Vùng Tây Nguyên có đặc sản là hạt cà phê. Đây là một trong những nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Đến nay, cà phê Việt đã có mặt tại hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng thứ hai về sản lượng và giá trị xuất khẩu trong số các nước xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới. Nếu chỉ tính riêng về xuất khẩu cà phê robusta Việt Nam ở vị trí đứng đầu. Đây là nhận định của ông Hoàng Nguyễn Bảo Ngọc, Giám đốc Nhà máy Nestle Đồng Nai. Tuy nhiên, do ngành cà phê Việt đang đối mặt với thách thức lớn do nhiều diện tích cà phê bị già cỗi, cần tái canh.
Năm 2016, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt gần 1,8 triệu tấn, đem về hơn 3,3 tỷ USD, tăng 32,8% về lượng và 24,9% về giá trị so với cùng kỳ (Ảnh minh họa: Kinh tế và dự báo)
Đến năm 2020, ước tính diện tích cà phê trên 20 năm tuổi lên tới 200.000 hecta. Chất lượng cà phê Việt Nam chưa cao, thiếu ổn định… ảnh hưởng đến giá trị xuất khẩu. Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn, cho rằng: “Nếu chúng ta sản xuất thì tập trung vào diện tích đất phù hợp theo quy trình tái canh bền vững, theo giống được xác nhận có năng suất cao để giảm chi phí. Đối với hàng mà hiện nay tồn kho khá lớn thì cần tính đến thời điểm phù hợp để bán chứ không nên để tồn kho quá nhiều".
Đề cập đến “điểm nghẽn” hiện nay trong quy trình để tạo điều kiện đưa hạt cà phê sạch và chất lượng của nông dân ra thị trường nước ngoài, Tiến sĩ Đinh Thị Mỹ Loan – Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam đề nghị: “Giữa các khâu từ nông trại, bà con nông dân, đến người tiêu dùng, chúng ta nên có một kênh thông suốt, một chuỗi, và chuỗi này đang bị khập khiễng, không có hiệu quả, đang bị phân đoạn ra, cho nên chúng ta sản xuất được sản phẩm sạch, người tiêu dùng muốn có được sản phẩm sạch thì cũng không kết nối được với nhau. Đây là điểm yếu “chết người” của nông sản VN, của thực phẩm sạch VN và của ngành bán lẻ VN”.
Năm 2016, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt gần 1,8 triệu tấn, đem về hơn 3,3 tỷ USD, tăng 32,8% về lượng và 24,9% về giá trị so với cùng kỳ. Xuất khẩu cà phê 2 tháng đầu năm 2017 của Việt Nam ước đạt 273 ngàn tấn, thu về 616 triệu USD; dù giảm 7,3% về khối lượng nhưng tăng 22,3% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Ông Nguyễn Nam Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam, khẳng định: “Sản phẩm của người nông dân sản xuất được theo quy chuẩn thông lệ quốc tế thì chắc chắn có giá cao hơn”.
“VN là nước sản xuất và xuất khẩu cà phê đứng thứ 2 thế giới, chỉ có một điều, chất lượng của hạt cà phê VN không ổn định. Lý do là không có người nào đứng ra hướng dẫn cho người nông dân cách để họ trồng trọt, thu hoạch, cũng như bảo quản hạt cà phê như cái cách mình đang làm. Để đảm bảo chất lượng ổn định, nguồn cung tốt nhất cho Tập đoàn, chúng tôi có thực hiện một dự án toàn cầu gọi là dự án Nestle Flan”, ông Hoàng Nguyễn Bảo Ngọc, nhận định.
Với mong muốn nâng cao chất lượng cây cà phê cho nông dân ở 4 tỉnh Tây Nguyên gồm Lâm Đồng, Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, 5 năm qua, Tập đoàn Nestle đã cung cấp hơn 15 triệu cây cà phê giống có khả năng kháng bệnh, năng suất cao cho hơn 21.000 người nông dân chuyên trồng cà phê. Cùng với đó, đơn vị này cũng đã tổ chức hơn 3.000 khóa đào tạo để hướng dẫn cách trồng, thu hoạch và bảo quản hạt cà phê, giúp những người nông dân lấy được chứng chỉ quốc tế về cà phê. Với chứng chỉ này, nông dân bán cà phê ra thị trường đạt giá cao hơn tiêu chuẩn thông thường.