Doanh nghiệp TPHCM cần ủng hộ lẫn nhau vượt khó khăn

(VOH) - Trong những năm gần đây, nỗ lực của ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ Việt Nam rất tốt. Ký kết các hiệp định kinh tế, Việt Nam trở thành điểm hấp dẫn toàn cầu.

Tại chương trình Cà phê Doanh nhân lần thứ 50 của Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố, chủ đề “Dự báo kinh tế Việt Nam 2020, tác động của dịch Covid-19” vào sáng 29/2, Giáo sư Tiến sĩ Trần Đình Thiên – chuyên gia kinh tế, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định, dịch Covid-19 tác động đến Trung Quốc là tác động đến 30% tăng trưởng của thế giới.

Giáo sư Tiến sĩ Trần Đình Thiên – chuyên gia kinh tế, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đánh giá tác động của nền kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19.

Trong những năm gần đây, nỗ lực của ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ Việt Nam rất tốt. Ký kết các hiệp định kinh tế, Việt Nam trở thành điểm hấp dẫn toàn cầu. Năm 2019, số dự án đầu tư nước ngoài tăng 37% tuy nhiên, số vốn giảm đến 68%. Quy mô mỗi dự án nhỏ hơn rất nhiều do đa số doanh nghiệp nhỏ Trung Quốc "chạy sang" Việt Nam tránh cuộc xung đột thương mại Mỹ-Trung.

Xung đột kinh tế làm cho kinh tế Trung Quốc yếu đi, thêm dịch bệnh trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam gắn bó với Trung Quốc chặt chẽ, nên cần đánh giá sát nền kinh tế Trung Quốc. Lần này dịch bệnh cho thấy sự phụ thuộc một nền kinh tế khác là một tai hại. Nếu Trung Quốc khôi phục kinh tế mà doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục lệ thuộc thì lại càng tai hại hơn.

“Điều đó tôi đặc biệt lưu ý, lần này, con virut cho thấy sự lệ thuộc tai hại như thế nào. Nhưng khi con virut đi rồi, lại bảo hay quá, đang phục hồi rất nhanh, lại lao tiếp vào, như thế chúng ta lại tiếp tục chu kỳ lệ thuộc khác đôi khi còn nặng nề hơn” - Giáo sư Tiến sĩ Trần Đình Thiên cảnh báo.

Theo ông, khi muốn thoát khỏi sự lệ thuộc vào một thị trường, cần tính đến thị trường khác. Về triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam, ông cho rằng, khả năng chuyển dịch sang trung tâm kinh tế lớn của Ấn Độ.

Chia sẻ doanh thu sụt giảm hơn 70% sau khi có dịch Covid-19, ông Trần Tấn Thiện, Giám đốc cà phê Hello 5 trải lòng, khi mới từ Nhật Bản về nước 14/2, chưa bao giờ ông thấy cảnh mua bán tại các sân bay ế ẩm và vắng khách như bây giờ. Các sản phẩm của công ty ông đang bán và trưng bày tại sân bay cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Thêm nữa, các đơn hàng tại các siêu thị lớn, nhỏ cả nước đều bị hủy hết và gần như không có đơn hàng. Việc đầu tiên ông điều chỉnh liền kế hoạch kinh doanh, cắt giảm nhân công, giờ làm… Ông đề xuất Hiệp hội tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiêu thụ hàng hóa lẫn nhau, giúp nhau trong lúc khó khăn trước khi quá trễ.

 “Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ủng hộ lẫn nhau, ví dụ như các gian hàng trà, cà phê ở đây, hiệp hội doanh nghiệp có 500 doanh nghiệp thì mỗi doanh nghiệp ủng hộ 1 thùng hàng. Tất nhiên sẽ có giá ưu đãi cho các ngành hàng ở đây hoặc cho anh em trong hiệp hội thì cũng giúp cho doanh nghiệp chúng ta tốt hơn 1 tí. Thứ hai, trong hiệp hội doanh nghiệp, ví dụ có làm ăn chung với nhau thì cùng nhau hỗ trợ… Hiệp hội cần tạo điều kiện để doanh nghiệp ủng hộ lẫn nhau”. – ông Thiện kiến nghị.

Đồng tình với ý kiến các doanh nghiệp cần tạo sự liên kết, tạo thị trường cho nhau trong chuỗi giá trị, ông Chu Tiến Dũng – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM lưu ý thêm: “Trong mỗi doanh nghiệp thì từ khóa “chuyển đổi”, từ khóa này bao gồm, chuyển đổi những yếu tố đầu vào mà chúng ta lệ thuộc Trung Quốc quá nhiều. Có thể sẽ có khăn nhưng cần phải chuyển đổi. Chuyển đổi đầu ra và chuyển đổi lại tổ chức sản xuất”.