Chờ...

Tin phát triển bền vững ngày 1/7: Hà Nội kỳ vọng đến năm 2035 sẽ về đích “Net Zero”

VOH – ISO tiến hành xây dựng tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên về Net Zero; Việt Nam sắp có 'thủ phủ' xuất khẩu năng lượng tái tạo.

ISO tiến hành xây dựng tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên về Net Zero

Tiêu chuẩn dự kiến ra mắt vào tháng 11/2025 tại COP30. Tiêu chuẩn này được thiết kế để cung cấp giải pháp toàn cầu cho các tổ chức khi họ thực hiện quá trình chuyển đổi Net Zero.

Tiêu chuẩn mới này phát triển từ Hướng dẫn Net Zero của ISO, ra mắt tại COP27 (2022). Mục đích là giúp các tổ chức xây dựng chiến lược Net Zero toàn diện. Tiêu chuẩn sẽ tăng cường niềm tin của công chúng bằng cách đưa ra các hướng dẫn và yêu cầu chặt chẽ.

“ISO cam kết hỗ trợ chuyển đổi Net Zero. Chúng tôi mong muốn cung cấp một tiêu chuẩn quốc tế phù hợp với các tổ chức mọi quy mô, ngành nghề và khu vực địa lý”, Noelia Garcia Nebra Trưởng bộ phận Bền vững của ISO cho biết.

1

Hà Nội: Kỳ vọng đến năm 2035 sẽ về đích “Net Zero”

Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội, hiện nay lượng phương tiện giao thông trên địa bàn TP Hà Nội khoảng 9,2 triệu phương tiện (trong đó có hơn 6 triệu xe máy cá nhân, 1,4 triệu ô tô, hơn 1,2 triệu là phương tiện từ tỉnh ngoài vào Hà Nội). Tốc độ gia tăng phương tiện từ 4-5%/năm. Lượng phát thải từ các phương tiện giao thông ra môi trường chiếm 75%. Đây là con số thách thức, một bài toán đặt ra đối với giao thông Thủ đô.

Theo ông Phan Trường Thành – Trưởng phòng Kế hoạch tài chính Sở GTVT Hà Nội, với việc phát triển giao thông xanh, cụ thể là phương tiện xanh cũng như phương tiện phi cơ giới là một trong những xu thế tất yếu và có vai trò quan trọng góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, bên cạnh nhận thức, thói quen sử dụng phương tiện giao thông của người dân, thì các vấn đề như hạ tầng giao thông, hạ tầng điện, hạ tầng khí, nguồn lực tài chính… là những hạn chế ảnh hưởng đến quá trình xanh hóa giao thông của Thủ đô.

Mục tiêu hướng tới của Hà Nội là mạng lưới vận tải hành khách công cộng với khối lượng lớn đó chính là đường sắt đô thị. Do đó, phát triển giao thông xanh phải đi đôi với việc quản lý phương tiện cá nhân. Bài toán cốt lõi của vấn đề vẫn là hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, hướng tới phương tiện giao thông công cộng sử dụng nhiên liệu xanh. Đây là bài toán tổng thể giải quyết được tất cả các vấn đề từ môi trường, cảnh quan, ách tắc giao thông, đến cả kinh tế – xã hội của Thủ đô.

Hà Nội đã và đang áp dụng nhiều mô hình giao thông xanh với kỳ vọng dần thay đổi thói quen sử dụng phương tiện của người dân, hướng đến một đô thị văn minh, hiện đại.

Việt Nam sắp có 'thủ phủ' xuất khẩu năng lượng tái tạo

Theo báo cáo, trong quý I/2024, địa phương này là là tỉnh có tốc độ tăng trưởng quý I cao nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong đó đã bổ sung nội dung nghiên cứu phát triển Trà Vinh thành trung tâm xuất khẩu năng lượng tái tạo của cả nước.

Theo Đại biểu Quốc hội Trần Quốc Tuấn - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy - Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho biết, trước đó dự thảo Nghị quyết về Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình Quốc hội không có nội dung liên quan đến bổ sung địa phương này.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh cho biết, hiện nay địa phương đang sở hữu nhà máy sản xuất đầu tiên của VIệt Nam về mảng sản xuất năng lượng mới - Hydrogen. Dự án đã được khởi bên từ năm 2023.

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư điện gió tại Trà Vinh đã và đang dự kiến tiếp tục đầu tư các dự án điện gió gần bờ, ngoài khơi và tiến hành thỏa thuận “mua bán điện” với đối tác Singapore, hiện đang chờ chủ trương của Chính phủ...

3

Hiện thực hóa kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh từ bài toán xử lý rác thải

Nói về khó khăn trong quá trình phân loại và xử lý rác, ông Diệp Nguyễn Thế Quang, Kế toán trưởng Công ty CP Môi trường Đà Nẵng cho biết, hoạt động phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn vẫn được chia thành 2 loại chính là rác thải tái chế và không thể tái chế.

Tuy nhiên, việc xác định giá thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn trong giai đoạn này gặp khó khăn và không thể thực hiện được.

Bên cạnh đó, ông Quang cũng cho biết, đến thời điểm này chưa có hướng dẫn của các Bộ chuyên ngành liên quan về việc quy định giá dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại.

Từ thực tế triển khai các mô hình xử lý chất thải sinh hoạt tại Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới, ông Nguyễn Phúc Thanh - Giám đốc Công ty Hitachi Zosen Việt Nam - Chi nhánh Hà Nội cho rằng, để quản lý chất thải sinh hoạt bền vững, đối với những chất thải có thể tái chế sẽ được phân loại ngay từ đầu như thủy tinh, giấy, kim loại, nhựa.

Để có thể thành công trong việc áp dụng công nghệ xử lý, tái chế chất thải rắn sinh hoạt thực hiện kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, bà Nguyễn Thị Hồng Liễu, Chuyên viên chính Cục kiểm soát ô nhiễm, Bộ TN&MT cho rằng, cần phải xây dựng được cơ chế, chính sách phù hợp và có được sực đồng thuận cao từ Trung ương đến chính quyền các địa phương.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành Luật đã quy định, thời hạn áp dụng phân loại chất thải rắn tại nguồn trên phạm vi toàn quốc chậm nhất đến ngày 31/12/2024. Nếu coi rác là tài nguyên, việc phân loại rác tại nguồn là nền tảng cho mọi loại hình tái chế hay xử lý chất thải, nhằm tối ưu hóa nguồn tài nguyên này hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh bền vững.