“Xanh hoá” chuỗi logistics Việt Nam nên bắt đầu từ đâu?
Các hoạt động thương mại trong giai đoạn tới và tất cả các thành phần tham gia chuỗi cung ứng logistics đều phải tuân thủ các yêu cầu xanh hóa. Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp phải áp dụng vận tải xanh, bao bì xanh, kho bãi xanh, quản lý dữ liệu logistics xanh… vào kinh doanh, để đáp ứng các tiêu chí về môi trường, tiết kiệm chi phí trong toàn bộ chuỗi cung ứng.
Tuy nhiên, việc này không hề dễ, vì phần lớn trong số 34.000 doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực logistics tại Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ, quy mô hạn chế cả về vốn, nhân lực và kinh nghiệm hoạt động quốc tế.
Để bắt nhịp với xu hướng logistics xanh, một số doanh nghiệp logistics lớn thực hiện chuyển đổi theo hướng ‘chuyển đổi năng lượng với các phương tiện sử dụng năng lượng’. Chẳng hạn, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn (SNP) – đơn vị sở hữu thị phần container xuất nhập khẩu trên 90% ở khu vực phía Nam và gần 50% cả nước – đã thay thế thiết bị nâng hạ container sử dụng dầu diesel bằng các thiết bị chạy điện. Với hoạt động vận tải, đơn vị thực hiện 80% vận chuyển hàng hóa giữa cảng Cái Mép – Thị Vải và khu vực lân cận bằng xà lan, thay cho ô tô tải.
Đơn vị điều hành hiện áp dụng mô hình hệ sinh thái ở quy mô nhỏ, dựa trên lợi thế địa lý của từng địa phương. Chẳng hạn, với quy hoạch quỹ đất từ đầu để xây dựng nhà máy, KCN và trung tâm logistics ở vị trí gần cảng biển hoặc sân bay, vấn đề về quãng đường và thời gian vận chuyển sẽ được giảm xuống mức tối thiểu.
Ngoài ra, với mỗi héc-ta kho bãi, doanh nghiệp có thể đầu tư, ứng dụng hệ thống năng lượng tái tạo với công suât 1 MW – tương đương 20.000 cây xanh, qua đó giảm phát thải khoảng 1400 khí CO. Hơn nữa, việc ứng dụng đồng bộ công nghệ số và các hoạt động khác sẽ mang lại giá trị gia tăng, giảm chi phí cho cả hệ sinh thái mà doanh nghiệp sử dụng.
Ngành kinh tế xanh tăng trưởng vượt trội, chỉ sau công nghệ
Cơ hội từ nền kinh tế xanh là rất lớn vì từ nay đến năm 2050, thế giới cần đầu tư từ 109-275 nghìn tỉ đô la Mỹ để chuyển đổi thành công sang các nguồn năng lượng ít carbon.
Theo báo cáo của LSEG, vốn hóa thị trường của các công ty tạo nên nền kinh tế xanh toàn cầu tăng lên 7.200 tỉ đô la Mỹ, tính đến quí 1-2024. Con số này đưa các ngành công nghiệp xanh trở thành lĩnh vực kinh tế lớn thứ 4 thế giới xét về giá trị, đứng trên lĩnh vực ngân hàng, bán lẻ và năng lượng hóa thạch.
Tăng trưởng diễn ra không đồng đều giữa các ngành trong lĩnh vực kinh tế xanh. Các công ty cung cấp giải pháp quản lý và tiết kiệm năng lượng dẫn đầu, chiếm đến 46% vốn hóa thị trường của nền kinh tế xanh và 30% lượng vốn thu được từ các đợt phát hành trái phiếu xanh. Các tỷ lệ này vượt xa các công ty trong ngành năng lượng tái tạo.
LSEG dự đoán, nhu cầu năng lượng tái tạo và các dịch vụ tiết kiệm năng lượng của các công nghệ kỹ thuật số mới như AI và trung tâm dữ liệu có thể thúc đẩy tăng trưởng xanh hơn nữa.
Trên thực tế, sự tăng trưởng bùng nổ của AI và trung tâm dữ liệu có thể trở thành động lực mới cho việc mở rộng nền kinh tế xanh. LSEG cho biết, các tập đoàn công nghệ cần nhiều chip, máy chủ và hệ thống làm mát tiết kiệm năng lượng hơn để thúc đẩy sự phát triển tiếp theo của AI. Ngoài ra, các tập đoàn này ngày càng quan tâm đến tác động môi trường của công nghệ AI và tìm cách tiếp cận các nguồn năng lượng sạch hơn.
Vietcombank chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh
Ngân hàng thực hiện nhiều hoạt động hướng đến phát triển bền vững, thu xếp tín dụng cho các dự án xanh.
Đại diện Vietcombank nhận định, ngành ngân hàng hiện đóng vai trò thiết yếu trong hành trình chuyển đổi nền kinh tế "nâu" sang "xanh". Ở xu thế này, nhà băng tiếp tục thể hiện vai trò trong phát triển bền vững.
Đại diện Vietcombank nhìn nhận, hoạt động cấp tín dụng xanh của ngân hàng sẽ góp phần tạo sự thay đổi trong đầu tư, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Những thay đổi này đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế xanh, bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu.
Đại diện ngân hàng xác định tăng trưởng gắn liền với yếu tố bền vững, cấp tín dụng cho các dự án xanh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.
Trong nhiều năm, Vietcombank luôn đóng vai trò là kênh tài trợ vốn chủ lực cho các công trình trọng điểm quốc gia và các ngành kinh tế mũi nhọn như: dầu khí, điện lực, hàng không...
Thời gian qua, Vietcombank tập trung mở rộng tín dụng xanh cho nền kinh tế, đặc biệt đối với các dự án năng lượng tái tạo, nông nghiệp xanh và xử lý môi trường. Nhà băng phục vụ trên 300 dự án vay vốn ODA với tổng trị giá gần 30 tỷ USD trong mọi lĩnh vực như hạ tầng cơ sở, giao thông, y tế, nông nghiệp.
Dấu hiệu trục lợi tín chỉ carbon thông qua thỏa thuận hợp tác viện trợ
Thời gian qua, hưởng ứng Chương trình vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài của tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021 - 2025, nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài đã thông qua một số cơ quan, tổ chức bộ, ngành Trung ương và địa phương viện trợ triển khai thực hiện các chương trình, dự án, phi dự án trên hầu hết các huyện, thành phố địa bàn tỉnh Hòa Bình.
Tỉnh Hòa Bình cảnh báo, đã xuất hiện dấu hiệu đối tác nước ngoài lợi dụng viện trợ để đưa ra yêu cầu sở hữu lợi nhuận phát sinh từ tín chỉ carbon.
Đây là vấn đề mới, các cơ quan, tổ chức địa phương chưa kịp thời cập nhật thông tin liên quan, thiếu kinh nghiệm trong hợp tác quốc tế nên đã tiến hành ký kết “Thỏa thuận hợp tác viện trợ” trái quy định, để phía nước ngoài lồng ghép nội dung không phù hợp.
Để chủ động các biện pháp quản lý, bảo đảm an ninh trật tự liên quan đến tín chỉ carbon, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình yêu cầu các cơ quan liên quan tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về Tăng cường công tác quản lý tín chỉ carbon nhằm thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC); Nghị định về việc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon; Nghị định số thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ... nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về lợi ích tiềm năng, những nguy cơ phức tạp về an ninh, trật tự liên quan vấn đề tín chỉ carbon.