Ngoài TPHCM, các tỉnh thành nào đang thiếu xăng, dầu và thiếu như thế nào?

(VOH) - Theo Bộ Công Thương, không chỉ TPHCM mà một số tỉnh thành khác cũng đang xảy ra tình trạng thiếu xăng, dầu cục bộ.

Theo thông tin từ Bộ Công Thương và một số địa phương, ngoài TPHCM, hiện có một số tỉnh thành khác cũng đang xảy ra tình trạng thiếu xăng, dầu cục bộ.

TPHCM

Vài ngày qua, trên địa bàn TPHCM có tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ, một số cửa hàng xăng dầu hết hàng tạm thời. Đến 17h chiều ngày 10/10/2022, có 121/550 cửa hàng tạm hết mặt hàng xăng (chiếm 20%). Đồng thời, có một số doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu quy mô lớn gặp khó khăn trong việc bảo đảm nguồn cung và đã được Bộ Công Thương chỉ đạo, hỗ trợ giải quyết khó khăn.

thiếu xăng
Nhiều cửa hàng tại TPHCM tạm hết mặt hàng xăng (Ảnh: HL)

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, Sở Công Thương TPHCM đã làm việc cụ thể với từng thương nhân đầu mối cung ứng xăng dầu (Petrolimex, Saigon Petro, Tây Nam…) đề nghị có phương án bổ sung nguồn cung cho thị trường. Hiện các đơn vị đang cố gắng để tìm nguồn cung ứng cho thị trường Thành phố.

Tỉnh Đồng Nai

Theo thống kê của Cục Quản lý thị trường Đồng Nai, tính đến chiều 11/10, trên địa bàn tỉnh có 105 cửa hàng thông báo hết xăng/dầu hoặc hết cả xăng và dầu (tăng 25 cửa hàng so với hôm qua), trong đó có 16 cửa hàng báo hết xăng và dầu; 4 cửa hàng báo hết dầu còn xăng và 105 cửa hàng báo hết xăng còn dầu.

Theo Sở Công Thương Đồng Nai, tỉnh này hiện có 1 thương nhân đầu mối, 7 thương nhân phân phối và 415 cửa hàng kinh doanh xăng dầu đang hoạt động. Những ngày qua, tình hình cung ứng xăng dầu có nhiều biến động, nguồn cung từ các đầu mối khan hiếm, bị gián đoạn. 

Sở Công Thương đã có văn bản báo cáo và kiến nghị Bộ Công Thương sớm có giải pháp cụ thể hỗ trợ tìm nguồn cung ứng xăng dầu.

Xem thêm: Thiếu hụt xăng dầu tại nhiều nơi: Bộ Công Thương mời doanh nghiệp họp khẩn

Tỉnh Bình Dương

Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh có 140/447 cây xăng đã tạm ngưng hoạt động do không đủ điều kiện hoạt động hoặc chuyển đổi công năng, đã ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, do nguồn cung hạn chế, việc nhập xăng dầu cũng chậm so với ngày bình thường, dẫn đến tình trạng một số cây xăng “hết xăng cục bộ”.

Ngoài ra, việc 140 cây xăng dừng hoạt động đã gây áp lực cho các cây xăng còn lại không kịp nhập hàng để kinh doanh. 

hết xăng
Một cây xăng tại Bình Dương thông báo hết xăng (Ảnh: Báo Bình Dương)

Đến nay, qua kiểm tra, lực lượng quản lý thị trường tỉnh chưa phát hiện hiện tượng cây xăng nghỉ bán để găm hàng, chờ tăng giá. Cục Quản lý thị trường tỉnh tiếp tục xử lý nhanh thông tin đường dây nóng, cũng như từ người tiêu dùng, đồng thời tăng cường phối hợp với Sở Công Thương để làm tốt công tác kiểm tra, thanh tra trong lĩnh vực xăng dầu góp phần bảo đảm ổn định thị trường xăng dầu trên địa bàn.

Tỉnh Bình Phước

Theo thống kê, toàn tỉnh Bình Phước hiện có 392 cơ sở kinh doanh xăng dầu. Từ kỳ điều chỉnh giá ngày 3/10 đến nay, Cục Quản lý thị trường tỉnh nhận được nhiều cuộc gọi, tin báo từ người dân về việc các trạm xăng, dầu tạm ngưng bán do hết hàng, không bán xăng hoặc dầu.

Đến 9 giờ sáng nay (11/10), có 84/293 trạm xăng, dầu hết mặt hàng xăng hoặc dầu. Cụ thể, có 41 trạm xăng dầu hết cả 2 mặt hàng xăng và dầu; 38 trạm hết xăng còn dầu và 5 trạm hết dầu, còn xăng.

Theo ý kiến của thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối trên địa bàn tỉnh: việc điều hành giá của liên Bộ Tài chính - Công Thương chưa đánh giá đúng các chi phí đầu vào trong tình hình hiện nay. Các doanh nghiệp đầu mối lỗ từ khi nhập hàng dẫn đến hạn chế cung cho thị trường, mức chiết khấu đến hệ thống phân phối, cửa hàng bán lẻ được chia sẽ rất thấp, có thời điểm giao 0 đồng/lít, thương nhân phân phối, doanh nghiệp bán lẻ phải chịu lỗ chi phí vận chuyển, mặt bằng, điện, nhân công. Vì thế dẫn đến một số cửa hàng xăng dầu bán lẻ treo biển hết xăng dầu chờ nhập hàng hoặc bán với số lượng hạn chế do doanh nghiệp nhập ít hoặc không nhập (vì càng nhập càng lỗ).

Sở Công Thương Bình Phước đã kiến nghị, đề xuất liên Bộ Tài chính - Công Thương cần kịp thời điều chỉnh phụ phí, chi phí, giải quyết khó khăn và có mức chiết khấu, lợi nhuận dương (+) cho cả chuỗi cung ứng từ doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối và doanh nghiệp bán lẻ; sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu để điều tiết, hỗ trợ cho mục tiêu bình ổn giá bán xăng dầu trong nước đảm bảo phù hợp với diễn biến giá cả thị trường hiện nay. Việc điều chỉnh giá xăng dầu vào kỳ điều chỉnh phải tính toán đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước và doanh nghiệp...

Xem thêm: Hài hoà lợi ích - Cái gốc câu chuyện xăng dầu

Tỉnh An Giang

Theo báo cáo của Sở Công Thương An Giang, Sở đã tiếp nhận 24 thông báo tạm dừng kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, trong đó, Sở Công Thương chỉ chấp thuận cho 02/559 cửa hàng xăng dầu tạm dừng kinh doanh (chiếm 0,35%) do đường giao thông đang sửa chữa, 22 cửa hàng còn lại vẫn đang hoạt động bình thường.

Trên địa bàn tỉnh An Giang có 30/559 vẫn mở cửa bán hàng nhưng không có xăng để bán (chiếm 5%). Nguyên nhân do giao thông đi lại khó khăn nên các thương nhân kinh doanh xăng dầu cung cấp hàng chậm hoặc do chiết khấu thấp nên các đại lý ngừng lấy hàng.

Trước tình hình trên, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các thương nhân kinh doanh xăng dầu khẩn trương cung cấp hàng cho các đại lý bán lẻ xăng dầu.

Tỉnh Hậu Giang

Tính đến 14h ngày 10/10/2022, tỉnh Hậu Giang có 21/211 cửa hàng bán lẻ xăng dầu hết xăng, dầu (chiếm 9%); 07 cửa hàng bán lẻ xăng dầu hết xăng, còn dầu (chiếm 3%) và có 1 số thương nhân đang gặp khó khăn do không mua được hàng hóa từ các đầu mối xăng dầu để cung cấp cho hệ thống.

Sở Công Thương Hậu Giang đã kiểm tra, nhắc nhở và cho các công ty viết cam kết đảm bảo cung cấp xăng dầu cho cửa hàng trực thuộc và duy trì cho hệ thống cửa hàng bán lẻ; Cục Quản lý thị trường tỉnh tiếp tục chỉ đạo các Đội quản lý thị trường tăng cường công tác quản lý địa bàn, giám sát 24/24 giờ các đại lý, cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn.

Tỉnh Ninh Thuận

Trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận có 05/128 cửa hàng xăng dầu đóng cửa (chiếm 3,9%). Nguyên nhân đóng cửa là không mua được đủ hàng (đặc biệt là mặt hàng RON 95) từ các đầu mối cung cấp hàng, chiết khấu thấp.

Ngoài ra, Sở Công Thương Ninh Thuận cũng nhận được 8 đơn đề nghị ngừng bán hàng của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên Sở chưa có văn bản chấp thuận, các cửa hàng vẫn đang hoạt động cầm chừng.

Đồng thời, có một số cửa hàng xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của Công ty CP Kinh doanh tổng hợp, Công ty TNHH MTV Xăng dầu Dương Đông – Miền Trung, Công ty xăng dầu Quân đội khu vực 3 đang hoạt động với việc thiếu cục bộ nguồn xăng hoặc dầu.

Thực hiện các chỉ đạo của Bộ Công Thương: (i) Sở Công Thương đã đi kiểm tra thực tế tại các cửa hàng và ghi nhận tình hình. Đồng thời, ngày 8/10/2022, Sở Công Thương đã tổ chức cuộc họp với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn. Nội dung cuộc họp về tình hình cung ứng xăng dầu và chia sẻ khó khăn giữa các doanh nghiệp; (ii) Đối với 5 cửa hàng bán lẻ xăng dầu hiện đóng cửa, các công ty đang làm thủ tục chuyển đổi nhà cung cấp mới và sẽ hoạt động trở lại sau khi thực hiện xong thủ tục.

Tỉnh Đắk Lắk

Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có 09/475 cửa hàng tạm dừng hoạt động do hết xăng, dầu (chiếm 1%); 15 cửa hàng vẫn hoạt động nhưng hết xăng hoặc dầu.

Qua rà soát, ghi nhận 24 cửa hàng bán lẻ xăng dầu nêu trên thuộc hệ thống phân phối của một số thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu, cụ thể: Công ty CPTM Dịch vụ Năng lượng Hoàng Gia, Công ty TNHH Nhân Đạt, Công ty CP Xăng dầu dầu khí Vũng Tầu, Công ty TNHH Xăng dầu Cường An, Công ty CPTM dầu khí Đồng Nai, Công ty TNHH Thương mại Xăng dầu Tuấn Hùng, Công ty Xăng dầu Nam Tây Nguyên…

Theo đại diện Công ty Xăng dầu Nam Tây Nguyên, nhu cầu mua xăng của người dân đang tăng cao thời điểm này. Sản lượng xăng bán ra tại đơn vị đang tăng 30 - 40% so với ngày thường, điều này càng tạo áp lực lên nguồn cung cho đơn vị. Tuy nhiên, đơn vị vẫn bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho hệ thống các cửa hàng và thương nhân nhận quyền bán lẻ trực thuộc, phục vụ người dân ở mức tiêu thụ bình thường.

Cục Quản lý thị trường Đắk Lắk đang tiếp tục theo dõi, bám sát tình hình nguồn cung xăng dầu trên thị trường tỉnh. Cục liên tục bố trí lực lượng kiểm tra, vận động các cây xăng không nghỉ bán, găm hàng hoặc tăng giá. 

Bình luận