Nhiều sản phẩm mới, chất lượng tại chương trình kết nối giao thương

(VOH) - Đây là hoạt động thuộc Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại năm 2022

Nhiều loại đặc sản miền Tây, miền Đông đang có mặt tại công viên Lê Văn Tám (Quận 1) trong chương trình kết nối giao thương giữa nhà cung cấp vùng đồng bằng sông Cửu Long với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại. Các sản phẩm đều đạt chuẩn OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm).

Theo ông Võ Minh Trí - chuyên viên phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương, TP Cần Thơ)  tham gia kết nối giao thương, TP Cần Thơ đem đến các sản phẩm đặc trưng về cá của thành phố và các đơn vị khởi nghiệp sản xuất về dược trà. “Chúng tôi hi vọng sẽ kết nối giao thương với các đối tác nhằm đưa sản phẩm của đơn vị mình để đưa tới các thị trường trong và ngoài nước. Những sản phẩm của chúng tôi đều có nguồn gốc tự nhiên, trước đây có giá trị thấp nhưng dưới ý tưởng và tâm huyết khởi nghiệp của doanh nghiệp đã biến những sản phẩm này trở thành các mặt hàng có giá trị cao”  - ông Trí nói.

Nhiều loại đặc sản khác như gạo tím, nước mắm truyền thống, mắm tôm chà, mắm tép các loại… và những sản phẩm chế biến từ nguyên liệu quen thuộc của các tỉnh thành, đều được đưa về TPHCM để giới thiệu với người tiêu dùng. Anh Trần Minh Hiển - đại diện công ty MTV TNHH Đức Thành (TP Cần Thơ) giới thiệu sản phẩm mới làm từ cá tra như: khô cá tra phi lê, cá phi lê chiên phồng, mắm cá tra và khô cá tra sấy chín ăn liền có thương hiệu Kocana. “Đây đều là những sản phẩm chúng tôi đa dạng hóa sau chế biến thịt cá tra. Tất cả các sản phẩm này đều làm từ thịt cá tra đạt chuẩn OCOP 4 sao và công ty mong muốn sắp tới ngoài bán ở thị trường trong nước, công ty sẽ xuất khẩu những sản phẩm mới ra thị trường thế giới”, anh Hiển cho biết thêm.

Không chỉ giới thiệu đặc sản địa phương là các sản phẩm làm từ sữa chua dê, hợp tác xã nông nghiệp Đông Nghi (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) giới thiệu khách tham quan mô hình nông trại dê sữa gắn du lịch nông nghiệp. Theo ông Lê Trần Cư (đại diện HTX) cho biết, HTX có gần 3 héc ta chia làm 3 khu vực: nhà ở, khu trang trại nuôi hơn 300 con dê Saanen và khu vực trồng cỏ, cây ăn trái. HTX sẽ tổ chức đưa đón khách du lịch theo tour trải nghiệm từ tham quan trang trại nuôi dê sữa đến thưởng thức những sản phẩm làm từ sữa dê giàu dinh dưỡng và dược tính. Ông Cư cho biết thêm: “HTX đem đến đây trưng bày các sản phẩm sấy thăng hoa từ sữa dê, kết hợp với các loại trái cây nhiệt đới cho ra nhiều viên sữa dê sấy thăng hoa mùi vị khác nhau. Đây là sản phẩm chúng tôi nghĩ ra trong đại dịch Covid-19, khi lượng sữa tươi tồn ứ, không tiêu thụ kịp do dịch bệnh. Việc sấy thăng hoa sữa dê thành loại bột khô giúp sản phẩm để lâu mà mùi vị vẫn nguyên vẹn” .

Ngoài các đơn vị đến từ các tỉnh miền Tây, hội chợ giao thương còn có sự tham gia của các tỉnh thành phố như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh.

Nhiều sản phẩm mới, chất lượng tại chương trình kết nối giao thương 1
Khách hàng tham quan và quan tâm đến các sản phẩm của doanh nghiệp

Tỉnh Bình Dương đem đến đặc sản hàng thủ công mỹ nghệ là gốm sứ và sơn mài. Ông Trương Tư (chủ doanh nghiệp Như Ngọc, TP Thuận An) đem đến sự kiện bộ bàn ghế có phần mặt làm bằng gốm ghép hoa văn, giá trung bình một bộ 7 triệu đồng. “Sau khi kham thảo các bộ bàn ghế gốm sứ từ châu Âu, tôi nghiên cứu thiết kế bộ bàn ghế gốm sứ theo kích thước phù hợp cho người Việt Nam. Ngoài phần khung sắt thì toàn bộ gốm đều làm thủ công, hoa văn của gốm đều do tôi thiết kế và giao thợ thi công. Sản phẩm nếu dùng kĩ, tránh mưa bão làm ngã bể mặt gốm thì sử dụng lâu bền” - ông Tư khẳng định về chất lượng sản phẩm của công ty.

Trong 3 năm dịch bệnh diễn ra, nhiều DN gặp khó khăn không thể bán được hàng, như trường hợp công ty sơn mài Đinh Thiệu (Bình Dương) chưa thể hồi phục lại được. Ông Đinh Công Thiệu - chủ công ty cho biết, những cửa hàng kinh doanh sơn mài chưa có khách nên không đặt hàng công ty, thậm chí hàng họ đặt ông sản xuất rồi cũng không lấy. “Để duy trì nghề, chúng tôi chủ yếu bán cho khách lẻ, mua những sản phẩm đồ gia dụng. Lần này, tôi đem trưng bày các món hàng sơn mài hiếm, cẩn khảm trai công phu. Nói hiếm vì hiện nay những thợ lành nghề cẩn, khảm sơn mài không còn được mấy người nên thành ra sản xuất mặt hàng này rất khó” - ông Thiệu chia sẻ.

Chương trình kết nối giao thương nhà cung cấp vùng Đồng bằng Sông Cửu Long với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại. Chương trình được Bộ Công Thương giao Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với Sở Công Thương, các Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư của các địa phương khu vực phía Nam tổ chức. Đây là hoạt động thuộc Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại năm 2022, nhằm đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế, kết nối cung cầu giữa các doanh nghiệp địa phương với các nhà phân phối, doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài.