Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Lợi nhuận khủng từ tín chỉ carbon rừng

VOH - Kiếm triệu đô từ rừng nhờ bán tín chỉ carbon không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần vào bảo tồn môi trường.
Lợi nhuận khủng từ tín chỉ carbon rừng 1

Ảnh minh họa: internet

Năm 2023, việc mua tín chỉ carbon từ rừng đã mang về hơn 41 triệu USD cho các hộ trồng rừng ở sáu tỉnh Bắc Trung Bộ. Số tiền này được chuyển về cho các địa phương để chi trả cho các chủ rừng, người dân địa phương và cộng đồng quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Nguồn thu khủng từ tín chỉ carbon

Ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục lâm nghiệp cho biết, tháng 10/2020, Việt Nam đã ký kết thỏa thuận chi trả giảm phát thải 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ với ngân hàng Thế giới (WB), đến nay thủ tục pháp lý đã sẵn sang và WB đã chuyển cho Việt Nam 80% tổng kinh phí.

Thương vụ này được Việt Nam ký kết với Ngân hàng Thế giới vào tháng 10-2020, với điều kiện nước ta sẽ giảm 10,3 triệu tấn khí thải carbon từ sáu tỉnh Bắc Trung Bộ đến năm 2025. Đổi lại chúng ta sẽ nhận được tổng cộng 51,5 triệu USD, tức mỗi  tín chỉ carbon sẽ được mua với giá 5 USD (mỗi tín chỉ bằng 1 tấn CO2).

Thương mại tín chỉ carbon rừng sẽ tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện sinh kế, bảo vệ môi trường. Đây là thỏa thuận đầu tiên về giảm phát thải được triển khai thành công ở nước ta, mang về một khoản tài chính lớn, góp phần quản lý, bảo vệ rừng và nâng cao đời sống cho người dân.

Theo TS Nguyễn Quốc Trung, Trung tâm Bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu (Trung ương Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam), đây là những viên gạch đầu tiên của thị trường tín chỉ carbon và cũng là định hướng quan trọng để Việt Nam đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 (net zero).

Đến cuối tháng 12-2023, Bộ NN&PTNT đã chuyển giao xong 10,3 triệu tấn CO2 cho Ngân hàng Thế giới. Điều này có nghĩa là số tiền còn lại 10,3 triệu USD, tương đương 249 tỉ đồng sắp được Ngân hàng Thế giới hoàn tất thanh toán cho Việt Nam.

Tiềm năng lớn của rừng

Việt Nam là một trong những quốc gia tiềm năng với các dự án về tín chỉ carbon. Rừng Việt Nam có tiềm năng tạo ra khoảng 50 - 70 triệu tấn tín chỉ carbon rừng dôi dư, nếu xuất khẩu thành công thì nguồn thu có thể lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Việt Nam hiện có trên 14,7 triệu ha rừng với tỷ lệ che phủ trên 42%, trong đó rừng tự nhiên chiếm hơn 10 triệu ha, rừng trồng hơn 4,5 triệu ha. Tổ chức Lương – Nông Liên hiệp quốc (FAO) đánh giá, trong khi diện tích rừng trên bthe61 giới suy giảm mạnh, diện bti1ch rừng trồng thấp, thì Việt Nam là một trong 10 quốc gia có diện tích rừng tăng cao nhất, có diện tích rừng trồng lớn nhất thế giới.

Lợi nhuận khủng từ tín chỉ carbon rừng 2

Theo nghiên cứu, nếu áp dụng diện tích từng loại rừng ở từng vùng thì tổng lượng carbon được hấp thụ và lưu giữ ở Việt Nam rất lớn.

Ảnh: PD

Việt Nam đã giao chỉ tiêu giảm phát thải khí nhà kính cho các lĩnh vực như: năng lượng, GTVT, nông nghiệp và quản lý chất thải, trong khi giao chỉ tiêu hấp thụ khí nhà kính cho lĩnh vực lâm nghiệp, và nhấn mạnh vai trò quan trọng của ngành lâm nghiệp trong việc đạt được mục tiêu hấp thụ carbon.

Theo ước tính của TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh, chỉ tính riêng 4,26 triệu ha rừng ở Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, nếu được ký kết thỏa thuận mua bán tín chỉ carbon giai đoạn 2022-2026 thì sẽ có thêm nguồn thu hơn 1.180 tỉ đồng (ước tính khoảng 5,15 triệu tấn CO2 với giá tối thiểu 10 USD/tän).

“Thỏa thuận mua bán kết quả giảm phát thải chính thức được các bên ký kết, các chủ rừng ở Tây Nguyên, Nam Trung Bộ sẽ có thêm nguồn thu nhập đáng kể để cải thiện sinh kế. Các địa phương sẽ có thêm nguồn lực để tái đầu tư cho công tác, chăm sóc, bảo vệ rừng”. Ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục lâm nghiệp cho biết thêm.

Hiện các nhà đầu tư nước ngoài khá kén việc thu mua tin chỉ từ rừng trồng, vì ngoài tuổi thọ của cây thì thảm thực vật ở ít hơn rừng tự nhiên, khiến việc hấp thụ carbon của rừng trồng ít hơn. Vì vậy Việt Nam cần từng bước cải tạo rừng trồng thành rùng nguyên sinh để tạo ra nguồn carbon phong phú hơn.

Thị trường tín chỉ carbon trong nước và quốc tế

Bán tín chỉ carbon dù còn khá mới mẻ nhưng nhiều doanh nghiệp tư nhân cũng đã tự nguyện chuẩn bị hồ sơ và tâm thế sắn sàng tham gia thị trường carbon như Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời và Công ty CP Sữa Việt Nam Vinamilk. Các dự án như xác lập tín chỉ carbon cho mô hình canh tác lúa và trung hoà carbon trong sản xuất sữa không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn giúp cải thiện môi trường và tạo ra sản phẩm có lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Công ty CP Sữa Việt Nam Vinamilk đã công bố đạt chứng nhận là công ty sữa đầu tiên tại Việt Nam có trang trại và nhà máy đạt trung hoa carbon theo tiêu chuẩn PAS 2060. Tổng lượng phát thải nhà kính của DN này đã trung hòa 17,560 tấn CO2, tương đương với khoảng 1,7 triệu cây xanh.

Đã có 58 quốc gia phát triển thị trường carbon, 27 quốc gia áp dụng thuế carbon và một số quốc gia áp dụng cả hai. Để phát triển thị trường carbon ở Việt Nam cần hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ carbon và cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ. Một số quốc gia đã đưa vào vận hành sàn giao dịch carbon.

Hiện nay, 46 quốc gia và 35 vùng lãnh thổ đã áp dụng hoặc lên kế hoạch áp dụng công cụ định giá carbon, với tổng lượng khí thải nhà kính được kiểm soát 12 tỷ tấn CO2.

Ước tính 57 triệu tín chỉ carbon có thể bán ra cho các tổ chức quốc tế và nếu tính theo giá 5 USD/tín chỉ, mỗi năm, Việt Nam có thể thu về hàng trăm triệu USD. Rừng là tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên có thể tái tạo được. Tuy nhiên nếu sử dụng không hợp lý, hay xâm hại, khai thác rừng, thậm chí đến mức kiệt quệ, sẽ đến lúc rừng bị suy thoái không thể tái tạo lại. Thay vào đó càng có nhiều diện tích rừng được quản lý, bảo vệ và phủ xanh, càng có nhiều tín chỉ carbon được quy đổi và đây sẽ trở thành khoản tiền, nguồn lợi bền vững cho chính người dân.

Theo Công ty Tư vấn MarketsandMarkets, thị trường nền tảng giao dịch tín chỉ carbon toàn cầu có thể đạt 317 triệu USD vào năm 2027, so với 106 triệu USD năm 2022. Trong đó, châu Á - Thái Bình Dương dự kiến tăng trưởng nhanh nhất giai đoạn 2023 - 2028, tiếp theo là châu Âu.

Những sàn giao dịch tín chỉ carbon tên tuổi nhất là Nasdaq, CME Group và Xpansiv (Mỹ), EEX Group (Đức), AirCarbon Exchange (ACX - Singapore)… Trong đó, ACX được đánh giá là nền tảng hiệu quả nhất nhờ hệ thống đơn giản, tinh gọn. Bắt đầu hoạt động từ năm 2019, ACX ban đầu là nền tảng số giao dịch tín chỉ carbon giữa các hãng hàng không. Hiện sàn này có hơn 130 khách hàng, gồm các tổ chức, doanh nghiệp, nhà giao dịch tài chính, phát triển dự án carbon…

Hoàn thiện khung pháp lý

Theo lộ trình phát triển và triển khai thị trường carbon trong nước, đến hết năm 2027 là giai đoạn tập trung xây dựng, hoàn thiện quy chế, quy định vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon; triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong các lĩnh vực tiềm năng; thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon kể từ năm 2025…

Năm 2028, sẽ tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức; quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới.

Trong giai đoạn thí điểm, các ngành, các cơ sở phát thải lớn như thép, nhiệt điện, quản lý chất thải rắn, sản xuất xi măng sẽ được giao nhiệm vụ kiểm kê phát thải theo danh mục do Thủ tướng Chính phủ ban hành, đồng thời nâng cao năng lực, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để tham gia thị trường thương mại khi chính thức vận hành.

Để từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành các thông tư và nghị định nhằm tạo thêm cơ sở cho việc thực hiện chuyển nhượng trao đổi carbon rừng, góp phần hiện thực hóa mục tiêu thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon vào năm 2025 mà Chính phủ đặt ra.

Các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn như Cục Kiểm lâm, Cục Lâm nghiệp cũng đang đề xuất để thực hiện các đề án, chương trình: Đề án Phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đề án Nâng cao chất lượng rừng nhằm bảo tồn hệ sinh thái rừng và phòng, chống thiên tai; Đề án Đầu tư, bảo vệ và phát triển rừng hỗ trợ các địa phương ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo đảm quốc phòng, an ninh các tỉnh vùng Tây Nguyên; xây dựng Đề án Kiểm kê rừng toàn quốc giai đoạn 2024 - 2025... để nâng cao hiệu quả trong công tác trồng, bảo vệ và phát triển rừng, cũng như năng lực trong việc thực hiện các hoạt động báo cáo, thẩm định, giám sát. Từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu về quản lý, khai thác rừng theo hướng minh bạch, công khai.

Luật Lâm nghiệp năm 2017 (điều 61,63) quy định dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng là một trong năm loại hình dịch vụ môi trường rừng nhưng đến nay chưa có quy định cụ thể để triển khai. Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Trần Quang Bảo cho biết thị trường carbon đã được đề cập tại một số văn bản, tuy nhiên vẫn thiếu những quy định cụ thể do đó ưu tiên cấp thiết hiện nay là cần nhận diện những “khoảng trống” pháp lý, từ đó đề xuất sửa đổi bổ sung thể chế chính sách tương ứng phù hợp để hình thành vận hành thị trường carbon.

Theo ông Bảo, hiện Cục Lâm nghiệp đang xây dựng thông tư hướng dẫn kiểm kê khí nhà kính và đo đạc thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính lĩnh vực sử dụng đất và lâm nghiệp được bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn giao xây dựng đề án đàm phán thỏa thuận mua bán giảm phát thải khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ trình thủ tướng để tiến hành thương mại tín chỉ carbon rừng với Tổ chức Tăng cường Tài chính Lâm nghiệp.

Cục Lâm Nghiệp đã tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình chính phủ dự thảo nghị định sửa đổi bổ sung một số điều Nghị định 156/2018/NĐ –CP, trong đó đề xuất bổ sung nội dung về thí điểm chi trả dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng, giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững tăng trưởng xanh. “Đây là cơ sở pháp lý đầy đủ để việc giao dịch tín chỉ carbon rừng để Việt Nam có thể bán tín chỉ carbon rừng - điều mà nhiều địa phương các nhà đầu tư đang rất mong đợi” ông Bảo cho biết thêm.

Theo nhận định của các chuyên gia, để phát triển thị trường carbon ở nước ta, cần phải tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý: Cơ chế quản lý tài chính cho hoạt động của thị trường; quy định về đấu giá, chuyển giao, vay mượn, nộp trả và thu hồi hạn ngạch phát thải khí nhà kính; quản lý đồng bộ tín chỉ, cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ; hạn ngạch phát thải và phân bổ cho các lĩnh vực, doanh nghiệp; xác định các lĩnh vực, dự án tiềm năng…

Chúng ta cần đào tạo đội ngũ nhân sự có đủ năng lực quản lý, tổ chức vận hành thị trường carbon. Truyền thông nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đáp ứng việc sẵn sàng tham gia thị trường carbon.

Bình luận