Chờ...

Tin phát triển bền vững 28/6: Chuyển đổi kinh tế xanh là yêu cầu bắt buộc

VOH - Chuyển đổi năng lượng cho sản xuất xanh; Kinh tế xanh và trách nhiệm của nhà sản xuất.

Chuyển đổi kinh tế xanh là yêu cầu bắt buộc

Theo PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, việc chuyển đổi kinh tế xanh là yêu cầu bắt buộc trên thế giới, với công cụ là mô hình kinh tế tuần hoàn. Kinh tế tuần hoàn không chỉ tập trung vào nền kinh tế xanh, mà còn chú trọng chuyển đổi từ nâu sang xanh và cả kinh tế nâu. Chính vì vậy, đây được coi là mô hình điển hình trên thế giới để có thể đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng “0” và rác thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Phát biểu tại Diễn đàn “Nhà Quản lý – Nhà báo – Doanh nghiệp với Tài nguyên và Môi trường” lần thứ VIII – năm 2024, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ – Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, năm 2020, quy mô nền kinh tế xanh của Việt Nam đạt 6,7 tỷ USD, tương đương với 2% GDP. Trong đó, 41% là từ ngành năng lượng, 28% từ hoạt động nông – lâm nghiệp, 14% từ hoạt động công nghiệp và 17% từ các ngành giao thông vận tải, thông tin liên lạc, xử lý rác thải và xây dựng.

Việc phát triển bền vững theo đúng tiêu chuẩn quốc tế là yêu cầu tất yếu để doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp tục tham gia thương mại toàn cầu. Động lực từ doanh nghiệp và người dân tích cực tham gia chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, chuyển đổi kinh tế tuần hoàn, carbon thấp sẽ giúp Việt Nam có thể tiếp tục duy trì vị trí trong 20 nước có quy mô thương mại toàn cầu lớn nhất thế giới.

Chuyển đổi năng lượng cho sản xuất xanh

Sử dụng nguồn năng lượng tái tạo như: Mặt trời, gió, nước, sinh học… không chỉ giúp giảm thiểu tác động của con người đối với môi trường mà còn giúp tạo ra các nguồn năng lượng ổn định, thúc đẩy phát triển kinh tế xanh và bền vững.

Bà Nguyễn Ngọc Thủy – Điều phối viên quốc gia tại Việt Nam của Chương trình Đối tác chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á (ETP) cho biết, một kế hoạch quan trọng của tăng trưởng mà Chính phủ Việt Nam đang hướng tới là phát triển ngành năng lượng theo hướng xanh và bền vững, đây cũng là yếu tố tiên quyết giúp Việt Nam thực hiện mục tiêu phát thải ròng khí độc hại bằng 0 vào năm 2050.

Năng lượng là ngành phát thải nhiều nhất trong nền kinh tế, chiếm trên 66%; chỉ tính riêng năm 2020 ngành này đã thải ra gần 348 triệu tấn CO2. Dự kiến đến năm 2050, tổng lượng phát thải của nền kinh tế do ngành năng lượng chiếm tới 81%. “Từ những con số này có thể thấy năng lượng là bài toán thiết yếu nhất và phải có lời giải để hướng đến tăng trưởng xanh”

Lo ngại lớn nhất của việc phát triển năng lượng tái tạo là hệ thống hạn chế và chi phí cao, mặc dù nhu cầu năng lượng ngày càng cấp thiết. Ngoài ra, các vấn đề như hao hụt truyền tải, điều hòa và chuyển đổi tần số mạng cũng là những thách thức mà các nhà quản lý và Chính phủ cần phải đối mặt.

Để vượt qua những thách thức trên, Việt Nam cần có một chiến lược rõ ràng và toàn diện. Điều này có thể bao gồm việc thiết lập các quy chuẩn về môi trường, xây dựng cơ sở hạ tầng điện phù hợp, khuyến khích đầu tư từ cả trong và ngoài nước. Các biện pháp như tín chỉ carbon CO2 và sàn giao dịch carbon cũng có thể giúp tăng cường hiệu quả trong việc giảm phát thải CO2.

Ngoài ra, việc khuyến khích sự đổi mới công nghệ cũng là một phần quan trọng của chiến lược. Sử dụng các công nghệ mới như điện than và khí ít phát thải khí nhà kính có thể giúp giảm thiểu ảnh hưởng của ngành công nghiệp đến môi trường.

4

Kinh tế xanh và trách nhiệm của nhà sản xuất

Ngày 27/6, tại Hà Nội, Báo Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Diễn đàn “Nhà quản lý – Nhà báo – Doanh nghiệp với Tài nguyên và Môi trường” lần thứ VIII – năm 2024, với chủ đề “Kinh tế Xanh – Trách nhiệm của nhà sản xuất”.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành vui mừng bày tỏ, thời gian gần đây, sự hiểu biết của cộng đồng doanh nghiệp về kinh doanh bền vững, giảm phát thải ra môi trường đã được nâng cao rõ rệt.

Theo đó, nhiều doanh nghiệp đã và đang lấy kinh doanh xanh là chiến lược và là lợi thế cạnh tranh. Nhiều tập đoàn kinh tế và các doanh nghiệp lớn cũng đã nhanh chóng vào cuộc, đẩy mạnh chuyển đổi xanh phục vụ ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế các-bon thấp, hướng tới mục tiêu Net Zero.

Đề xuất hệ thống quan điểm mới, tư duy mới đáp ứng bối cảnh tầm nhìn đến 2050. Quan điểm xuyên suốt là Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, dẫn dắt, doanh nghiệp và người dân là trung tâm và chủ thể thực hiện, cùng với sự tham gia của các tổ chức chính trị – xã hội. Mục tiêu chung nhằm bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, chủ động thích ứng biến đổi khí hậu, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26

Tập đoàn Sao Đỏ hướng tới nền kinh tế xanh, phát triển bền vững

Hải Phòng là thành phố có quy mô kinh tế lớn thứ hai vùng Đồng bằng sông Hồng, chỉ sau Thủ đô Hà Nội. Xét riêng về sản xuất công nghiệp, Hải Phòng nằm trong top 5 địa phương có quy mô công nghiệp lớn nhất toàn quốc và đang chứng kiến đà tăng trưởng mạnh mẽ hiếm thấy.

Ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng khẳng định, trong suốt quá trình từ năm 2010 tới nay, Hải Phòng nỗ lực và thể hiện quyết tâm chính trị cao, nội dung xanh hóa các ngành kinh tế được xác định là nội dung trọng tâm trong các Nghị quyết phát triển kinh tế – xã hội của thành phố nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Thành phố Hải Phòng đã xác định cùng với Thủ đô Hà Nội và Quảng Ninh có vai trò đầu tàu, động lực trong phát triển của cả vùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế số, xã hội số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và các mô hình kinh tế mới.

Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 10/2021. Và chủ trương phát triển xanh của Hải Phòng cũng nhận được sự hưởng ứng của các doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Thành Phương, Tổng giám đốc Tập đoàn Sao Đỏ khẳng định, phát triển xanh và bền vững luôn là mục tiêu ban đầu khi thực hiện dự án của Tập đoàn Sao Đỏ. Hiện nay, việc chuyển đổi sang KCN sinh thái đang được phối hợp làm việc tích cực với đơn vị tư vấn UNIDO tiến hành từng bước 1 theo đúng qui trình. Mặt khác, nhằm đóng góp chung vào mục tiêu giảm phát thải ròng về “0” theo COP26 mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết, đồng thời đưa KCN Nam Đình Vũ thành nơi các nhà đầu tư có thể nhận được nhiều lợi thế cạnh tranh khi sử dụng nguồn năng lượng tái tạo để sản xuất.

Tập đoàn Sao Đỏ đã làm việc và đi đến ký kết hợp tác chiến lược với các Tập đoàn năng lượng châu Âu, triển khai hệ thống điện mặt trời áp mái tại KCN Nam Đình Vũ, tiến tới sử dụng nguồn năng lượng sạch, thân thiện với môi trường. Không chỉ chủ động trong việc tìm kiếm và xúc tiến trực tiếp các nhà đầu tư tiềm năng, Tập đoàn Sao Đỏ còn đang tận dụng tốt cơ hội xúc tiến đầu tư tại chỗ khi tham gia cùng Thành phố trong các cuộc làm việc với các đoàn công tác nước ngoài khi đến Hải Phòng.

5