Nhận diện, đẩy lùi hoạt động tín dụng đen

(VOH) - Đơn giản hoá thủ tục hành chính để cung ứng vốn cho khách hàng cá nhân, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa để đẩy lùi tín dụng đen.

Tại tọa đàm "Nhận diện, đẩy lùi hoạt động tín dụng đen" do Báo Người Lao Động tổ chức sáng 20/1, các ngân hàng thương mại, công ty tài chính cho biết đang đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, đơn giản hoá thủ tục hành chính để cung ứng vốn cho khách hàng cá nhân, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa để đẩy lùi tín dụng đen.

tín dụng đen

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước – Đào Minh Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước đang đẩy mạnh, phát triển các công ty tài chính có sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước để dần xóa bỏ vấn nạn tín dụng đen.

Ngân hàng, các tổ chức tài chính đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, đơn giản hoá thủ tục

Đại diện ngân hàng, ông Phạm Toàn Vượng, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) cho biết, tính đến cuối năm 2020, ngân hàng đã tiếp tục cung ứng 1,6 triệu tỉ đồng nguồn vốn cho nền kinh tế. Bình quân mỗi tháng là gần 135.000 tỉ đồng. Dư nợ cho vay khách hàng cá nhân gần 840.000 tỉ đồng, tăng trưởng hơn 7%, trong đó dư nợ cho vay tiêu dùng đạt gần 250.000 tỉ đồng.

Nhận diện, đẩy lùi hoạt động tín dụng đen 2

Đại diện công ty Tài chính nêu các giải pháp đẩy lùi tín dụng đen.

Để triển khai các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng tiêu dùng đối với khách hàng cá nhân, hộ gia đình và các giải pháp góp phần hạn chế tín dụng đen, ông Phạm Toàn Vượng, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) cho hay, ngân hàng đã ưu tiên xét duyệt và giải ngân trong ngày khi nhận được đầy đủ bộ hồ sơ hợp lệ đối với các mục đích tiêu dùng hợp pháp, cấp thiết, có nhu cầu vốn không quá 30 triệu đồng…

“Với Agribank, Ngân hàng Chính sách thì theo số liệu khảo sát, có khoảng hơn 20 triệu hộ khách hàng có nhu cầu vay vốn, trong đó Agribank 3,7 triệu khách hàng và Ngân hàng Chính sách thì 15 triệu khách, cơ bản đáp ứng cơ bản yêu cầu mọi tín dụng chính đáng của các cá nhân, khách hàng trong mọi vùng, nhất là vùng xa xôi hẻo lánh", ông Vương thông tin.

Với công ty tài chính, ông Nguyễn Thành Phúc - Phó Tổng Giám đốc Công ty Tài chính Trách nhiệm hữu hạn một thành viên - Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit), cho hay, hiện doanh nghiệp này có khoảng 15 triệu khách hàng. Mỗi tháng công ty cho vay mới từ 4.500 tỉ đồng đến 7.000 tỉ đồng. Theo thống kê, FE Credit chiếm 50% thị phần các công ty tài chính tiêu dùng và 50% thị phần còn lại thuộc về các công ty cho vay khác. Có thể thấy số lượng tiền cho vay của các công ty là rất lớn và khách hàng của FE Credit là những người không thể vay từ ngân hàng. Điều này cho thấy vai trò của các công ty tài chính đối với nhu cầu vốn tiêu dùng của người dân. Ông Nguyễn Thành Phúc đề xuất: “Ở khía cạnh là công ty tài chính cho vay tiêu dùng, thì mình nên làm tốt hơn để khách hàng lựa chọn mình”.

Trong khi đó, đại diện công ty tài chính Home Credit - ông Trịnh Bá Việt Xô, Trưởng phòng quản lý kinh doanh và phát triển đối tác cho hay, doanh nghiệp luôn nỗ lực đem lại giải pháp tài chính an toàn, phục vụ nhu cầu  mua sắm, tiêu dùng thiết yếu của người dân. Theo đó, Home Credit đã đơn giản hóa quy trình vay, áp dụng công nghệ, chấm điểm bằng công nghệ, qua đó thẩm định khoản vay và cho vay một cách nhanh chóng, an toàn, chính xác. Đồng thời, quá trình nhắc nợ không dùng con người mà sử dụng tin nhắn trên mobile app, giúp người cho vay không trễ thời hạn thanh toán. Cùng với đó, chăm sóc khách hàng, nâng cao chất lượng sản phẩm, kết hợp với các đơn vị bán lẻ để hỗ trợ người tiêu dùng mua sắm thuận tiện các thiết bị điện tử, gia dụng…

Cần ngăn chặn tận gốc

Đề xuất giải pháp, đại diện ngân hàng Nam A Bank, cho rằng cần ngăn chặn tận gốc, như siết chặt cho vay ngang hàng (P2P lending) ở một số quốc gia đang bị siết chặt và tìm cách sang nước khác, trong đó có Việt Nam. Trong khi đó, để hạn chế tín dụng đen, đại diện Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank), kiến nghị các ban, ngành, địa phương phối hợp với ngành ngân hàng đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; chỉ đạo các sở, ban, ngành, chính quyền các cấp, đặc biệt chính quyền cấp quận, xã, phường,…phối hợp với ngành ngân hàng hỗ trợ người dân tiếp cận các chương trình tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng. Đồng thời, hỗ trợ ngành ngân hàng trong quá trình xác minh nhu cầu vốn tiêu dùng chính đáng, cấp bách của người dân nhằm hạn chế người dân tìm đến các nguồn vốn không chính thức. 

Nhận diện, đẩy lùi hoạt động tín dụng đen 3

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và các lãnh đạo ngân hàng thương mại

Năm 2020 Vietinbank đã dành gần 5.000 tỉ đồng thông qua cắt giảm lợi nhuận để hỗ trợ lãi suất và giảm, miễn phí, đồng hành, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và người dân ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. VietinBank đã cho vay mới hơn 400 ngàn tỉ đồng cho hơn 7.000 khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh; hỗ trợ hạ lãi suất với mức hạ lãi suất phổ biến 2% - 2,5%/năm cho gần 7.800 khách hàng với dư nợ được miễn giảm lãi suất gần 280 ngàn tỉ đồng.

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước – Đào Minh Tú, để ngăn chặn, đẩy lùi tín dụng đen, Ngân hàng Nhà nước đang đẩy mạnh, phát triển các công ty tài chính có sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước để dần xóa bỏ vấn nạn này. “Chúng tôi đã và đang triển khai nhiều giải pháp cho các tổ chức tài chính, kể cả các tổ chức tài chính vi mô, cho vay tiêu dùng để làm sao có được nhiều sản phẩm, có nhiều mạng lưới tiếp cận cách thuận lợi, dễ dàng những thủ tục cho người dân khi có nhu cầu vay chính đáng, phục vụ cho các nhu cầu đột xuất. Năm 2019, 2020 chúng tôi cũng đã có một số chấn chỉnh, chỉ đạo đối với các công ty tài chính trong vấn đề thu nợ, lãi suất, phạm vi và cách thức cho vay tiêu dùng để làm sao vừa phục vụ thuận lợi, tất nhiên phải đảm bảo an toàn cho các tổ chức khi cho vay tín dụng”, ông Tú cho biết thêm.

Các đối tượng cho vay thường núp bóng doanh nghiệp

Có thể thấy, hoạt động tín dụng "đen'' thời gian qua thông qua nhiều phương thức, thủ đoạn như quảng cáo trên mạng, phát tờ rơi vay tiền không cần gặp mặt để đối phó với cơ quan công an, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh trật tự. Đặc biệt, nổi lên các băng nhóm tội phạm hoạt động cho vay lãi nặng tại những nơi đông dân cư, chợ, bến tàu, bến xe...

Theo thống kê của Công an TP HCM, trong 6 tháng đầu năm 2019 trên địa bàn thành phố án trực tiếp phát sinh liên quan hoạt động tín dụng "đen" xảy ra 9 vụ gồm: cưỡng đoạt tài sản (1 vụ), cố ý gây thương tích (3 vụ), bắt giữ người trái pháp luật (2 vụ), hủy hoại tài sản (3 vụ). Ngoài ra, đã phát sinh các vấn đề về an ninh trật tự gián tiếp từ 210 vụ việc người dân trình báo bị các đối tượng lạ mặt ném chất bẩn vào nhà, gọi điện đe dọa. Các nhóm đối tượng chuyên cho vay lãi nặng thường núp bóng doanh nghiệp. Theo Thiếu tá Trịnh Khánh Hùng, Công an TP.HCM có nhiều giải pháp, khuyến cáo đến người dân về hoạt động tín dụng đen. Người dân cần cảnh giác trước các chiêu trò, không tiếp cận các app cho vay mà hãy tiếp cận các nguồn vay chính thống. Công an TP HCM đã lên kế hoạch rà soát các công ty có hoạt động tín dụng trên địa bàn thành phố, rà soát các công ty đòi nợ thuê; phối hợp với công an quận, huyện kiểm tra các tiệm cầm đồ, những khu dân cư, chung cư  có khả năng các băng nhóm thuê làm nơi cư ngụ và làm trụ sở.