Năm 2022: Việt Nam xuất khẩu thủy sản trên 10 tỷ USD, chủ yếu sang Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và EU

(VOH) - Doanh số xuất khẩu thủy sản 11 tháng qua của Việt Nam ước đạt trên 10 tỷ USD. Các thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất là Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU).

Ngày 26/11, tại hội thảo "Ngành thủy sản 2023: Nhận diện thách thức và giải bài toán đơn hàng giảm, lãi suất tăng", ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) chia sẻ, đến tháng 11/2022, doanh số xuất khẩu mặt hàng này ước đạt trên 10 tỷ USD, trong đó xuất khẩu tôm đạt 4,3 tỷ USD, hải sản đạt 3,2 tỷ USD, cá tra đạt 2,5 tỷ USD…

Dự kiến hết năm nay, kim ngạch toàn ngành có thể lần đầu tiên đạt 11 tỷ USD.

xuất khẩu thủy sản
Việt Nam xuất khẩu thủy sản trên 10 tỷ USD trong 11 tháng qua (Ảnh: VASEP)

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam hiện đứng thứ 3 thế giới, sau Trung Quốc (18 tỷ USD) và Na Uy (11 tỷ USD), chiếm 7% thị phần. Trong đó, xuất khẩu tôm nằm trong top 4 thế giới cùng với Ecuador, Ấn độ và Indonesia.

Các thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam là Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU). Trong đó, EU, Mỹ và Trung Quốc chiếm 60% thương mại thủy sản toàn cầu và 50% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm.

Tất cả nhóm ngành thủy sản đều tăng trưởng ở mức hai con số, bình quân 18-77%. Trong đó, Mỹ lần đầu đạt trên 2 tỷ USD, Anh trở thành thị trường lớn thứ 7.

Về công suất chế biến, hiện Việt Nam có 20 công ty trong CLB 100 triệu USD và sẽ gia tăng trong vài năm tới. Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có công nghệ chế biến thủy sản hiện đại nhất với hơn 700 cơ sở chế biến đạt chứng nhận bắt buộc của EU, Trung Quốc.

Dù xuất khẩu thủy sản nhiều khởi sắc nhưng theo VASEP, tình hình xuất khẩu thủy sản bắt đầu chững lại khi sức mua giảm, lãi suất tăng, tỷ giá biến động. Kinh tế thế giới bước vào suy thoái, lạm phát cao đang làm giảm nhu cầu tiêu dùng của người dân toàn cầu.

Thời gian tới, VASEP cho rằng, ngành thủy sản tồn kho sẽ tăng và cạnh tranh gay gắt từ những đối thủ có chi phí và giá bán rẻ như Ecuador hay Ấn Độ.

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, không chỉ quý cuối năm nay mà bối cảnh kinh tế thế giới 2023 dự báo tiếp tục xấu đi. Ngành thủy sản sẽ là nhóm chịu ảnh hưởng trực tiếp, đơn hàng có thể chậm lại. Tuy nhiên, doanh nghiệp không nên quá bi quan mà cần tìm kiếm và nắm bắt các cơ hội để phát triển.

Bình luận