.
1. Ngâm chân nước nóng có tác dụng gì?
Ngâm chân nước nóng là một liệu pháp đơn giản để cải thiện sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Nó bao gồm những lợi ích sau đây:
Ngâm chân nước nóng giúp thư giãn, lưu thông máu huyết (Nguồn: Internet)
1.1 Cải thiện trí não và tinh thần
Ngâm chân bằng nước nóng sẽ giúp bạn được thư giãn sâu, giảm stress, áp lực và phục hồi sự cân bằng giữa suy nghĩ và cảm xúc. Ngoài ra, nó còn mang lại cho bạn cảm giác hài lòng, thỏa mãn, tăng cường sự tập trung trí não và kiểm soát lo âu.
1.2 Giảm chứng mất ngủ
Ngâm chân nước nóng trước khi ngủ đều đặn mỗi ngày sẽ giúp bạn ngủ ngon và sâu hơn. Trong lúc ngâm chân, nếu kết hợp xoa bóp nhẹ nhàng bàn chân sẽ tạo ra những động tác tích cực đến hệ thần kinh, kích thích tuần hoàn máu, điều hòa khí huyết và cân bằng cơ thể.
1.3 Trị bệnh ngoài da
Ngâm chân với nước nóng có thể giúp bạn trị được bệnh nấm chân hoặc nấm móng chân. Cách này sẽ càng hiệu quả hơn nếu bạn kết hợp nước nóng với muối. Muối là một trong những nguyên liệu chăm sóc da rất tốt với tác dụng tẩy tế bào chết, giảm viêm nhiễm, ngứa, đau nhức và nhanh chóng phục hồi vết thương.
1.4 Khử mùi hôi chân
Không chỉ mang lại cho bạn cảm giác thư giãn, thoải mái mà ngâm chân bằng nước nóng còn giúp bạn giải quyết mùi hôi chân. Bạn có thể ngâm chân nước nóng kết hợp với một số loại thảo dược, tinh dầu khác để mang lại đôi chân sạch sẽ, thơm tho hơn.
2. Hướng dẫn ngâm chân nước nóng tại nhà
Để tận dụng những lợi ích sức khỏe của phương pháp ngâm chân nước nóng, bạn nên thực hiện theo những bước sau đây:
- Bước 1: Hãy tìm một chiếc chậu rộng đủ lớn để đặt hai bàn chân một cách vừa vặn, thoải mái rồi đổ nước ấm vào đầy chậu.
- Bước 2: Bạn có thể cho bột nở, muối, tinh dầu, sả, ngải cứu, lá lốt, gừng…vào thau nước tùy thích. Bước này sẽ giúp bàn chân được thư giãn và có tác dụng chữa bệnh hiệu quả hơn.
- Bước 3: Hãy dùng khuỷu tay để kiểm tra nhiệt độ nước trước. Nếu nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh, bạn có thể điều chỉnh bằng cách đổ thêm nước lạnh hoặc nước nóng vào thau cho đến khi vừa ấm là được.
- Bước 4: Hãy lót một chiếc khăn xuống sàn nhà và đặt thau nước lên trên để tránh nước tràn ra ngoài.
- Bước 5: Bạn hãy đặt hai bàn chân vào thau nước ấm và ngồi thoải mái từ 5 - 15 phút. Tránh ngâm chân lâu hơn vì có thể làm khô da chân.
- Bước 6: Sau khi ngâm chân hãy nhấc chân ra và lau khô bằng khăn bông mềm. Sau đó có thể xoa bóp, massage chân tùy thích rồi thoa kem dưỡng ẩm bàn chân để tránh khô, nứt da.
3. Ai không nên ngâm chân nước nóng?
Người bị giãn tĩnh mạch không nên ngâm chân nước nóng (Nguồn: Internet)
Mặc dù, ngâm chân nước nóng mang lại nhiều lợi ích, nhưng những đối tượng sau đây không nên áp dụng biện pháp này:
- Những người bị viêm khớp dạng thấp, xơ cứng tắc nghẽn động mạch.
- Người bị giãn tĩnh hoặc bị suy tĩnh mạch.
- Trẻ em không nên ngâm chân nước nóng vì chúng đang ở tuổi phát triển, nếu ngâm chân nước nóng sẽ làm cho dây chằng chân trở nên lỏng lẻo, không có lợi cho việc hình thành và duy trì sự phát triển của chân, thậm chí nặng hơn, nó sẽ làm cho cột sống biến dạng. Nghiêm trọng thì sẽ ảnh hưởng đến, não, tim, phát triển bụng.
- Những người bị bệnh tiểu đường không nên ngâm chân nước nóng. Người bình thường thì cảm thấy nhiệt độ nước quá nóng, còn với những người mắc bệnh tiểu đường thì mất nhiều cảm giác về nóng nên rất dễ bị bỏng da.
Lưu ý: Bạn chỉ nên ngâm chân với nước có nhiệt độ từ 40 – 45 độ C. Bởi nếu ngâm nước nóng quá sẽ có hại cho tim mạch và não, hơn nữa nếu nóng quá dễ làm bỏng chân và gây nứt nẻ da chân.