Du lịch Việt Nam chật vật tìm khách quốc tế

(VOH) - Xác định đúng thị trường trọng điểm và sớm đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá; cởi mở hơn trong chính sách visa.. được kỳ vọng sẽ là đòn bẩy để nước ta đón nhiều lượt khách quốc tế hơn.

Gần đây, ở những địa điểm du lịch tại Hà Nội, TPHCM thường xuất hiện các du khách Ấn Độ và các nước Đông Nam Á vui vẻ trải nghiệm văn hóa, tập quán và ẩm thực của đất nước ta. Điều này cũng dễ hiểu, bởi chủ trương hiện nay của ngành du lịch chính là tìm kiếm dòng khách từ những thị trường trọng điểm này.

Chị Nguyễn Thị Trà Mi, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Du lịch Thiên Niên Kỷ - đơn vị chuyên đón khách quốc tế vào Việt Nam - cho hay các đường bay thương mại quốc tế đã được nối lại để đón khách du lịch quốc tế kể từ ngày 15/3. Tuy nhiên, thay cho dòng khách châu Âu trước đây, đa phần lượng khách chủ yếu là từ châu Á: Lượng khách Châu Âu ít, khách Úc cũng chưa nhiều. Dòng khách Trung Quốc gần như chưa có.

Hiện tại dòng khách Ấn Độ có thời gian du lịch từ 8-10 ngày nên khả năng chi tiêu cũng khoảng 80-90% so với khách Châu Âu. Sau dịch, chúng tôi đã khôi phục lại các hoạt động trên cả nước. Tháng 11 vừa qua, chúng tôi phục vụ khoảng 3.000 khách”.

Du lịch Việt Nam chật vật tìm khách quốc tế 1
Khách du lịch châu Âu đã trở lại Việt Nam, tuy nhiên chỉ chiếm 30% so với trước

Thống kê của Sở Du lịch TPHCM, đến hết tháng 10, Thành phố đón gần 2,5 triệu lượt khách quốc tế, đạt 76% kế hoạch năm 2022. Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch 10 tháng của năm nay đạt 106 ngàn tỷ đồng, vượt 17,3% so với kế hoạch năm. Phần lớn số khách đến từ châu Á.

Số liệu từ Tổng cục Du lịch cho thấy, đến hết tháng 11 vừa rồi, gần 1,4 triệu lượt khách du lịch đến từ khu vực châu Á, trong đó, nổi bật là Hàn Quốc 577 ngàn lượt, Thái Lan 114 ngàn lượt, Campuchia 112 ngàn lượt…

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM nói: “Sau dịch Covid-19, định hướng thị trường trọng điểm, tiềm năng của các cơ quan quản lý Nhà nước cũng phải thay đổi. Chúng tôi đã chọn Ấn Độ và Trung Đông làm thị trường tiềm năng lớn của du lịch TPHCM. Tới đây, sẽ tiếp phát triển thêm để hướng vào đây là thị trường chính, không chỉ có dân số đông, tầng lớp có khả năng chi tiêu cao, thêm nữa là có nhiều đường bay trực tiếp từ Việt Nam đến các nước này được mở ra; mối quan hệ ngoại giao, tập quán, văn hóa khá tương đồng chính là thế mạnh để chúng ta thu hút khách từ hai thị trường này”.

Bên cạnh thị trường Trung Đông thì Đông Bắc Á cũng là thị trường điểm của du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, nếu như Hàn Quốc dẫn đầu lượng khách quốc tế đến Việt Nam với hơn nửa triệu lượt người thì Nhật Bản - vốn cũng là tiềm năng của du lịch nước ta - nhưng đến nay vẫn khá khiêm tốn với hơn 100 ngàn lượt khách trong 11 tháng của năm 2022.

Bà Vũ Minh Châu, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương Mại và Du lịch Việt Nam-Nhật Bản (VJSC), cho hay:Thị trường Nhật Bản vẫn khó. Lý do là đồng Yên giảm giảm 25-30% so với trước dịch. Năm 2019, 1 đồng Yên bằng 210 đồng VN nhưng hiện nay chỉ bằng 176 đồng. Vì thế, nếu người Nhật đi nước ngoài họ sẽ tăng chi phí cao hơn gấp rưỡi. Bởi vậy nên người Nhật sẽ chọn đi du lịch trong nước nhờ chính sách kích cầu tốt. Chính phủ Nhật Bản giảm từ 5.000 - 8000 yên/khách/1 đêm phòng khi đi du lịch. Du khách chỉ cần đặt tour, đặt khách sạn tại 1 công ty du lịch sẽ được trừ tiền trực tiếp luôn, và Công ty đặt dịch vụ đó sẽ được nhận tiền từ Chính phủ một cách đơn giản, dễ dàng và gọn nhẹ”.

Trước dịch, du khách Trung Quốc chiếm đa số, song đến nay gần như vắng bóng do Chính phủ Trung Quốc còn áp dụng các chính sách hạn chế xuất, nhập cảnh. Thực tế đó cũng khiến cho các doanh nghiệp lữ hành kiến nghị các cơ quan quản lý, nhanh chóng đồng hành cùng doanh nghiệp đẩy mạnh chính sách xúc tiến, quảng bá sang các nước tiềm năng như Trung Đông, Hàn Quốc, Nhật Bản... Ông Trần Đoàn Thế Duy, Tổng giám đốc Công ty Vietravel phân tích: Về khách quan, những thị trường lớn - chính của Việt Nam là Trung Quốc chưa mở cửa, Hàn Quốc mới mở cửa gần đây Nhật Bản đã mở nhưng Chính phủ họ khuyến khích và trợ cấp du lịch nội địa rất lớn, nên người Nhật đi du lịch nội địa nhiều hơn. Chiến tranh giữa Nga và Ukraine cũng làm ảnh hưởng đến khách từ thị trường Nga rất nhiều. Tức là những thị trường khách lớn của Việt Nam trước đây đều khó khăn.

Về chủ quan thì chính sách visa của Việt Nam cũng chưa thuận lợi như các nước trong khu vực. Thời gian lưu trú, thời gian xin visa khiến du khách còn phàn nàn rất nhiều. Thêm vào đó, khâu quảng bá, xúc tiến sau dịch vẫn chưa được triển khai nhiều, chưa có các chính sách khuyến mãi lớn để thu hút khách quốc tế”.

Trong bối cảnh sau 2 năm bị bị gián đoạn bởi đại dịch Covid-19, nhu cầu kết nối lại với thị trường du lịch nước ngoài không vì thế giảm đi mà hứa hẹn sẽ tăng mạnh trong giai đoạn hậu COVID. Tuy nhiên, việc xác định đúng thị trường trọng điểm, tiềm năng và sớm đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá, cởi mở hơn trong chính sách xét duyệt visa được kỳ vọng sẽ là đòn bẩy để nước ta đón nhiều lượt khách quốc tế hơn trong năm 2023.