Sàn giao dịch tín chỉ carbon: Cấp thiết để đẩy nhanh mục tiêu Net Zero

VOH - Dự kiến mỗi năm Việt Nam sẽ có khoảng 10,8 triệu tín chỉ carbon tự nguyện được cung cấp, đi kèm với nhu cầu trao đổi, mua bán lớn.

Việc hình thành sàn giao dịch tín chỉ carbon không chỉ là một bước tiến quan trọng trong việc thực hiện cam kết giảm phát thải ròng khí nhà kính đến 0 (Net Zero) mà còn là một công cụ kinh tế để quản lý phát thải của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, quá trình thành lập và vận hành sàn giao dịch này đặt ra nhiều thách thức và khó khăn.

Sàn giao dịch tín chỉ carbon: Cấp thiết để đẩy nhanh mục tiêu Net Zero 1
Ảnh minh họa: internet

Thị trường carbon được xem là công cụ hữu hiệu và khả thi thực hiện giảm thiểu tác hại tới môi trường, hướng tới phát triển bền vững và phù hợp tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, hiện nay, các dự án tín chỉ carbon tại Việt Nam còn khá mới mẻ, chưa nhận được sự quan tâm của các doanh nghiệp, cần thiết phải có một đơn vị tư vấn, hướng dẫn quy trình kiểm định và đăng kí tín chỉ carbon.

Sàn giao dịch tín chỉ carbon cần được thành lập sớm

Tín chỉ cacbon là một loại “giấy phép” có thể giao dịch được, giống như một phiếu cấp phép, đại diện cho quyền thải ra một tấn carbon dioxide hoặc các khí nhà kính khác vào bầu khí quyển. Tín chỉ cacbon được tạo ra và phát hành bởi một cơ quan quản lý chịu trách nhiệm thực hiện và giám sát một thị trường bắt buộc trong một khu vực tài phán cụ thể. Trong cách hiểu đơn giản nhất, tín chỉ cacbon đại diện cho quyền phát thải một lượng khí nhà kính nhất định.

Tín chỉ carbon cho phép chủ sở hữu thải ra một lượng carbon dioxide nhất định hoặc các khí nhà kính khác. Hiện việc mua bán sự phát thải khí CO2 được thực hiện thông qua tín chỉ. Một tín chỉ cho phép phát thải một tấn carbon dioxide hoặc tương đương trong các khí nhà kính khác.

Đã có 46 quốc gia và 35 vùng lãnh thổ đã áp dụng định giá carbon với sự tham gia của hàng chục nghìn tập đoàn, doanh nghiệp lớn, nguồn thu năm 2022 khoảng 95 tỷ USD. Tín chỉ carbon có nhiều mức giá khác nhau, tùy thuộc vào vị trí và thị trường nơi chúng được giao dịch.

Nhu cầu tín chỉ carbon tự nguyện trên thế giới đang tăng lên trong thời gian gần đây, và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Các dự án tín chỉ carbon tại Việt Nam hầu hết được thực hiện thông qua hợp đồng mua trước, nghĩa là bên có nhu cầu sẽ đặt hàng. Hiện nay, không có tín chỉ được ban hành sẵn để giao dịch trên sàn.

Hàng hóa trên thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam gồm 2 loại: hạn ngạch phát thải khí nhà kính; tín chỉ carbon do Bộ Tài nguyên và Môi trường xác nhận được giao dịch trên sàn giao dịch của thị trường tín chỉ carbon trong nước. Bộ Tài chính cũng đã đề xuất thực hiện mô hình này tại Việt Nam

Trưởng ban Tư vấn xây dựng và vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon tự nguyện Nguyễn Hồng Loan cho biết, có 4 cơ chế tín chỉ là: Cơ chế phát triển sạch (CDM), Cơ chế tín chỉ chung (JCM), Tiêu chuẩn vàng (GS), cơ chế carbon được thẩm định (GCS). Tổng lượng tín chỉ phát hành tín chỉ này ở Việt Nam đến tháng 12/2022 là hơn 40 triệu tín chỉ. Ngoài ra, có khoảng 50 dự án phát hành tín chỉ carbon theo cơ chế của Hội đồng carbon toàn cầu (GCC) đã được đệ trình.

Tín chỉ carbon là công cụ quản lý phát thải khí nhà kính hiệu quả, giúp doanh nghiệp đạt được mục tiêu giảm phát thải. Việc thành lập sàn giao dịch tín chỉ carbon tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia thị trường carbon, tăng cơ hội giao dịch và quản lý rủi ro.

Các chuyên gia cho rằng, việc thành lập thị trường tín chỉ carbon là định hướng quan trọng để Việt Nam đạt phát thải ròng bằng 0 vào 2050. Việt Nam là một thị trường phát triển tiềm năng trên thế giới, tuy nhiên, để huy động vốn đầu tư FDI thì doanh nghiệp Việt Nam và chuỗi cung ứng phải chuyển dịch theo hướng xanh, bền vững.

Ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng: “Net Zero mà Việt Nam cam kết tại COP26 năm 2021 là mục tiêu rất tham vọng và thách thức. Việc xây dựng thị trường carbon là chìa khóa. Thị trường carbon được xây dựng sẽ góp phần thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính với chi phí của doanh nghiệp và xã hội thấp, thúc đẩy phát triển công nghệ phát thải thấp”.

Những khó khăn và thách thức khi thành lập Sàn giao dịch tín chỉ carbon

Vướng mắc cơ sở pháp lý

Hiện nay, cơ sở pháp lý vẫn là bài toán khó trong quá trình thành lập sàn giao dịch tín chỉ carbon. Doanh nghiệp cần có một khung chính sách rõ ràng và chi tiết để quyết định tham gia thị trường.

 Việt Nam vẫn đang trong tiến trình xây dựng khung pháp lý. Giai đoạn 2022 - 2027, Việt Nam sẽ tập trung xây dựng các hệ thống quy định, chính sách tạo nền tảng cho thị trường vận hành cũng như thành lập và tổ chức vận  hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon, hướng đến chính thức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon vào năm 2028.

Việc phát triển thị trường tín chỉ carbon Việt Nam là một trong những công cụ kinh tế đã được đưa vào Luật Bảo vệ môi trường từ năm 2020. Tuy nhiên, cho đến nay, việc công nhận và phát hành tín chỉ carbon vẫn phụ thuộc vào bên thứ 3 là các tổ chức hoặc các cơ chế tín chỉ quốc tế. Hình ảnh của bên bán ở Việt Nam thì vẫn còn khá mờ nhạt.

Thiếu sàn giao dịch chính thức

Việc chờ đợi sàn giao dịch tín chỉ carbon được vận hành chính thức là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp muốn tham gia thị trường này. Sự chậm trễ trong quá trình này có thể gây tổn thất và thiệt thòi cho các doanh nghiệp.

Ngày 29/9/2023, Tập đoàn CT Group chính thức ra mắt Công ty Cổ phần Sàn giao dịch tín chỉ Carbon ASEAN, trở thành doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam khởi động sàn giao dịch tín chỉ carbon, chủ động thích ứng chính sách thương mại về môi trường quốc tế, đồng thời hướng tới nền kinh tế carbon thấp và có tốc độ phát triển vượt bậc.

Khả năng đo đạc và chứng nhận

Việc xác định và chứng nhận lượng phát thải carbon là một phần quan trọng trong giao dịch tín chỉ carbon. Tuy nhiên, hiện nay còn thiếu sự đồng nhất và chuẩn mực trong quá trình này, gây khó khăn cho việc giao dịch.

Kết nối với thị trường quốc tế

Việt Nam cần phải xây dựng một thị trường tín chỉ carbon mạnh mẽ và kết nối với thế giới để thu hút các doanh nghiệp nước ngoài. Điều này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành và cơ quan chức năng.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng cần có cơ sở phân bổ hạn ngạch phát thải để làm căn cứ xây dựng cơ chế chính sách để thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới công nghệ, quản lý hoạt động phát thải. Bên cạnh đó, thị trường tín chỉ carbon của Việt Nam phải kết nối với thế giới để các doanh nghiệp nước ngoài yên tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Từ tháng 10/2023, 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu bắt đầu thực hiện thí điểm đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hoá xuất khẩu sang thị trường này theo cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). Hoa Kỳ sẽ là thị trường tiếp theo ban hành cơ chế áp đặt thuế carbon lên các nhà nhập khẩu vào Hoa Kỳ từ năm 2024. Trong tương lai, sẽ có thêm nhiều quốc gia, thị trường lớn của châu Mỹ và châu Á tiếp cận theo hướng này. Đây là xu thế chung trên toàn cầu mà doanh nghiệp Việt Nam cần thích ứng nhanh, hiệu quả để đáp ứng các tiêu chuẩn xanh và tăng khả năng cạnh tranh về lâu dài.

Việc thành lập sàn giao dịch tín chỉ carbon là bước đi quan trọng trong việc thúc đẩy quản lý phát thải khí nhà kính và thực hiện mục tiêu Net Zero. Tuy nhiên, để đạt được thành công, cần có sự đồng thuận và hỗ trợ mạnh mẽ từ phía chính phủ, cũng như sự hợp tác từ các doanh nghiệp và tổ chức có liên quan.

Trước những yêu cầu ngày càng lớn về quy định bảo vệ môi trường của thị trường nhập khẩu, một số doanh nghiệp mong muốn đẩy nhanh hơn việc thành lập sàn giao dịch carbon.