Công ty tiếp tục vật lộn sau đợt tăng trưởng ngắn ngủi do đại dịch, khi nhu cầu nấu ăn tại nhà tăng lên thúc đẩy nhu cầu về các hộp nhựa kín khí nhiều màu sắc của công ty.
Chi phí nguyên liệu thô như nhựa tổng hợp, cũng như nhân công và vận chuyển tăng vọt sau đại dịch đã làm giảm thêm biên lợi nhuận của Tupperware.
"Trong vài năm trở lại đây, tình hình tài chính của công ty bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi môi trường kinh tế vĩ mô đầy thách thức", Tổng giám đốc điều hành Laurie Goldman cho biết trong một thông cáo báo chí.
Bloomberg đưa tin, Tupperware đã có kế hoạch nộp đơn xin phá sản sau khi vi phạm các điều khoản nợ và phải nhờ đến cố vấn pháp lý và tài chính.
Theo hồ sơ phá sản tại Tòa án Phá sản Hoa Kỳ tại Quận Delaware, công ty này niêm yết tổng tài sản ước tính từ 500 triệu đến 1 tỷ đô la và tổng nợ ước tính từ 1 tỷ đến 10 tỷ đô la, cho thấy số lượng chủ nợ nằm trong khoảng từ 50.001 đến 100.000.
Tupperware đã cố gắng xoay chuyển tình hình kinh doanh của mình trong khoảng 4 năm nay sau khi báo cáo doanh số bán hàng giảm trong 6 quý liên tiếp kể từ quý 3/2021.
Vào năm 2023, công ty đã hoàn tất thỏa thuận với các chủ nợ để tái cấu trúc các nghĩa vụ nợ của mình và ký hợp đồng với ngân hàng đầu tư Moelis & Co để tìm hiểu các giải pháp thay thế mang tính chiến lược.
Theo trang web Tupperware Việt Nam, Tập đoàn Tupperware Brands hiện có hơn 7.000 nhân viên trên khắp thế giới. Hiện tại, các sản phẩm của Tupperware cũng được phân phối tại Việt Nam.