Nhiều ngân hàng có kế hoạch tăng mạnh vốn điều lệ

VOH - Techcombank là một trong những ngân hàng vừa trình cổ đông phương án tăng vốn. Ngoài ra còn có nhóm các ngân hàng lớn “big 4”.

Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) đã trình tới cổ đông phương án tăng vốn từ hơn 35.225 tỷ đồng lên trên 70.450 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu.

Nguồn vốn chủ sở hữu dự kiến được sử dụng để tăng vốn điều lệ: lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ và thặng dư vốn cổ phần căn cứ trên Báo cáo tài chính kiểm toán riêng và Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023 đã được kiểm toán của Techcombank.

Tỷ lệ phát hành dự kiến là 100%, tức cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được hưởng quyền sẽ được nhận thêm 100 cổ phiếu mới. Dự kiến phát hành theo phương thức thực hiện quyền.

Đối tượng phát hành là tất cả cổ đông hiện hữu có tên trong danh sách tại ngày chốt danh sách cổ đông để thực hiện quyền nhận cổ phiếu từ việc tăng vốn điều lệ từ phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu.

Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) tại Đại hội cổ đông thường niên cũng vừa thông qua tờ trình về việc tăng vốn điều lệ thêm hơn 8.579 tỷ đồng trong năm 2024. Theo kế hoạch của MB, 7.959 tỷ đồng tăng vốn sẽ thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu, ngoài ra phát hành riêng lẻ thêm 62 triệu cổ phiếu, tương đương mức tăng vốn điều lệ là 620 tỷ đồng. Thời gian thực hiện từ năm 2024 đến quý 2 năm 2025.

Trước đó, MB đã hoàn tất phát hành riêng lẻ 73 triệu cổ phiếu cho hai cổ đông là SCIC và Viettel. Sau khi hoàn thành hai kế hoạch tăng vốn trên, vốn điều lệ của MB dự kiến sẽ tăng lên 61.643 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2023.

Cổ đông Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank) đã thông qua phương án chào bán thêm tối đa 800 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ từ 25.576 tỷ đồng lên 33.576 tỷ đồng với giá chào bán tối thiểu là 10.000 đồng/cổ phiếu.

Các cổ đông LPBank cũng nhất trí không thực hiện 2 phương án tăng vốn điều lệ đã được thông qua tại đại hội cổ đông thường niên 2023 gồm: chào bán 300 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài và phát hành 10 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP).

ngan hang-tang-von
Ảnh minh họa

Kế hoạch tăng vốn điều lệ tương tự triển khai tại các ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank), Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB), Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank)...

SeABank tăng vốn điều lệ từ 24.957 tỷ đồng lên 30.000 tỷ đồng; OCB đặt mục tiêu tăng vốn điều lệ thêm 4.168 tỷ đồng lên 24.717 tỷ đồng; ACB tăng vốn điều lệ thêm 5.800 tỷ đồng lên thành 44.666 tỷ đồng; VIB tăng vốn điều lệ từ 25.368 tỷ đồng lên 29.791 tỷ đồng và Nam A Bank tăng vốn điều lệ từ 10.580 tỷ đồng lên 13.725 tỷ đồng...

Phương án tăng vốn điều lệ của một số ngân hàng khác dự kiến sẽ được trình trong các đại hội cổ đông diễn ra tuần tới. Trong đó, Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) dự kiến tăng vốn thêm hơn 6.000 tỷ; Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank) tăng thêm hơn 1.000 tỷ…

Tại nhóm các ngân hàng lớn "big 4", Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) dự kiến trình cổ đông thông qua phương án dùng 21.700 tỷ đồng lợi nhuận năm 2022 để chia cổ tức bằng cổ phiếu. Phương án cần trình lên Ngân hàng Nhà nước để xin ý kiến. Nếu hoàn thành, vốn điều lệ của Vietcombank sẽ lên hơn 77.500 tỷ đồng.

Vietcombank đã phát hành 856,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức theo tỷ lệ 18,1% từ lợi nhuận còn lại của năm 2019 và 2020. Vốn điều lệ của VCB theo đó tăng từ 47.325 tỷ đồng lên 55.891 tỷ đồng.

Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cũng dự kiến dùng toàn bộ gần 14.000 tỷ đồng lợi nhuận riêng lẻ sau thuế năm 2023 và sau khi trích lập các quỹ để chia cổ tức bằng cổ phiếu theo phê duyệt của cơ quan Nhà nước.

Trong năm 2023, VietinBank đã phát hành hơn 564 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tỷ lệ 11,7415% từ nguồn lợi nhuận sau thuế, sau trích quỹ và chia cổ tức bằng tiền mặt năm 2020. Vốn điều lệ của VietinBank đã tăng từ 48.057 tỷ đồng lên gần 53.700 tỷ đồng.

Bình luận