Chỉ 9% doanh nghiệp nói đơn hàng sẽ tăng

(VOH) – Trong 100 doanh nghiệp khảo sát, hơn 40% doanh nghiệp giảm lao động, 9% doanh nghiệp cho biết đơn hàng sẽ tăng.

Theo khảo sát nhanh của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đối với gần 100 doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, chủ yếu ở ngành: dệt may, da giày, và điện tử, tại 3 địa phương thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương và Đồng Nai: 40,5% doanh nghiệp thực hiện giảm lao động, 13,5% tăng lao động; 54 doanh nghiệp nói sẽ giảm thời gian làm việc.

Về triển vọng tình hình sản xuất kinh doanh, có 9% doanh nghiệp nói sẽ tăng đơn hàng, 68% doanh nghiệp cho biết đơn hàng chắc chắn giảm, 23% doanh nghiệp trả lời chưa biết.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Hiệp Hội dệt may Việt Nam chia sẻ các doanh nghiệp dệt may dù cần đơn hàng nhưng vẫn xin “thua” nếu gặp đối tác muốn trả chậm, Chính phủ có thể xem xét giải pháp hỗ trợ để giúp doanh nghiệp tăng hợp đồng, giúp giữ chân lao động.

Chỉ 9% doanh nghiệp nói đơn hàng sẽ tăng, theo khảo sát của VCCI 1
Ảnh minh họa

Khảo sát từ Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho thấy doanh nghiệp mong muốn:

Chính phủ làm việc với các nhà mua hàng lớn để xem xét ưu tiên đơn hàng cho doanh nghiệp Việt Nam.

Có các gói hỗ trợ cho người lao động, người sử dụng lao động; Lùi thời gian đóng bảo hiểm xã hội; Giảm thuế thu nhập cá nhân, thu nhập doanh nghiệp để duy trì chi phí vận hành và để giữ việc cho người lao động.

Ngân hàng giãn vốn cho vay; Giảm thanh tra, kiểm tra.

Liên đoàn lao động và các ba ngành liên quan có nhiều chính sách phối hợp với doanh nghiệp chăm lo người lao động, đặc biệt trong dịp tết; Tuyên truyền cho người lao động hiểu tình hình thế giới ảnh hưởng đến doanh nghiệp để người lao động thấu hiểu, chia sẻ với doanh nghiệp.

Ngành chức năng hướng dẫn cho doanh nghiệp lập và tổ chức các phương án lao động hợp lý, hài hòa, có hướng dẫn quy trình cắt giảm lao động cho phù hợp.

Có phương án xây dựng cơ sở dữ liệu kết nối và điều tiết lao động ở những nơi cắt giảm lao động vào nơi có nhu cầu tuyển dụng hợp lý và tổ chức các khóa đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động.

Ông Trần Ngọc Liêm, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh cho biết hiện tượng thiếu việc làm, thiếu đơn hàng rơi vào những doanh nghiệp có số lượng công nhân lớn, các khu công nghiệp tập trung, nếu kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến đời sống người lao động, ảnh hưởng đến sự phát triển doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến tình hình xã hội. Giải quyết vấn đề này ngoài cấp địa phương cần có sự kết hợp chặt chẽ các bên liên quan trong một khu vực, đặc biệt là khu vực Đông Nam Bộ.

“Chính phủ có rất nhiều nghị quyết mang tính chất thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và mang lại làm gió mới, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ví dụ như Nghị quyết 01 hay Nghị quyết 11 về chương trình phục hồi kinh tế xã hội, hoặc Nghị quyết 02 về đơn giản hóa thủ tục hành chính. Đây là những nghị quyết tạo tiền đề rất lớn cho việc gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu. Nhưng đối với các chủ thể liên quan đến câu chuyện này, phải tận dụng tối đa hóa tất cả các hiệp định mà Việt Nam đang có lợi thế”, ông Ngô Hoàng, Vụ Pháp chế, Bộ Lao động thương binh và Xã hội nhận định.