Nhiều “cơ hội vàng” cho nền kinh tế Việt Nam

(VOH) - “Bên cạnh các khó khăn khách quan, nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội vàng để duy trì mức tăng trưởng cao, thậm chí có thể tạo ra sự bứt phá trên diện rộng”, ông Đinh La Thăng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ TPHCM, đã nhận định như vậy tại hội thảo Kịch bản Kinh tế Việt Nam 2017 bàn về kinh doanh, đầu tư trong một thế giới đang thay đổi do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức sáng 9/3 tại TP.HCM.

Các doanh nghiệp, cán bộ quản lý Nhà nước tiếp tục bàn về tiềm năng, xu hướng chọn ngành, chọn chỗ, chọn hướng sản xuất kinh doanh và đầu tư 2017

Cơ hội đến từ đâu?                                                               

Theo Bí thư Đinh La Thăng, Việt Nam có một khởi đầu kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016 - 2020 không mấy thuận lợi. Thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Hàng loạt chính sách mang tầm chiến lược của mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam, có thể phải điều chỉnh cho phù hợp với thực tế mới. Về tình hình trong nước, ông Đinh La Thăng nhấn mạnh khó khăn khi lần đầu tiên trong nhiều năm, tăng trưởng ở lĩnh vực nông nghiệp xuống mức đáy. Trong khi đó, thực lực doanh nghiệp và năng suất lao động trong nước còn chậm được cải thiện trước áp lực cạnh tranh, hội nhập quốc tế lớn chưa từng thấy. Tuy nhiên, theo Bí thư Thăng, nền kinh tế Việt Nam cũng đang đứng trước nhiều cơ hội vàng để duy trì mức tăng trưởng cao, thậm chí có thể tạo ra sự bứt phá trên diện rộng. Riêng tại TPHCM, Bí thư Thăng tin tưởng:

 

Bí thư Thăng nhận định: Từ thực tiễn năm 2016 cho thấy, chương trình đổi mới tái cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng đã được thông qua. Rõ ràng, thay mới một chương trình hành động mang tầm chiến lược, có ý nghĩa quyết định triển vọng phát triển dài hạn của đất nước chỉ sau 5 năm triển khai là một quyết định rất dũng cảm; đòi hỏi sự can đảm và sáng suốt nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu bức thiết xuất phát từ thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. Điều đó đang diễn ra mạnh mẽ với một quyết tâm cao chưa từng có. Tiếp đó, sau Đại hội 12 của Đảng, Chính phủ đã nhanh chóng xác định và triển khai hai tuyến hành động lớn, có nghĩa chiến lược xuyên suốt tạo thay đổi là xây dựng nhà nước kiến tạo, với một Chính phủ liêm chính, hành động. Đồng thời coi khu vực tư nhân là động lực phát triển quan trọng của cả nền kinh tế.

Ông Đinh La Thăng nhấn mạnh, đây là bước tiến lớn về tư duy theo chiều hướng hiện đại, thực tiễn trong hoạt động kinh tế. Từ hai hành động lớn này của Chính phủ, các nguồn lực tiếp tục được khai thông để tạo dòng chảy mạnh mẽ và phân luồng hợp lý, đạt hiệu quả tối đa. 

Một điểm nữa được Bí thư Đinh La Thăng đề cập đó là với việc tái định hướng phát triển nền nông nghiệp dựa trên hai động lực chính là công nghệ cao và doanh nghiệp, Việt Nam có thêm nhiều dư địa để tăng tốc nâng cao giá trị sản phẩm nông sản. Sự phát triển nền nông nghiệp đặc sản - đặc sắc, đặt trong thế liên kết với thị trường thế giới, gắn với chiến lược phát triển du lịch chắc chắn sẽ góp thêm một mũi nhọn nữa cho nền kinh tế. Bí thư Đinh La Thăng khẳng định:

Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng trao đổi với các chuyên gia

Phải thông qua Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ

Theo Tiến sĩ kinh tế Trần Du Lịch, trong năm 2017, kinh tế VN sẽ không có sự chuyển đổi đột biến nào. Đề cập đến doanh nghiệp khởi nghiệp tại TPHCM, ông Trần Du Lịch cho rằng, quan trọng nhất trong kỳ họp tới đây, Quốc hội phải thông qua Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ mà hàng chục năm nay chưa làm được. Luật này có liên quan đến đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ và ngành công nghiệp hỗ trợ.

Theo ông Lịch, nếu khởi nghiệp Startup tập trung vào những ngành công nghệ sáng tạo thì càng tốt. Hiện nay, TPHCM có hơn 300.000 hộ kinh doanh cá thể có thể đăng lý Luật doanh nghiệp nhưng họ từ chối vì xưa nay quen khoán thuế rất có lợi mà không cần đến kế toán. Từ thực tiễn này, Tiến sĩ kinh tế Trần Du Lịch cho rằng: 

 

Liên quan đến thể chế và tài chính công, Tiến sĩ Trần Du Lịch cho rằng, lâu nay chúng ta đi vào thủ tục mà quên mất bộ máy và con người, ông tin tưởng trong quá trình cải cách, đối tượng này sẽ có chuyển biến tích cực, đồng bộ hơn. Hiện nay VN đã có hệ thống pháp Luật về kinh tế đã được sửa đổi tương đối đồng bộ, nhưng để Luật này đi vào cuộc sống, rất cần đến yếu tố con người để xử lý môi trường kinh doanh đầu tư và đặt trọng tâm doanh nghiệp lên hàng đầu.

Đề cập đến sức cạnh tranh của doanh nghiệp VN, GS.TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng:

 

Bản thân doanh nghiệp cần linh hoạt thận trọng, theo dõi sát sao, có chiến lược quản trị khôn ngoan, ứng phó bất trắc, tìm cách thoát được bẫy về vốn, công nghệ và thu nhập trung bình; song song đó, cơ quan quản lý nhà nước cũng cần đảm bảo môi trường phát triển an toàn, có thiết chế pháp lý, môi trường kinh doanh thuận lợi tạo điều kiện để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển một cách bền vững./.

Hội thảo Kịch bản Kinh tế Việt Nam 2017 là diễn đàn thường niên được tổ chức liên tục từ 2008 đến nay. Hội thảo có các cán bộ, cơ quan quản lý nhà nước, chuyên gia kinh tế, tài chính và hơn 300 doanh nhân cùng tham dự. 

Đánh giá cao hiệu quả của hội thảo Kịch bản Kinh tế Việt Nam liên tục 10 năm qua, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng cho rằng, nhiều sáng kiến kinh doanh, tư vấn chính sách hữu dụng đã ra đời từ những cuộc hội thảo thế này, góp phần mang lại cho diện mạo nền kinh tế những điểm sáng đầy ấn tượng. Cần thêm nhiều nữa ý tưởng từ các doanh nghiệp và doanh nhân, để hỗ trợ và thúc đẩy phong trào khởi nghiệp cho giới trẻ.