Đến dự có Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi.
Theo bà Đặng Thị Minh Phương, Chủ tịch Hiệp hội Logistics TPHCM, để thu hút và giữ chân Doanh nghiệp FDI, logistics được xem là một trong những yếu tố quan trọng cần được đầu tư và phát triển đúng mức. TPHCM với vai trò là đầu tàu kinh tế của phía Nam và cả nước, đóng góp trên 22% GDP và 27% tổng thu ngân sách quốc gia, cùng với vị trí là cửa ngõ giao thương, gắn kết chặt chẽ với vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long, nên hầu hết hàng hóa giao thương giữa các tỉnh/thành, xuất nhập khẩu ở khu vực phía Nam đều đi qua TPHCM.
Hiểu rõ tiềm năng đó, UBND TPHCM cũng đã phê duyệt Đề án phát triển ngành logistics trở thành ngành dịch vụ mũi nhọn, với tỷ lệ đóng góp vào tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố đến năm 2025 đạt 10%, đến năm 2030 đạt 12%. Để đạt được mục tiêu này, theo bà Phương, các doanh nghiệp logistics cần xác định rõ những cơ hội và thách thức trong năm 2021 và những năm tiếp theo.
Giám đốc Sở Công Thương Bùi Tá Hoàng Vũ khẳng định, TPHCM không cạnh tranh về logistics với Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An mà đặt nặng vai trò đầu tàu trong liên kết vùng. Giám đốc Sở Công Thương cho hay, mỗi năm GRDP của TPHCM đạt khoảng 1,3 triệu tỷ đồng thì lĩnh vực logistics chiếm 8,6% GRDP toàn Thành phố, đóng góp khoảng 117.000 tỷ đồng/năm. Trong 9 ngành dịch vụ trọng yếu, logistics chiếm hơn 19%. Tuy nhiên, ông Vũ nhìn nhận việc đầu tư cho logistics thực tế chưa làm được nhiều. Các doanh nghiệp chủ yếu phát triển tự phát và chưa có sự quy hoạch phát triển bài bản, sự vào cuộc tổng thể của các sở, ngành.
“Hạ tầng giao thông về đường bộ, đường sắt, đường thủy đều chậm đầu tư. Những đường mang tính động lực phát triển chưa hoàn thành. Những cảng kết nối giao thông thủy bộ thì chúng ta còn rất nhiều việc giải quyết. Sân bay Tân Sơn Nhất quá tải cả hành khách và hàng hóa. Cơ sở hạ tầng chỉ khai thác một thời gian rất ngắn nữa sẽ hết công suất phát triển”, ông Bùi Tá Hoàng Vũ nêu các rào cản hiện nay.
Nói thêm về thách thức của ngành logistics, ông Đinh Ngọc Thắng, Cục Trưởng Cục Hải quan TPHCM cho rằng, TPHCM thiếu hạ tầng kỹ thuật kết nối, hoạt động đơn lẻ là điểm nghẽn khiến hệ thống cảng biển thành phố không phát huy được tối đa lợi thế về vị trí địa lý và năng lực khai thác. Thêm vào đó, tỷ trọng khai thác hàng hoá ở các cảng bất cân xứng, tập trung chủ yếu ở cụm cảng Cát Lái, Phú Hữu chiếm 82%, các bến cảng còn lại chiếm tỷ trọng thấp, không đạt công suất thiết kế, như cảng Hiệp Phước, cảng SP-ITC, VICT chỉ đạt khoảng 20-30% công suất thiết kế, lãng phí nguồn lực đầu tư.
Mặt khác, đa số các cụm kho dịch vụ lớn của các doanh nghiệp logistics thứ 3 tập trung ở Đồng Nai, Bình Dương. Tại TPHCM có khoảng 1.500 kho, chủ yếu là các kho có diện tích nhỏ, chưa có hệ thống kho lưu trữ, kho lạnh quy mô lớn và trung tâm logistics tương xứng với nhu cầu sản xuất, kinh doanh và thương mại điện tử… Trong khi đó, thủ tục kiểm tra chuyên ngành của các bộ, ngành chính là rào cản lớn nhất ảnh hưởng đến hoạt động logistics…
Từ những bất cập nêu trên, ông Đinh Ngọc Thắng - Cục Trưởng Cục Hải quan TPHCM đề xuất: “Để tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, chúng tôi đề xuất UBND TPHM mở một trung tâm đăng ký tờ khai. TPHCM hiện chỉ có một trung tâm đăng ký tờ khai là điểm để thông quan hàng hóa, thay vì doanh nghiệp hiện nay xuống các cảng mất thời gian thì doanh nghiệp đến trung tâm đó, phân tích xong trả mẫu, kể cả ra chứng thư là thông quan”.
Lãnh đạo Sở, ngành, Cục Hải quan Thành phố cũng nhấn mạnh đến giải pháp liên kết vùng trong phát triển logistics. TPHCM đặt mục tiêu đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ logistics của doanh nghiệp TPHCM đạt 15% và đến năm 2030 đạt 20%. Đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của logistics vào GRDP Thành phố đạt 10% và đến năm 2030 đạt 12%. Chi phí logistics kéo giảm khoảng 10-15%. Bên cạnh đó là đầu tư và hình thành 8 trung tâm logistics xung quanh Thành phố.
Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đặt hàng các doanh nghiệp logistics đặt mục tiêu tỷ trọng đóng góp của ngành vào GRDP Thành phố đạt 15% vào 2030. Đề cập đến việc trung tâm logistics đang dịch chuyển, ông Mãi đặt vấn đề TP.HCM đang ở đâu trong mạng lưới và sự chuyển động này, ông cho rằng đây là vấn đề cần sớm trả lời
"Từ bài học của ngành logistics, của Thành phố, chúng ta sẽ xây dựng trở lại phục hồi và phát triển như thế nào từ dư địa đã có, tôi thấy rằng, ngành logistics phải được đầu tư và phát triển đúng với tiềm năng của mình. Có người nói với tôi là trung tâm logistics đang dịch chuyển, vậy thì TPHCM ở đâu trong mạng lưới này, trong sự chuyển động này? Nếu trung tâm dịch chuyển thì chúng ta sẽ đóng vai gì trong mạng lưới tổng thể của logistics? Và chúng ta chọn phân khúc nào để thể hiện vai trò, thì đây là câu chuyện mà kinh tế TPHCM phục hồi phát triển, trong đó, tôi rất tin và mong ngành logistics sẽ đồng hành và đi với tốc độ cao hơn để dẫn dắt cho sự phục hồi đó”, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đặt vấn đề.