Năm 2022: Số doanh nghiệp địa ốc phá sản tăng gần 40%

(VOH) - Số lượng doanh nghiệp địa ốc phá sản, giải thể tăng 38,7% trong 2022 do khó khăn về dòng tiền, giá nguyên vật liệu leo thang...

Bộ Xây dựng cho biết, trong năm 2022, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản đã phải thay đổi phương án kinh doanh, quản lý như thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm nhân lực – thậm chí, có đơn vị giảm đến 50% số lao động. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp phải dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công dự án, dừng IPO...

bất động sản
Số doanh nghiệp địa ốc phá sản tăng gần 40% trong năm 2022 (Ảnh: HL)

Đọc thêm: Sau một năm 2022 đầy biến động, thị trường bất động sản 2023 sẽ ra sao?

Số doanh nghiệp địa ốc thành lập mới trong năm 2022 là 8.593 doanh nghiệp, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước; số doanh nghiệp quay lại hoạt động là 2.081 doanh nghiệp, tăng 56,7%.

Đặc biệt, số doanh nghiệp tuyên bố phá sản, giải thể, tăng 38,7%. Bộ Xây dựng cho rằng, nguyên nhân là doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, phát hành trái phiếu và huy động vốn của khách hàng dẫn đến doanh nghiệp thiếu vốn phải giãn hoặc tạm dừng tiến độ thực hiện dự án.

Thực tế, việc một số tổ chức, cá nhân bị xử lý vì có liên quan đến hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã tác động lớn đến thị trường và tâm lý nhà đầu tư.

Số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy, đến 28/10/2022, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt gần 329.000 tỷ đồng, giảm hơn 25% so với cùng kỳ 2021 và có xu hướng giảm dần qua các quý.

Trong đó, nhóm doanh nghiệp địa ốc chiếm 28,87% tổng khối lượng phát hành, đứng thứ hai trong nhóm mua lại trái phiếu trước hạn và chiếm 35,8% tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đang lưu ký tại ngày 30/9/2022.

Tính riêng trong tháng 12/2022, các doanh nghiệp địa ốc phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Theo số liệu sơ bộ của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, tính đến 25/12/2022, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ khoảng 2 triệu tỷ đồng, trong đó của doanh nghiệp bất động sản chiếm khoảng 34%, tức 419.000 tỷ đồng.

Từ cuối năm 2022 và trong năm nay, một số doanh nghiệp địa ốc sẽ phải chịu áp lực trả nợ trái phiếu trước hạn cho nhà đầu tư vì nhiều nguyên nhân, trong đó có thay đổi chính sách kiểm soát trái phiếu phát hành của doanh nghiệp.

Ngoài vấn đề vốn, doanh nghiệp địa ốc còn bị bủa vây bởi lãi suất cho vay, tỷ giá ngoại tệ, giá xăng, dầu, vật liệu xây dựng leo thang, khiến chi phí sản xuất tăng lên.

Trong năm 2023, trước các thách thức của thị trường, nhiều doanh nghiệp địa ốc cho biết chọn phương án kinh doanh thận trọng, phòng thủ để giảm thiểu rủi ro. Đơn cử như việc giảm lượng vốn đầu tư, giảm tốc độ thi công dự án để tránh áp lực dòng tiền; doanh nghiệp cũng ưu tiên dự trữ nguồn lực để phòng thủ trong thời gian tới.

Bình luận