Chờ...

Quên trước quên sau có phải là bị hội chứng mất trí nhớ hay chỉ là chứng hay quên?

VOH - Một số người cảm thấy rằng họ thường quên trước quên sau khi về già và tự hỏi liệu họ có mắc chứng mất trí nhớ hay không?

Bác sĩ chuyên khoa thần kinh học chỉ ra rằng, những người thường có kiểu suy nghĩ này không mắc phải chứng mất trí nhớ và nhiều nhất chỉ có thể được coi là chứng hay quên.

quen-truoc-quen-sau
Sự khác biệt lớn nhất giữa chứng mất trí nhớ và chứng hay quên là nằm ở chỗ có thể nhớ lại những gì mình nên nhớ hay không - Ảnh: TVBS

Sự khác biệt giữa chứng mất trí nhớ và chứng hay quên

Bác sĩ Đặng Chung Tuyền, Trường Khoa Thần kinh tại Bệnh viện Chấn Hưng (Đài Loan, Trung Quốc) chỉ ra rằng, khi con người già đi, tốc độ thực hiện các động tác, các công việc trong cuộc sống hàng ngày mà người bình thường có thể hoàn thành bị chậm lại hoặc mức độ hoàn thành kém hơn một chút, nhưng họ vẫn có thể làm được những gì họ muốn làm và muốn hành động.

Tình trạng này được coi là sự lão hóa bình thường, hay quên là một trong số đó. Ví dụ, khi muốn mở tủ lạnh để lấy một thứ gì đó, nhưng mọi người sẽ quên mất thứ mình muốn lấy khi mở tủ lạnh ra, sau đó nếu cố nhớ thì mình sẽ nhớ ra những thứ mình muốn lấy.

Còn nếu như mắc phải chứng mất trí nhớ, mọi người thường không thể nhớ ra mình muốn lấy thứ gì khi mở tủ lạnh, cho dù mọi người cố gắng nhớ đến thế nào đi chăng nữa.

Nguyên nhân gây ra chứng mất trí nhớ

Bác sĩ Đặng Chung Tuyền cho rằng, nguyên nhân gây ra chứng mất trí nhớ là do cơ thể không có khả năng loại bỏ các protein amyloid được sản xuất trong não, tích tụ trong não tạo thành các mảng bám amyloid, protein Tau và các thay đổi bệnh lý khác, dẫn đến các triệu chứng thoái hóa thần kinh.

Trong các bệnh thoái hóa thần kinh, bệnh parkinson ảnh hưởng đến chức năng vận động của cơ thể, trong khi bệnh mất trí nhớ ảnh hưởng đến chức năng trí nhớ.
Các loại chứng mất trí nhớ

1. Loại thoái hóa: trong đó bệnh alzheimer là loại bệnh hay bắt gặp nhất, chiếm 60%.

2. Loại mạch máu: do đột quỵ và bệnh lý mạch máu nhỏ, chiếm 20%.

3. Do các bệnh khác: chẳng hạn như suy giáp, thiếu vitamin B, vitamin B12, axit folic, bị trầm cảm, các bệnh truyền nhiễm, chấn thương sọ não do hạ đường huyết, não úng thủy…

Các giai đoạn của bệnh mất trí nhớ

Bác sĩ Đặng Chung Tuyền cho biết, các triệu chứng của bệnh mất trí nhớ ở giai đoạn đầu, giữa và cuối là có sự khác nhau và có thể phân biệt được bằng cách quan sát kỹ hơn:

Giai đoạn đầu: thường không thể nhớ mình muốn làm gì, thậm chí có thể bị lạc đường gần nhà, quên mất mình đang đi đâu, khả năng tập trung kém, tâm trạng có thể thay đổi đáng kể như trầm cảm hoặc bạo lực và hầu như không thể tự chăm sóc bản thân trong cuộc sống hàng ngày.

Giai đoạn giữa: không thể nhớ những gì đã xảy ra trong quá khứ, gặp khó khăn trong việc phân biệt giữa con người, thời gian, sự vật và địa điểm… Thói quen hàng ngày của họ rất hỗn loạn và đôi khi có thể gặp phải ảo giác hoặc ảo tưởng, ví dụ như coi nửa đêm là buổi sáng và có ý muốn thức dậy ăn sáng hoặc đi dạo; hoặc là vì không tìm được nhà vệ sinh ở trong nhà, dẫn đến đi đại tiểu tiện không tự chủ và một đặc điểm nữa là khó giao tiếp với người khác.

Giai đoạn muộn: khả năng vận động kém, đại tiểu tiện không tự chủ, hầu hết thời gian muốn nằm trên giường, có ảo giác nghiêm trọng, thậm chí có những hành vi không phù hợp và hoàn toàn không có khả năng tự chăm sóc bản thân.

Cách trì hoãn quá trình mất trí nhớ

Bác sĩ Đặng Chung Tuyền cho biết, việc điều trị lâm sàng chứng mất trí nhớ vẫn tập trung vào việc trì hoãn diễn biến của bệnh, người bệnh phải hợp tác để điều chỉnh thói quen sinh hoạt và phải có đúng phương pháp:

1. Tập thể dục chân tay: nên tập tạ, điều này có thể đồng thời tránh tình trạng thiểu cơ và duy trì sự căng cơ, thăng bằng và xương chắc khỏe thông qua việc tập thể dục.

2. Luyện tập trí não: sử dụng trí não nhiều hơn và ngủ đủ giấc. Thính giác, thị giác, khứu giác, vị giác và xúc giác của con người đều có những vùng tương ứng trong não. Việc nhận được kích thích giác quan có thể cho phép các tế bào não duy trì chức năng và giảm sự thoái hóa. Vì vậy, nếu thị giác và thính giác yếu kém, mọi người cần phải được điều trị để khắc phục chúng, nếu không điều này sẽ làm giảm sự tương tác với người khác và môi trường xung quanh, không thể kích thích não bộ; ngủ đủ giấc sẽ giúp duy trì chức năng trí nhớ tốt.

3. Giao tiếp nhiều hơn với mọi người: tham gia nhiều hoạt động và giao tiếp xã hội hơn có thể tránh được sự suy giảm nhanh chóng chức năng nhận thức và các triệu chứng mất trí nhớ khi về già.

Ngoài ra, Bác sĩ Đặng Chung Tuyền còn nhắc nhở  những bệnh nhân mắc phải chứng mất trí nhớ đồng thời mắc bệnh tiểu đường, tăng huyết áp và mỡ máu cao hãy nhớ kiểm soát tốt huyết áp, lượng đường trong máu và lipid trong máu để tránh làm tổn thương mạch máu, nếu không có thể gây ra bệnh mạch máu hoặc đột quỵ.