Chờ...

Tin phát triển bền vững ngày 10/7: AI khiến lượng phát thải khí nhà kính của Google tăng vọt

VOH - Tạo thuận lợi cho xu hướng chuyển dịch từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo; Tín chỉ Carbon – Chìa khóa cho nền kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.

AI khiến lượng phát thải khí nhà kính của Google tăng vọt

Lượng phát khí thải nhà kính của gã khổng lồ công nghệ Google đã tăng vọt gần 50% từ quá trình xây dựng trung tâm dữ liệu và phát triển AI.

Ba năm trước, Google lên kế hoạch đầy tham vọng để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Công ty hướng tới đạt “mức phát thải ròng bằng 0” vào năm 2030.

Theo báo cáo mới đây của công ty cho thấy họ đang chệch hướng hoàn toàn so với mục tiêu. Thay vì giảm, năm 2023 lượng khí thải carbon của Google tăng 13% so với năm trước. Xét từ năm cơ sở 2019, lượng khí thải đã tăng 48%.

Google cho rằng trí tuệ nhân tạo và nhu cầu của các trung tâm dữ liệu, đòi hỏi mức tiêu thụ điện khổng lồ, là nguyên nhân hàng đầu khiến lượng khí thải ngày một tăng.

Một số chuyên gia cho rằng các trung tâm dữ liệu, đang mở rộng nhanh chóng cung cấp năng lượng cho AI, đe dọa toàn bộ quá trình chuyển đổi sang điện sạch – phần quan trọng trong việc giải quyết biến đổi khí hậu.

Lượng khí thải của Google tăng mạnh, một phần do công ty sử dụng nhiều năng lượng hơn. Lượng điện năm 2023 mà hãng tiêu thụ tăng 25.910 gigawatt so với cùng kỳ năm trước và hơn nửa lượng năng lượng bốn năm trước. Một gigawatt tương đương với lượng điện năng một nhà máy điện phục vụ cho vài trăm nghìn hộ gia đình sản xuất trong một giờ.

Xét mặt tích cực, khi mức tiêu thụ của Google tăng, việc sử dụng năng lượng tái tạo cũng tăng lên.

Tạo thuận lợi cho xu hướng chuyển dịch từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo

Chiều 9.7, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp trực tiếp kết hợp trực tuyến toàn quốc về việc bổ sung, cập nhật Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch Điện VIII).

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đây là nhiệm vụ vừa mang tính khoa học, kỹ thuật có nhiều phức tạp, khó khăn khi vừa phải triển khai đúng trình tự, tiến độ đặt ra về đầu tư dự án nguồn điện, hạ tầng truyền tải theo Quy hoạch Điện VIII, vừa phải gắn với thực tiễn, ứng phó linh hoạt, kịp thời nhằm đáp ứng và bảo đảm an ninh năng lượng cho phát triển kinh tế – xã hội.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long cho biết, nhằm bảo đảm yêu cầu phát triển các dự án điện mặt trời tập trung để thực hiện cơ chế mua bán điện trực tiếp, Bộ Công Thương đã rà soát, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến 154 dự án điện mặt trời tập trung thuộc diện thanh tra, điều tra đã có kết luận thanh tra, để các địa phương và chủ đầu tư có thể sớm triển khai các dự án phù hợp với cơ cấu nguồn điện trong Quy hoạch Điện VIII.

Đối với các dự án điện gió, Bộ Công Thương kiến nghị đưa ra khỏi Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII một số dự án do địa phương chậm đề xuất so với thời hạn, vướng mắc thủ tục, quy hoạch, chồng lấn với khu vực có khoáng sản.

Bộ Công Thương tạo điều kiện cho các địa phương rà soát, báo cáo bổ sung những dự án điện mặt trời, điện gió có hệ thống pin lưu trữ, điện rác, điện sinh khối…

431e20e4-aa14-4663-8299-7cfd692c8050

Phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn bền vững là cách để doanh nghiệp gia tăng giá trị

Trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050, Chính phủ đã đặt mục tiêu: Cường độ phát thải trên GDP vào năm 2030 giảm ít nhất 15% so với năm 2014, và ít giảm ít nhất 30% đến năm 2050. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom xử lý bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định đạt 95% đến năm 2030. Tỷ lệ nước thải đô thị được thu gom và xử lý bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định trên 50% đối với đô thị loại II trở lên và 20% đối với các loại đô thị còn lại.

Dù là nước đang phát triển, nhưng Việt Nam đã chủ động hội nhập xu thế phát triển thời đại. Thúc đẩy để chuyển nhanh sang mô hình kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế dựa vào tri thức, kinh tế tuần hoàn và luôn nhất quán quan điểm xuyên suốt là phát triển bền vững và không chấp nhận tăng trưởng bằng mọi giá.

Nhìn nhận ở góc độ khác, PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ – Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, kinh tế xanh ở Việt Nam còn rất khiêm tốn với vị trí 79/160 quốc gia được xếp hạng về Chỉ số kinh tế xanh. Xét về tăng trưởng xanh, Việt Nam đang đứng ở vị trí 73/245 quốc gia trên toàn cầu và xếp thứ 16/50 ở khu vực châu Á.

Từ những con số trên, PGS. TS. Nguyễn Đình Thọ cho rằng, nước ta đã thực hiện tốt các khía cạnh bảo vệ vốn tự nhiên, nhưng đang phải đối mặt với thách thức về khía cạnh hiệu quả tài nguyên và các cơ hội kinh tế xanh. Sự thay đổi này chủ yếu diễn ra chủ yếu ở khối các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trong khi đó số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm khá nhiều nhưng chưa quan tâm thích đáng và chưa có chuyển biến rõ nét.

Bà Chu Thị Kim Thanh – Giám đốc vận hành Liên minh tái chế bao bì Việt Nam (PROVIETNAM) cho biết, doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi xanh không chỉ giúp tiết kiệm tài nguyên, mà còn giảm chi phí bằng cách biến chất thải của một ngành thành nguyên liệu cho ngành khác; đồng thời, góp phần bảo vệ môi trường, giảm thiểu phát thải khí nhà kính và biến đổi khí hậu.

Cũng theo PGS. TS. Nguyễn Đình Thọ, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn bền vững chính là cách để doanh nghiệp gia tăng giá trị của mình. Thời gian tới, các nhà sản xuất, doanh nghiệp xuất khẩu phải thực hiện các quy định của “luật chơi” mới, không còn là tự nguyện nữa mà phải chuyển đổi, chấp nhận phát triển bền vững hay là rời khỏi “cuộc chơi”.

Tín chỉ Carbon – Chìa khóa cho nền kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững

Sáng ngày 09/7/ 2024, Sàn giao dịch Tín chỉ Carbon ASEAN (thành viên Tập đoàn CT Group) phối hợp với VERRA – tổ chức chứng nhận uy tín hàng đầu thế giới về bù đắp lượng carbon tự nguyện, cùng dự đồng hành của Hiệp hội Nhựa TP.HCM (VSPA), CLB Báo chí và Truyền thông Xanh, Viện Nghiên cứu Kinh Tế Tuần hoàn, đã tổ chức thành công Tọa đàm chuyên đề “Tín chỉ Carbon: Chương trình Nhựa – Nông nghiệp và Lâm nghiệp – Bền vững Nguồn nước”.

Các diễn giả đã cùng chia sẻ những thách thức của các vấn đề môi trường nóng hổi hiện nay, đồng thời giới thiệu những giải pháp đột phá góp phần giải quyết các vấn đề này, hướng đến thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn.

Ngay trong bài phát biểu chào mừng hội thảo, ông Chung Tấn Cường – Chủ tịch Hiệp hội Nhựa TP.HCM, cho biết nhiều doanh nghiệp ngành nhựa đã chú trọng đầu tư để dần xanh hóa quy trình sản xuất để đưa ra các các sản phẩm thân thiện với môi trường bằng cách sử dụng các nguyên liệu xanh như túi compost hoàn toàn phân hủy sinh học; nâng cấp công nghệ, quy trình, sử dụng năng lượng sạch và các giải pháp tiết kiệm năng lượng, tăng cường hiệu quả năng lượng trong sản xuất…

image123650291-17205240012571897198097

Theo ông Chung Tấn Cường, lộ trình trung hòa carbon đã được Chính phủ ban hành, các doanh nghiệp ngành nhựa cần phải cấp bách triển khai các biện pháp chuyển đổi sản xuất xanh, cơ sở phát triển bền vững cho doanh nghiệp. Theo đó, Chính phủ đã có chủ trương đẩy mạnh công tác thu gom, tái chế, tái sử dụng nhằm hạn chế tối đa nguồn tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường.