Cần xử lý triệt để tín dụng đen

(VOH) - Không chỉ các công ty là nạn nhân, mà nhiều người dân vô can cũng đứng ngồi không yên vì bỗng dưng bị “khủng bố đòi nợ”.

Trăm kiểu “khủng bố” người vay

Mặc dù cơ quan công an từng nhiều lần khẳng định hành vi đòi nợ bằng cách ném mắm tôm, tạt sơn, dọa giết... là vi phạm pháp luật và khẳng định sẽ mạnh tay xử lý. Tuy nhiên, ngay trong mùa dịch COVID-19, nạn đòi nợ kiểu “xã hội đen” lại tái diễn.

Mới đây, một công ty bất động sản có trụ sở chính tại đường Phan Đăng Lưu (P.7, Q.Phú Nhuận) đã gửi đơn, hình ảnh đến Công an TPHCM cầu cứu vì bị một công ty đòi nợ liên tục khủng bố tinh thần, ép phải trả nợ.

Quảng cáo cho vay dán gắp nơi

Một vụ việc khác là vào đầu tháng 4/2020, bà Nguyễn Thị Thúy (P.Tân Quý, Q.Tân Phú) gửi đơn cầu cứu đến Công an quận Tân Phú vì liên tục bị nhóm xã hội đen đe dọa, khủng bố tinh thần ép buộc phải trả nợ thay cho chồng. Không chỉ gọi điện cả trăm cuộc mỗi ngày mà chúng liên tục đến nhà dùng hung khí, lớn tiếng đe dọa giết con cái và cả gia đình nếu không trả tiền.

Trước đó, chị Trần Thúy Liễu (Q.1), giữa tháng 6/2019 có vay 250 triệu đồng, đóng hơn 7 triệu đồng/tháng gồm tiền gốc lẫn lãi. Đầu năm 2020, do chậm đóng tiền, chị bị nhiều số điện thoại gọi điện, nhắn tin đe dọa cả ngày lẫn đêm.

Điện thoại đến cơ quan, người thân, đồng nghiệp của chị liên tục nhận cuộc gọi đòi nợ, chửi bới, gửi hình ảnh xúc phạm khiến chị lo lắng, dẫn đến trầm cảm.

Cũng là nạn nhân của tín dụng đen, chị Saly Kho, dân tộc Chăm (X.Phong Phú, H.Bình Chánh) kể, không riêng gì chị mà rất nhiều chị phụ nữ dân tộc Chăm hiện nay mất nhà vì vay tín dụng đen chỉ sau vài tháng.

Chị cho biết: “Bây giờ cần vốn bán ngày mai phải mượn, qua giới thiệu, vay 1 triệu thì bị người ta ăn cò hết 500 ngàn, vay 5 triệu thì ngày góp 200.000 đồng, có chỗ lấy 400.000 đồng, có chỗ cao hơn. Rồi góp từ từ lên, làm riết rồi lấy giấy tờ nhà đưa cho nó cầm, chừng 6, 7 tháng chồng lãi mẹ đẻ lãi con rồi nó lấy nhà mình trừ. Mình không bán được cho người khác mà phải bán qua nó. Nó trừ tới trừ lui người dư được chục triệu, người dư 100, 200 thì cũng chỉ ở nhà mướn”.

Ông Nguyễn Văn Hải (P.3, Q.Gò Vấp), người từng chứng kiến nhiều vụ việc dính dáng đến tín dụng đen và bị đòi nợ theo kiểu “giang hồ” cho rằng: Khó mà biết được ai đi vay tín dụng đen. Chỉ khi thấy bị tạt sơn, bị nhóm người đến đe dọa, gây rối thì mới biết.

Ông Hải kể: “Vụ thứ nhất là bốn, năm đối tượng xăm trổ, cầm dao, mã tấu đến uy hiếp người không có trách nhiệm vay, gây rối trật tự trị an. Vụ thứ hai là hơn 1 giờ sáng chúng đến nhà kế nhà bà Tổ phó Tổ dân phố, kêu hoài người ta không ra, rồi bọn chúng phang cho 1 đoạn cây sắt dài 2 gang làm vỡ kính. Tìm hiểu ra thì người này không biết vay bao nhiêu, mà đối tượng vay này chỉ là người đến thuê nhà”.

Làm sao “trị” tín dụng đen?

Tại hội nghị chuyên đề “Nhận diện và giải pháp phòng ngừa, đẩy lùi tệ nạn “tín dụng đen” trên địa bàn thành phố” diễn ra mới đây, Thượng tá Phạm Đình Ngọc, Phó Trưởng phòng PC02, Công an TPHCM thông tin, trên địa bàn Thành phố có gần 1.000 đối tượng cho vay nặng lãi. Có 94 băng nhóm với 338 đối tượng cấu kết thành băng nhóm hoạt động thành quy mô làm cho tình hình an ninh trật tự trên địa bàn rất phức tạp.

Gắn với các đối tượng cho vay nặng lãi là các băng nhóm đòi nợ. Trên địa bàn Thành phố có 77 công ty đòi nợ thuê. Các công ty này đa số là đòi nợ trái pháp luật và nấp đằng sau đó có bóng dáng của các băng nhóm tội phạm, chủ yếu tham dự vào việc tranh chấp dân sự, đòi nợ thuê.

Nếu người vay không trả tiền lãi đúng thỏa thuận, các nhóm đòi nợ sẽ tìm đến nhà. Không tìm được người vay, chúng sẽ tìm đến gia đình, người thân để khủng bố tinh thần, chiếm đoạt tài sản.

Thượng tá Phạm Đình Ngọc chia sẻ: “Thường tín dụng đen cho vay từ 3 đến 5%/ngày và cho vay từ 1 đến 10 triệu. Ngay khi cho vay đối tượng đã cắt một khoản tiền gọi là khoản lệ phí cho vay với mục đích là bước đầu đã thu được khoản lãi rồi, và vì nhu cầu vay vốn nên bắt buộc người ta phải vay. Thứ hai là nó né tránh cơ quan pháp luật khi bị bắt. Đặc biệt thời gian gần đây nổi lên việc lợi dụng công nghệ cao cho vay tín dụng thông qua không gian mạng”.

Với thủ tục đơn giản, không cần thế chấp tài sản, tín dụng đen ngày càng bùng phát, hoành hành và phát triển dưới nhiều hình thức, len lỏi khắp các khu dân cư. Tín dụng đen ngày càng tinh vi, biến tướng và núp bóng dưới pháp nhân các công ty thương mại, tổ chức tín dụng, ngân hàng... Người vay chỉ cần vài cú “click chuột” là tiền đã chảy vào tài khoản.

Thượng tá Phạm Đình Ngọc cho hay: người đi vay tín dụng đen đa số không có khả năng hoàn trả, những người có nhu cầu bức thiết trong cuộc sống; các đối tượng tham gia các hoạt động trái pháp luật như cờ bạc, ma túy, các tổ chức buôn lậu…

Không ít người đi vay mà không biết cách tính lãi và chưa kịp nhận ra đó là hình thức vay nặng lãi, trong khi tín dụng đen là hoạt động ngầm nên việc quản lý và nắm bắt thông tin gặp rất nhiều khó khăn, nhiều vụ việc chỉ khi đổ bể mới bị phát hiện nhưng rất khó xử lý vì không tìm được chứng cứ,các đối tượng vi phạm hầu hết là người từ các tỉnh phía Bắc, không có nơi ở cố định nên khó xác minh lai lịch, cũng không mời lên làm việc được.

Theo Thượng tá Phạm Đình Ngọc: “Đối tượng cho vay lãi nặng rồi khi người vay không trả thì bị khống chế, đánh đập. Tất cả chứng cứ đều do người vay phản ánh sau khi đã bị siết nợ rồi và không có nhân chứng. Chúng tôi làm việc thì thu được ở nhà các đối tượng cho vay nặng lãi các loại hung khí, súng côn. Nhóm đối tượng nuôi ăn ở nhóm chuyên cho đi vay và đòi nợ thôi. Chúng cho vay nhưng không có giấy tờ gì hết nên mình không thu thập được gì, bị hại thì không hợp tác nên đành thôi và chỉ xử lý hành vi tàng trữ vũ khí quân dụng”.

Bà Huỳnh Kim Loan – Ủy viên Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ Quận 12, cho biết: các đối tượng cho vay thường dán quảng cáo khắp nơi với nội dung cho vay nhanh không thế chấp, khiến rất nhiều chị em vướng vào tín dụng đen.

Bà Huỳnh Kim Loan cho biết: “Có những chị em vay nặng lãi, bị đòi nợ, áp chế tinh thần. Hội phải đến can thiệp, nắm thông tin và báo ngay với lực lượng dân phố hoặc Công an khu vực để kịp thời đến và ngăn chặn những trường hợp đó. Tuy nhiên có những trường hợp vay họ gọi điện là có liền nhưng lãi suất rất cao. Rồi cứ vay đầu này, trả đầu kia, mượn đầu nọ, đắp riết rồi có những trường hợp phải bán cả nhà và ra ở nhà trọ”.

Theo một cuộc khảo sát của Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM thực hiện liên quan đến việc chơi hụi và vay tín dụng đen, có trên 45% không biết đến các nguồn vốn vay của Hội. Hội cũng dự báo nhu cầu về vốn của doanh nghiệp và cá nhân chắc chắn sẽ gia tăng nhanh chóng khi dịch COVID-19 lắng xuống để phục hồi cuộc sống, phục hồi sản xuất kinh doanh, nhưng không phải ai cũng có đủ khả năng, điều kiện để vay vốn...

Để giúp chị em không phải tìm đến tín dụng đen, Hội đã triển khai nhiều nguồn vốn vay với mức vay tối đa 50 triệu đồng. Thủ tục vay cũng ngày càng được tinh giản nhằm giải quyết nhanh chóng. 

Bà Triệu Lệ Khánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM, Phó Trưởng ban chỉ đạo chương trình phối hợp 478 thuộc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP và Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM cho biết những giải pháp sắp tới: “Cần tạo được niềm tin trong nhân dân để sẵn sàng tố giác tội phạm, giúp các cơ quan chức năng kịp thời xử lý. Thông qua tố giác đó chúng tôi cũng mong muốn cơ quan Công an có những cơ chế để bảo vệ người tố giác tội phạm. Từ đó tạo được niềm tin của người dân. Không chỉ là người ngoài cuộc mà kể cả người trong cuộc khi lỡ vay tín dụng đen thì cũng sẵn sàng cùng với cơ quan chức năng tố giác và kịp thời xử lý, triệt phá”.

Thời gian qua, các đơn vị công an đã nỗ lực trấn áp nạn “tín dụng đen”, nhưng kết quả chưa như mong đợi. Để khống chế được hoàn toàn vấn nạn này, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của nhiều cấp, ngành.

Khinh suất phòng chống dịch, nguy hại gấp bội phần! - Sự chủ quan, lơ là, hay khinh suất với dịch COVID-19 đều vô cùng nguy hiểm, tác hại khó lường.

Giãn cách xã hội: Vũ khí hiệu quả chống COVID-19 - Với khoảng 4 tỷ người, tương đương hơn 50% dân số thế giới đang thực hiện yêu cầu ở nhà theo các quy định về cách ly xã hội, đây được xem là biện pháp tối ưu và hiệu quả để chống dịch ...

Bình luận