Tiêu điểm: Nhân Humanity

Kế hoạch thuế carbon của EU có tác động hạn chế tới phát thải và gây khó cho Châu Á

VOH - Kế hoạch của Liên minh châu Âu (EU) áp thuế đối với hàng nhập khẩu có hàm lượng carbon cao có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế các nước đang phát triển ở châu Á.
Kế hoạch thuế carbon của EU có tác động hạn chế tới phát thải và gây khó cho Châu Á 1
Thuế carbon của EU sẽ tác động hạn chế tới biến đổi khí hậu, nhưng sẽ gây tác động tiêu cực nhẹ tới các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á

Theo nội dung Báo cáo Hội nhập Kinh tế Châu Á (AEIR) 2024, cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của Liên minh châu Âu, dự kiến có hiệu lực vào năm 2026, sẽ áp phí nhập khẩu đối với các sản phẩm như thép, xi măng và điện, dựa trên lượng khí thải CO2 trong quá trình sản xuất chúng.

Các khoản phí nhập khẩu đối với các sản phẩm như thép, xi măng và điện nhằm mục đích hạn chế “rò rỉ carbon”, là kết quả của việc những đối tượng gây ô nhiễm chuyển sản xuất từ ​​các quốc gia có quy định nghiêm ngặt hoặc giá carbon cao sang những quốc gia có quy định ít nghiêm ngặt hơn hoặc giá thấp hơn.

Mục tiêu áp thuế của Liên minh châu Âu (EU) đối với các sản phẩm thâm dụng carbon có thể gây tổn hại cho các nền kinh tế ở châu Á và Thái Bình Dương, nhưng khó có thể dẫn đến giảm đáng kể lượng khí thải nhà kính. Do đó, các sáng kiến định giá carbon cần được mở rộng sang các khu vực khác ngoài EU, đặc biệt là châu Á.

Đây là nhận định của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đưa ra trong một báo cáo ngày 26/2.

Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của EU hướng tới việc giải quyết những lo ngại rằng việc thuê ngoài phần lớn hoạt đột sản xuất sẽ khiến phần lớn chuỗi cung ứng của EU vượt quá ngưỡng trong hệ thống giao dịch phát thải (ETS) của khối.

CBAM được thiết kế nhằm tạo ra một sân chơi bình đẳng, buộc các nhà cung cấp nước ngoài phải trả mức phí phát thải carbon tương tự như các nhà cung cấp trong nước.

Theo ADB, dự kiến cơ chế CBAM sẽ cắt giảm xuất khẩu từ châu Á sang EU, đặc biệt là từ khu vực Tây và Tây Nam Á, trong đó mặt hàng thép từ Ấn Độ cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Nhà kinh tế Neil Foster-McGregor từ ADB đánh giá CBAM là một chính sách tương đối hạn chế vào thời điểm hiện tại, do chỉ có hiệu lực đối với hàng nhập khẩu vào EU của 6 lĩnh vực. Trong khi đó, quy mô sản xuất ngày càng tăng, bất chấp việc định giá carbon trên toàn cầu, cũng sẽ khiến lượng khí thải tăng.

Theo ông Foster-McGregor, giải pháp cho vấn đề này có thể là sự thay đổi cơ bản trong kỹ thuật sản xuất. CBAM có thể giúp tăng doanh thu khoảng 14 tỷ euro (15,2 tỷ USD) vào năm 2030, sau đó số tiền này sẽ được dùng để cung cấp tài chính về khí hậu cho các nước đang phát triển nhằm khử carbon trong sản xuất.

Mục tiêu của CBAM là khuyến khích các nền kinh tế ngoài EU áp dụng các chính sách khí hậu chặt chẽ hơn, ví dụ như nếu các quốc gia xuất khẩu có thể chứng minh rằng giá carbon đã được trả thì thuế CBAM sẽ giảm.

Các tiểu vùng của châu Á có tỷ trọng hàng xuất khẩu thâm dụng carbon sang châu Âu lớn hơn, nhất là Trung và Tây Á, sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực hơn bởi cơ chế CBAM và hệ thống mua bán khí thải của EU.

Theo báo cáo Hội nhập Kinh tế Châu Á, với những tác động phân phối dự kiến, đặc biệt là đối với các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á, cần có các cơ chế khuyến khích phù hợp để thúc đẩy áp dụng rộng rãi việc định giá carbon.

Bình luận