Kinh doanh khách sạn đang đối mặt với nhiều thách thức

(VOH) – Ngày 7/12, hội thảo "Kinh doanh khách sạn tại Việt Nam - Thực trạng và thách thức" được tổ chức tại TPHCM đã đề ra nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn trong hoạt động khách sạn.

Theo một số chuyên gia, khi du lịch thế giới phục hồi, ngành du lịch toàn cầu phải đối mặt với những cạnh tranh mới giữa các quốc gia và điểm đến. Nói cách khác, các đơn vị kinh doanh khách sạn hoạt động trong điều kiện mới, hoàn cảnh mới, cơ hội mới...sẽ cần tư duy và cách làm mới.

Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cho rằng, giai đoạn 2023 - 2025 là giai đoạn phục hồi của ngành du lịch sau tác động của đại dịch COVID-19. Ngành du lịch cần có chính sách khuyến khích các loại hình đầu tư xanh, phát triển hạ tầng xanh, xây dựng công trình xanh thân thiện với môi trường, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực du lịch.

Ngành du lịch cũng nên ưu tiên nguồn lực, đầu tư chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ hiện đại trong ngành; khuyến khích phát triển đa dạng các loại hình lưu trú…

Kinh doanh khách sạn đang đối mặt với nhiều thách thức 1
Kinh doanh khách sạn đang đối mặt với nhiều thách thức sau giai đoạn COVID-19. 

Đồng quan điểm, bà Đỗ Hồng Xoan, Chủ tịch Liên chi hội Khách sạn Việt Nam cho rằng, các cơ sở lưu trú du lịch cần quan tâm thực hiện một số giải pháp kịp thời thích ứng với lĩnh vực kinh doanh khách sạn hậu COVID-19.

Theo bà Loan, các đơn vị kinh doanh khách sạn cần chuẩn bị tốt cơ sở vật chất và nguồn lực; đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý và phục vụ khách; tích cực tham gia xúc tiến quảng bá, kích cầu du lịch...

Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch, đơn vị kinh doanh khách sạn, cơ sở lưu trú phát triển bền vững, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Liên chi hội Khách sạn Việt Nam đã kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan nhiều cơ chế, chính sách mới.

Theo Liên chi hội Khách sạn Việt Nam, tổng số cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn cả nước ước tính là 38.000 cơ sở với 780.000 buồng. Số lượng cơ sở lưu trú du lịch có quy mô lớn mới ra đời có xu hướng tăng, nhưng số lượng cơ sở lưu trú du lịch nhỏ và vừa vẫn chiếm tỷ lệ cao.

Ngành Du lịch đặt mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu đón được ít nhất 18 triệu lượt khách quốc tế và 90 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân về khách quốc tế từ 37%/năm và khách nội địa khoảng 6,3%/năm. Đối với số lượng và nhu cầu buồng lưu trú tăng khoảng 100.000 buồng so với năm 2019.