Chờ...

Nhà mạng sẵn sàng hạ tầng triển khai tiền di động - mobile money

(VOH) - Thanh toán điện tử hay còn gọi Mobile Money góp phần rất lớn trong việc phát triển nền kinh tế, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng cho người dân, doanh nghiệp.

Qua đó góp phần thúc đẩy thanh toán không tiền mặt. Bên cạnh những mặt tích cực, các chuyên gia cho rằng cũng cần hành lang pháp lý đủ chặt để kiểm soát rủi ro, sớm hoàn thiện những dữ liệu quốc gia để tạo tính liên thông, hệ sinh thái liên kết giữa các tổ chức tín dụng với các đơn vị cung ứng dịch vụ Dịch vụ tiền điện tử trên thuê bao di động (mobile money) và bên thứ ba khác. VOH phỏng vấn Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia; Ủy viên Ủy ban Quốc gia về Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương; Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV- Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV. 

Triển khai tiền di động, thúc đẩy nền kinh tế không tiền mặt 1
Ảnh minh họa: PN

VOH: Thưa ông, việc Chính phủ triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money sẽ đem lại lợi ích gì cho người dân và nền kinh tế?

Tiến sĩ Cấn Văn Lực: Chúng tôi là người đề xuất ý tưởng này từ rất sớm cách đây khoảng 3 năm. Đây là xu thế tất yếu, góp phần tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng cho người dân, doanh nghiệp, nhất là những người dân mà chưa có tài khoản ngân hàng. Thứ ba, góp phần thúc đẩy thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam vốn dĩ vẫn còn tỉ trọng tương đối cao so với khu vực. Thứ tư, góp phần tăng hiệu quả giao dịch của nền kinh tế, bởi vì với Mobile Money, mức độ bao phủ và chi phí rất thấp, qua đó sẽ giảm chi phí giao dịch cho toàn bộ nền kinh tế Việt Nam.

Tuy nhiên sẽ có rủi ro. Rủi ro thứ nhất, nếu chúng ta quản lý không tốt, có thể nhà mạng lạm dụng tài khoản tiền gởi thanh toán đó của những cá nhân tham gia dịch vụ này. Vì thế, quyết định của Chính phủ yêu cầu tách bạch quản lý tài khoản của những công ty cung ứng dịch vụ Mobile Money với tài khoản khác.

Thứ hai, những rủi ro liên quan đến hạ tầng kỹ thuật và công nghệ thông tin. Nếu như hệ thống chưa ổn định, thiếu bền vững, và lỗi kỹ thuật, đôi khi bị mất tiền một cách không phù hợp. Thứ ba chính là thách thức rất lớn liên quan đến niềm tin của người tiêu dùng đối với dịch vụ này.

Đâu đó người ta vẫn còn dùng tiền mặt và niềm tin chưa cao về mức độ an toàn, chính xác, rõ ràng đòi hỏi chúng ta phải có thời gian.

Cuối cùng là sự phối kết hợp giữa các bên với nhau, giữa bên cung ứng dịch vụ Mobile Money với các tổ chức tín dụng với các công ty tài chính để tạo ra hệ sinh thái giúp cho hệ sinh thái thanh toán, chuyển tiền của người dân được tốt hơn.

* VOH: Về hạ tầng công nghệ thông tin của các doanh nghiệp để triển khai Mobile Money, ông đánh giá thế nào?

Tiến sĩ Cấn Văn Lực: Về hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông của Việt Nam chúng ta phát triển tương đối nhanh. Bây giờ chúng ta đã bắt đầu có 5G, có hệ thống an ninh bảo mật tương đối tốt. Tuy nhiên, chúng ta nên nhớ rằng, lĩnh vực tài chính ngân hàng là một trong 6 lĩnh vực mà tội phạm tài chính tấn công, nên điều này phải hết sức lưu ý. Cho dù chúng ta có hệ thống bảo mật tinh vi, nhưng nếu không cẩn thận, thì có thể hacker sẽ tấn công, tạo ra nguy hại đối với niềm tin người tiêu dùng, và đâu đó vẫn còn hiện tượng phập phù về giao dịch và qua mạng, thì điều này cần hết sức lưu ý, quan tâm, nhất là những vùng xa xôi, hẻo lánh, nông thôn, miền núi. Bộ Thông tin và Truyền thông đã có chủ trương tăng mức độ bao phủ ở khu vực này.

* VOH: Về lĩnh vực công nghệ hiện nay, Việt Nam chúng ta đang đứng ở đâu so với thế giới?

Tiến sĩ Cấn Văn Lực: Chúng ta đang ở mức độ trung bình khá, hiện nay Việt Nam chúng ta đứng thứ 57 trên thế giới, đây là mức độ trung bình khá so với thế giới nhưng với mức độ bao phủ về viễn thông thì chúng ta tương đối tốt. Bởi vì Việt Nam chúng ta có khoảng 130 triệu thuê bao di động, và trong số người dùng điện thoại thì có khoảng 60% là dùng điện thoại thông minh, thì đó là những chỉ số rất thuận lợi.

* VOH: Với hạ tầng, công nghệ và tỉ lệ người dùng sẵn có thì có thể thấy rất thuận lợi để triển khai Tiền di động (Mobile Money). Tuy nhiên với những vấn đề lưu ý mà ông đề cập thì theo ông, các doanh nghiệp tham gia cùng với dịch vụ cần đặt ra yêu cầu bảo mật như thế nào để đem lại sự yên tâm, tin tưởng cho người dùng?  

Tiến sĩ Cấn Văn Lực: Trước hết, chúng ta cần phải tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý để dịch vụ Mobile Money phát triển đúng nghĩa của nó. Tôi lấy ví dụ, những hướng dẫn có liên quan đến quyền lợi, trách nhiệm của người tiêu dùng, quyền lợi trách nhiệm của các công ty cung ứng dịch vụ này cũng như mối quan hệ với các bên thứ ba khác. Bởi vì rõ ràng khi chúng ta triển khai Mobile Money thì cần rất nhiều đại lý: đại lý nhận tiền, đại lý thanh toán, chủ yếu là các công ty bán lẻ… thì trách nhiệm, vai trò của những đơn vị bán lẻ như vậy như thế nào cần phải được làm rõ trong quy định hướng dẫn thực hiện.

Một điều nữa là chúng ta sớm hoàn thiện những dữ liệu quốc gia về định danh cá nhân để xác thực điện tử thay vì bằng giấy tờ như hiện nay vẫn làm. Như thế thì mới tạo ra được tính liên thông, hệ sinh thái liên kết giữa các tổ chức tín dụng với các đơn vị cung ứng dịch vụ Mobile Money và bên thứ ba khác.

Còn vấn đề nữa là nâng cao sự hiểu biết của người dân và doanh nghiệp về dịch vụ tài chính nói chung và Mobile Money nói riêng, bằng cách là chúng ta sớm thúc đẩy giáo dục tài chính. Tôi kiến nghị giáo dục tài chính phải đưa vào chương trình giáo dục bắt buộc cho học sinh cấp ba của chúng ta từ nay về sau. Các nước ngoài làm rất sớm, Việt Nam chúng ta giáo dục tài chính vẫn còn chậm và chưa đồng bộ. Cuối cùng, phải chú trọng đến vấn đề an toàn, bảo mật thông tin cũng như an ninh mạng, cái này cũng đã quan tâm hơn thời gian vừa qua, nhưng phải tiếp tục gia cố trong thời gian tới, nhất là khi chúng ta triển khai mạnh dịch vụ này với quy mô mở rộng toàn quốc.

* VOH: Xin cảm ơn ông!

Mobile Money là gì?

Bản chất của Mobile Money là chuyển đổi hình thức của tiền mặt sang tiền điện tử theo tỉ lệ 1:1. Tức là, đơn vị cung cấp dịch vụ Mobile Money (ở đây, theo Quyết định cho phép thí điểm Thủ tướng vừa ban hành, là nhà mạng) không tạo ra lượng tiền mới đưa vào lưu thông.

Tiền trong tài khoản Mobile Money gắn với SIM nhưng phải tách biệt với tài khoản viễn thông, bởi tài khoản viễn thông thực tế còn có thêm khoản khuyến mại, nếu cho phép sử dụng để thanh toán sẽ không đảm bảo nguyên tắc chuyển đổi tỷ lệ 1:1.

Hình thức này tương tự thẻ ATM, khi khách hàng nộp tiền mặt để nhận được một khoản tiền điện tử có giá trị tương đương.

Nói cách khác, người dùng không thể quy đổi số dư trong tài khoản viễn thông sang tài khoản thanh toán này. Khách hàng sẽ không được trả lãi với số dư để trong tài khoản thanh toán Mobile Money.

Ngoài ra, toàn bộ tiền trong tài khoản Mobile Money của nhà mạng phải được mang bảo đảm tại ngân hàng, và không được sử dụng cho mục đích khác ngoài thanh toán.

Theo VNE