Chờ...

Ngân hàng tăng cường thực hiện xác thực bằng khuôn mặt, vân tay

VOH - Các ngân hàng đang chạy nước rút thúc giục các khách hàng đăng ký thông tin sinh trắc học vân tay, khuôn mặt trước ngày 1/7/2024.

2194869_b0a6dfcb9a746b6f0dd9291046d8a6fb

Ảnh minh họa

Theo quy định mới của Ngân hàng Nhà nước, từ ngày 01/7/2024, các giao dịch chuyển tiền trực tuyến hoặc nạp tiền vào ví điện tử trên 10 triệu đồng sẽ phải xác thực sinh trắc học qua khuôn mặt và vân tay. Đối với các giao dịch trong ngày vượt quá 20 triệu đồng, yêu cầu xác thực sinh trắc học cũng được áp dụng, có thể dùng căn cước công dân gắn chip, tài khoản VneID hoặc dữ liệu sinh trắc học lưu trong cơ sở dữ liệu của ngân hàng.

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng triển khai xác thực sinh trắc học cho các giao dịch trên Internet Banking và Mobile Banking. Công nghệ này giúp hạn chế khả năng làm giả và nâng cao tính bảo mật. Khách hàng khi giao dịch lần đầu bằng ứng dụng ngân hàng hoặc khi sử dụng thiết bị khác cần phải được nhận dạng sinh trắc học. Ngoài ra, các ngân hàng cũng cần sử dụng phương thức xác thực OTP và thông báo qua SMS hoặc email về việc đăng nhập ứng dụng ngân hàng trên thiết bị mới.

Các ngân hàng phải lưu trữ thông tin về thiết bị giao dịch và nhật ký xác thực trong ít nhất 3 tháng. Đối với các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, các quy định này sẽ được áp dụng từ ngày 01/01/2025.

Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước), cho biết, việc xác thực khuôn mặt là để đảm bảo chính chủ đang thực hiện giao dịch. "Xác thực sinh trắc học là khuôn mặt thật, tức là người thực hiện chuyển tiền phải soi khuôn mặt mình vào ứng dụng, nhìn lên nhìn xuống để đảm bảo đây là hình ảnh sống," ông Tuấn nói. Khuôn mặt của người thực hiện giao dịch sẽ được đối chiếu với dữ liệu sinh trắc học từ Căn cước công dân gắn chip do Bộ Công an quản lý.

Ông Tuấn nhấn mạnh rằng từ ngày 1/7, kể cả khi khách hàng lỡ chuyển tiền vào tài khoản của đối tượng lừa đảo thì cũng có thể lấy lại tiền. Nếu kẻ gian sử dụng tài khoản của mình để chuyển tiền, cơ quan công an sẽ nhanh chóng xác định được danh tính qua đối chiếu với thông tin trên căn cước gắn chip.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, có khoảng 11% số giao dịch chiếm hơn 11% tài khoản của ngành ngân hàng phát sinh giao dịch chuyển tiền online trên 10 triệu đồng. Số tài khoản có tổng giá trị giao dịch trong ngày trên 20 triệu đồng chiếm tỷ lệ nhỏ, dưới 1%.

Nhiều ngân hàng gần đây liên tục thông báo khách hàng chủ động xác thực sinh trắc học bằng căn cước công dân gắn chip để tránh gián đoạn giao dịch online giá trị lớn trong thời gian tới. Ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), cho biết đã có vài trăm nghìn khách hàng cập nhật xác thực sinh trắc học trên ứng dụng ngân hàng. Từ đầu tháng 6, ngân hàng đã gửi thông báo tới khách hàng, ưu tiên cho nhóm thường xuyên chuyển tiền trên 10 triệu hoặc chủ tài khoản trước đây được xác thực bằng căn cước công dân cũ (chưa gắn chip).

TPBank cho biết mỗi ngày có trung bình 10.000 - 15.000 mẫu khuôn mặt và căn cước công dân được cập nhật vào kho dữ liệu của ngân hàng từ tất cả các kênh, trong đó hơn 80% số này do khách hàng chủ động thực hiện trên ứng dụng của ngân hàng.

Bà Dương Mai Anh, Giám đốc điều hành Công ty CP Công nghệ Vidiva - sở hữu ví điện tử Ting, cũng cho hay công ty đã sẵn sàng về mặt hệ thống. Dự kiến tới cuối tháng 5, ví điện tử này sẽ áp dụng cho người dùng mới khi đăng ký lần đầu và tới giữa tháng 6 sẽ thông báo chính thức tới khách hàng hiện hữu.

Một số người dùng lâu nay đã sử dụng tính năng xác thực vân tay trên điện thoại khi đăng nhập hoặc chuyển tiền bằng ứng dụng ngân hàng, ví điện tử. Tuy nhiên, bà Dương Mai Anh lưu ý rằng người dùng cần phân biệt giữa sinh trắc học thiết bị với sinh trắc học dựa trên dữ liệu dân cư quốc gia. Tính năng sinh trắc học thiết bị là do hệ điều hành điện thoại xác thực, sau đó truyền tín hiệu cho ứng dụng ngân hàng, ví điện tử. Trong khi đó, việc xác thực sinh trắc học theo Quyết định 2345 phải dựa trên dữ liệu dân cư quốc gia của Bộ Công an hoặc qua VneID (đang thí điểm).