Doanh nghiệp TPHCM đoàn kết, thay đổi phương thức kinh doanh, nỗ lực vượt đại dịch

(VOH) - Dịch Covid-19 đã tác động mạnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp.

Trong bối cảnh này, nhiều doanh nghiệp đã chọn giải pháp hỗ trợ tối đa điều kiện làm việc cho người lao động, áp dụng nhiều biện pháp phòng chống dịch Covid-19, đoàn kết vượt qua khó khăn.

Trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, bên cạnh khó khăn, vẫn có những cơ hội dành riêng cho các doanh nghiệp. Đây là dịp để các doanh nghiệp phải thể hiện tinh thần đoàn kết nhiều hơn, nhận diện và nắm bắt được những phương thức làm ăn mới, cải tiến các mô hình truyền thống dựa trên nguồn nhân lực, vật lực sẵn có; cải tiến phương thức kinh doanh, thay đổi phương thức kinh doanh để thay đổi và thích ứng nhằm duy trì và tồn tại. Trong 2 năm vừa qua, các doanh nghiệp TPHCM đóng góp ngân sách hơn 25 ngàn tỷ đồng, đóng góp an sinh xã hội hơn 800 tỷ đồng và giải quyết việc làm ổn định cho hơn 150 ngàn lao động. Nhân kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004 - 13/10/2020), phóng viên VOH đã phỏng vấn ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM.

Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM.
Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM.

*VOH: Thưa ông, ông cho một vài đánh giá về tình hình kinh doanh và những đóng góp của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp trong những năm qua cho TPHCM và trong giai đoạn hiện tại, đặc biệt là những doanh nghiệp tiêu biểu để xứng đáng là đội ngũ doanh nghiệp vững mạnh của thành phố?

Ông Chu Tiến Dũng: Bước sang năm 2020, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cũng như toàn cầu gặp khó khăn thách thức. Khó khăn thứ nhất là chiến tranh thương mại toàn cầu giữa các quốc gia lớn cũng ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh, thị trường cuả doanh nghiệp. Thứ hai là đại dịch Covid-19, đối với chúng tôi ảnh hưởng vô cùng lớn tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mà chưa bao giờ doanh nghiệp chúng ta phải đối mặt với hoàn cảnh như vậy. Thế thì trước tình hình đó, doanh nghiệp ngừng sản xuất để phòng chống dịch theo quy định. Nhưng cũng có những doanh nghiệp không có đủ điều kiện để phát triển sản xuất, vì các nguồn nguyên liệu đã cạn kiệt, thị trường thì có thể không phát triển được… Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp vẫn kiên cường, duy trì phát triển sản xuất, có nỗ lực rất lớn trong sáng kiến, sáng tạo, đổi mới tư duy, làm sao tái cấu trúc lại doanh nghiệp từ thị trường, chuỗi cung ứng, nguồn lực… để thích ứng với điều kiện mới tiếp tuc hoạt động và phát triển. Những doanh nghiệp tiêu biểu thì đóng góp rất quan trọng vào GRDP của thành phố, vào thu ngân sách và các chương trình an sinh xã hội, bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động. Và họ cũng sẽ đại diện cho các doanh nghiệp thành phố trong các chương trình hội nhập quốc tế, các giao thương kết nối toàn cầu. Ngày nay, họ cũng lại là doanh nghiệp đầu đàn dẫn dắt những chuỗi giá trị, kinh doanh mà tái cấu trúc lại do những đặc điểm phải tái cấu trúc lại thị trường. Đó là những điểm rất quan trọng.

*VOH: Thưa ông, trong đại dịch Covid – 19 này, câu nói “trong nguy có cơ” luôn được các doanh nghiệp nhắc đến. Các doanh nghiệp đã nỗ lực biến nguy thành cơ như thế nào để có thể duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo công việc làm cho người lao động?

Ông Chu Tiến Dũng: Làn sóng dịch Covid – 19 lần thứ hai trở lại đó là một thách thức lớn hơn nữa đối với doanh nghiệp. Nếu lần thứ nhất, doanh nghiệp còn có nhiều tiềm năng được tích lũy, tích tụ để từ đó vượt qua. Có bao nhiêu năng lực, nguồn lực để vượt qua đại dịch lần 1 thì doanh nghiệp gần như tiêu hết rồi. Sang đến lần thứ hai, thì đây là khó khăn rất lớn của doanh nghiệp bởi vì thực sự là các khả năng cũng đã kiệt quệ rồi. Tuy nhiên, tùy theo từng loại doanh nghiệp và các chiến lược khác nhau, thì có những giải pháp, “trong nguy có cơ”. Cơ hội mà các doanh nghiệp có được trong thời gian dịch bệnh là tái cấu trúc. Từ “tái cấu trúc” rất quan trọng đối với doanh nghiệp trong thời gian vừa qua. Đó là tái cấu trúc toàn bộ các nguồn lực, sắp xếp lại các nguồn lực làm sao có hiệu quả hơn. Tái cấu trúc về các chuỗi cung ứng, tái cấu trúc về thị trường, sản phẩm, dành những điều kiện để kết nối, xây dựng lại các chuỗi giá trị, tái cấu trúc lại nguồn nhân lực. Đây là điều mà thời gian qua doanh nghiệp dành nhiều thời gian, coi đó là cơ hội và ép mình thực hiện, và chuẩn bị cho các bước tới tốt hơn, đặc biệt là có các doanh nghiệp có cơ hội phát triển thị trường.

*VOH: Thời gian qua, Chính phủ đã đưa ra các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp. Ông đánh giá như thế nào về gói hỗ trợ lần 1 khi nhiều doanh nghiệp cho rằng họ khó tiếp cận được, trong khi gói hỗ trợ lần 1 chưa triển khai hiệu quả thì lại đưa ra gói hỗ trợ lần 2. Và để doanh nghiệp dễ tiếp cận gói hỗ trợ này thì theo ông cần phải thế nào?

Ông Chu Tiến Dũng: Có thể nói lần 1 Chính phủ đã dành rất nhiều quyết sách và những hỗ trợ cho 3 gói hỗ trợ lớn. Thế nhưng nếu tổng kết lại, thì các doanh nghiệp cho rằng hấp thụ không được nhiều. Theo đánh giá của Hiệp hội chúng tôi thì hấp thụ khoảng 20%, rất ít chứ không được nhiều. Vấn đề mình phải phân tích lại tại sao mà hấp thụ thấp như thế, phải làm bằng được thì gói thứ hai mới có hiệu quả được, chứ nếu chúng ta mà không phân tích kỹ thì rất khó. Thế thì từng gói hỗ trợ của Chính phủ trong thời gian vừa qua nó đều có những mặt tích cực động viên thúc đẩy sát cánh với doanh nghiệp nhưng cũng có cản trở sự tiếp cận của doanh nghiệp.

*VOH: Ông đánh giá thế nào về vai trò của Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM trong việc hỗ trợ kết nối đồng hành với doanh nghiệp thời gian qua?

Ông Chu Tiến Dũng: Qua đợt dịch bệnh Covid-19, thì những phương thức tiếp cận, kết nối với các doanh nghiệp của Hiệp hội thông qua online, các hình thức rất hiệu quả. Thứ hai, sự gắn bó của doanh nghiệp với Hiệp hội tạo sự tin cậy lẫn nhau, vì vậy chúng tôi với phương châm sẽ xây dựng cách tiếp cận, đồng hành làm sao thiết thực nhất, đem lại hiệu quả cho doanh nghiệp. Chúng tôi làm vinh danh 100 doanh nhân tiêu biểu, 100 doanh nghiệp tiêu biểu giúp quảng bá, giới thiệu giá trị của doanh nghiệp, sản phẩm đó có giá trị tăng thêm niềm tin thị trường, khách hàng, đối tác hơn nữa. Đồng thời, chúng tôi sẽ kiến nghị thành phố, trong số 100 doanh nghiệp đó thì có hơn 30 doanh nghiệp trên 1.000 tỷ đồng thì tính toán sẽ tham gia vào chương trình của thành phố như thế nào.

*VOH: Vâng xin cảm ơn ông