Sáng 8/9, “Hội nghị tìm kiếm tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ năm 2022” do Sở Công Thương TPHCM phối hợp cùng Ban quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp Thành phố (HEPZA) và Ban quản lý khu công nghệ cao (SHTP) tổ chức.
Tại lễ khai mạc, Phó chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan phát biểu: ”Thành phố mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ của các nhà đầu tư nước ngoài tham gia các hoạt động kết nối cung cầu của thành phố với các doanh nghiệp để thành phố phát triển mạng lưới các nhà sản xuất có năng lực, làm nền tảng phát triển công nghiệp bền vững. Trong những năm qua, TP đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố liên kết cung ứng cho các tập đoàn đa quốc gia, để tiếp nhận chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm quản trị sản xuất và từng bước hiện đại hóa sản xuất trong nước tiến tới tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng hành cùng các doanh nghiệp trong quá trình đổi mới công nghệ mở rộng sản xuất. Ngoài ra các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ sẽ được học hỏi từ các doanh nghiệp FDI về trình độ quản lý, sản xuất, tạo động lực để đổi mới công nghệ mở rộng sản xuất, tham gia hiệu quả hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu”.
Đây là lần thứ 5 thành phố duy trì tổ chức sự kiện này nhằm cập nhật nhu cầu thị trường, công nghệ sản xuất mới, các tiêu chuẩn mới từ các nhà mua hàng là các công ty đầu tư nước ngoài (FDI) và các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đầu cuối...luôn có nhu cầu nội địa hóa, mở rộng chuỗi cung ứng, phát triển các chuỗi sản xuất giá trị toàn cầu. Sự kiện năm nay đã nhận được sự tham gia và hưởng ứng tích cực của 20 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đầu cuối và sự tham dự kết nối của hơn 130 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cùng hơn 300 cuộc kết nối trực tiếp tại hội nghị.
Tại sự kiện kết nối ông Trần Bá Linh - Giám đốc sản xuất Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang, đại diện cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, tham gia chương trình với tư cách là Nhà mua hàng (Buyer) cho biết, ngành công nghiệp điện tử còn nhiều hạn chế cần cải thiện vì vậy, Điện Quang luôn triển khai và thúc đẩy kết nối với tập đoàn công nghệ khác để đem lại nhiều giá trị thiết thực,đóng góp vào sự phát triển của ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam. Hiện nay, Điện Quang với 5 nhà máy được đầu tư dây chuyền sản xuất đồng bộ và hiện đại, đã và đang lắp đặt, đưa vào vận hành dây chuyền đóng gói chip LED, dây chuyền SMT dán chip và sản xuất driver - board mạch, dây chuyền lắp ráp tự động đèn LED các loại, thiết bị phòng thử nghiệm tiên tiến, tự động hóa cao từ các nước tiên tiến, như Nhật Bản, Đức... Với tổng năng lực sản xuất 140 triệu sản phẩm một năm, Điện Quang hoàn toàn làm chủ công nghệ sản xuất chip LED, khép kín chuỗi sản xuất từ khâu nguyên liệu đầu vào đến thành phẩm ra thị trường. Đây là tín hiệu vui về việc doanh nghiệp Việt tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương cũng cho hay, trong những lần kết nối trước đã thu hút 96 doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đầu cuối, có 1.320 cuộc tiếp xúc trực tiếp với 370 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam có sản phẩm cung ứng phù hợp. Số lượng các nhà mua hàng, nhà bán hàng và các cuộc kết nối tăng dần qua từng năm cho thấy hội nghị ngày càng có tầm ảnh hưởng và phát huy đúng vai trò kết nối, tạo cơ hội thị trường cho các doanh nghiệp liên kết cùng phát triển mở rộng sản xuất.
Cũng theo Sở Công Thương, chương trình năm nay có bố trí các khu vực trưng bày gồm: Khu trưng bày các “Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ”, Khu trưng bày “Linh kiện cần tìm kiến nhà cung cấp” của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đầu cuối, Khu trưng bày của các đơn vị mạng lưới công nghiệp hỗ trợ. Bên cạnh đó là tổ chức cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thành phố đi tham quan tại nhà máy.