Ba triển lãm ngành Dệt May và Da Giày diễn ra trong tháng 11/2018

(VOH) - Dù có khó khăn nhất định nhưng ngành dệt may và da giày vẫn đạt những con số xuất khẩu ẩn tượng, tăng so cùng kỳ năm trước.

Triển lãm Quốc tế công nghiệp Dệt May lần thứ 18 -VTG 2018 sẽ diễn ra cùng với Triển lãm máy móc thiết bị phụ liệu Dệt May-VinaTex và Triển lãm  máy móc nguyên phụ liệu Da Giày-VFM từ 21-24/11/2018.

Theo ông Phạm Đăng Khánh, Giám đốc công ty Vinexad - Trưởng Ban Tổ chức,  các Triển lãm này sẽ được tổ chức tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn - SECC  số 799 Nguyễn Văn Linh, Quận 7.

Quang cảnh họp báo.

Quang cảnh họp báo.

Triển lãm Quốc tế công nghiệp Dệt May VTG lần thứ 18 thu hút hơn 400 đơn vị với hơn 600 gian hàng của các thương hiệu từ 11 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia. Các sản phẩm mới nhất như máy thêu, máy may, máy in, máy dệt kim...sẽ được giới thiệu với khách tham quan.

Thời gian này cũng sẽ diễn ra Triển lãm  máy móc nguyên phụ liệu  Giày Da-VFM và Triển lãm máy móc thiết bị phụ liệu Dệt May-VinaTex.

Lần đầu tiên, Hiệp hội Công nghiệp Nhuộm Trung Quốc, Hiệp hội In và Nhuộm Trung Quốc và Hội đồng xúc tiến thương mại quốc tế Thượng Hải – CCPIT sẽ dẫn đầu các doanh nghiệp trong lĩnh vực hóa chất dệt may, nhuộm tham gia triển lãm.

Ngoài ra, còn có các hội thảo chuyên đề cung cấp các khách tham quan thông tin chiến lược và giải pháp phát triển ngành dệt may, da giày.

Ban Tổ chức họp báo.Ban Tổ chức họp báo.

Trả lời các câu hỏi tại buổi họp báo, ông Phạm Bình An, Tổng Thư ký Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam và ông Nguyễn Văn Khánh, Phó chủ tịch Hội Da Giày TPHCM cho biết, hai ngành dệt may và da giày đều gặp khá nhiều khó khăn trong nguồn cung cấp nguyên phụ liệu và lao động tay nghề.

TPHCM không còn dư địa để phát triển dệt may bởi đây là ngành cần nhiều lao động. Hiện đã có sự chuyển dịch sang khu vực miền Trung và miền Bắc còn nguồn lao động dồi dào.

Riêng ngành da giày thì khó khăn trong việc sản xuất da thuộc. Có địa phương từ chối doanh nghiệp đầu tư do lo ngại ô nhiễm môi trường khi các khu công nghiệp chưa có hệ thống xử lý được nước thải.

Có những địa phương quy hoạch khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tiếp nhận những doanh nghiệp này nhưng do áp lực cạnh tranh có doanh nghiệp (DN) không tuân thủ quy định, gây ô nhiễm môi trường.

Do đó, địa phương đã chọn phương án an toàn bằng cách từ chối tiếp nhận DN đầu tư vào ngành này.

Trả lời câu hỏi về tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ -Trung đối với ngành dệt may của Việt Nam, ông Phạm Bình An cho rằng, cuộc chiến thương mai  Mỹ-Trung làm tăng động lực dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang nước khác như qua Châu Phi, Đông Á…

Việt Nam  là điểm sáng trong cuộc dịch chuyển này bởi sự tương đồng về văn hoá và gần về mặt địa lý.

Ông Nguyễn Văn Khánh cho biết, hiện Hội Da giày TPHCM đang đề nghị phía Trung Quốc liên kết doanh nghiệp Việt Nam đầu tư nguyên phụ liệu. Tuy vậy, về phía các DN Việt Nam phải cẩn trọng về việc đánh tráo xuất xứ, gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu.

Xuất khẩu ngành Da Giày năm 2017 đạt 17,93 tỉ USD tăng 10% so cùng kỳ năm 2016. Số lượng xuất khẩu giày da của Việt Nam đứng thứ 2 thế giới. Dự kiến sản lượng xuất khẩu ngành giày da sẽ đạt 20 tỷ USD trong năm 2018. 
Trong nửa đầu năm 2018, doanh thu sản xuất và xuất khẩu ngành công nghiệp Dệt May của Việt Nam nằm trong top 5 thế giới, 8 tháng năm 2018, cán mốc 19,4 tỷ USD tăng 15% so cùng kỳ.