Theo dự báo từ DKRA Vietnam, nguồn cung mới và sức cầu của phân khúc đất nền trong năm 2022 có thể phục hồi và tăng so với năm 2021, tập trung chủ yếu ở các tỉnh giáp ranh như Long An, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, trong khi TPHCM tiếp tục duy trì sự khan hiếm.
Đất nền tiếp tục được lựa chọn là kênh đầu tư hàng đầu. Nhận định này được các chuyên gia chia sẻ tại chương trình Báo cáo toàn cảnh thị trường Bất động sản Nhà ở TP.HCM và vùng phụ cận năm 2021 với chủ đề: “Định vị lại thị trường” do DKRA Việt Nam tổ chức sáng nay 6/1.
Tại TPHCM, nguồn cung mới căn hộ trong năm 2022 tập trung chủ yếu ở Thành phố Thủ Đức. Căn hộ hạng A và hạng B dẫn dắt thị trường trong khi nguồn cung căn hộ hạng C tiếp tục khan hiếm. Căn hộ hạng sang tăng mạnh và có thể xác lập mặt bằng giá mới. Nguồn cung mới phân khúc nhà phố, biệt thự duy trì mức ổn định, tương đương năm 2021.
Tỉnh Đồng Nai có thể tiếp tục dẫn đầu nguồn cung mới. Riêng tại TP.HCM, khu Đông – Thành phố Thủ Đức vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong nguồn cung của loại hình bất động sản gắn liền với đất. Những dự án nằm trong khu đô thị lớn, có hạ tầng giao thông kết nối tốt, được quy hoạch bài bản bởi chủ đầu tư uy tín và có giá trị khoảng 15 tỷ đồng/căn sẽ được ưu tiên lựa chọn.
Ông Võ Hồng Thắng - Trưởng phòng nghiên cứu thị trường DKRA Vietnam dự báo: “Đất nền sẽ tiếp tục là kênh lựa chọn hàng đầu của nhà đầu tư, kênh này khó có thể thay thế được. Đất nền tại TPHCM tiếp tục duy trì sự khan hiếm, mà nếu có chỉ tập trung ở khu vực vùng ven như Củ Chi, Bình Chánh.
Ở phân khúc căn hộ, nguồn cung mới có thể lên đến khoảng 30.000 căn, đặc biệt tăng mạnh ở TP.HCM và Bình Dương. Sức cầu tăng so với năm 2021, tuy nhiên vẫn không bằng năm 2019. Mặt bằng giá có xu hướng tăng, giá sơ cấp tiếp tục tăng”.
Với bất động sản nghỉ dưỡng, nguồn cung mới condotel và biệt thự nghỉ dưỡng có thể tăng so với năm 2021, tập trung chủ yếu ở những thị trường quen thuộc như Bình Thuận, Bình Định, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thanh Hóa. Sức cầu chung toàn thị trường vẫn là những thách thức, chưa có nhiều dấu hiệu tích cực để thay đổi đột biến.
Bên cạnh đó, mô hình khu nghỉ dưỡng phức hợp (Integrated Resort) tiếp tục nhận được nhiều quan tâm. Đặc biệt, khách hàng tin tưởng vào thương hiệu quản lý vận hành quốc tế hơn những chương trình cam kết lợi nhuận.
“Ở góc độ chủ đầu tư, chúng tôi kỳ vọng là thị trường bất động sản năm 2022 sẽ có sự tăng trưởng với sự nỗ lực của các chủ đầu tư đưa ra sản phẩm mới, với sự quan tâm về sức cầu thị trường với quyết tâm điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ, chúng ta sẽ có sự đồng hành giữa các bên và tạo ra thị trường mang tính sôi động và bền vững hơn trong năm 2022”- Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Công ty Đại Phúc Land chia sẻ.
Về cơ chế, chính sách, có thể thấy Luật Kinh doanh bất động sản đã "cởi mở" hơn khi người nước ngoài được phép mua nhà ở tại Việt Nam. Bên cạnh tín hiệu lạc quan, thị trường cũng tồn tại các bất cập không nhỏ.
Trước hết là sốt đất ảo xuất phát từ những thông tin vô căn cứ. Trong đó, bất động sản hạng sang liên tục xác lập mặt bằng giá mới. Tiếp đến là sự bất cân đối nguồn cung căn hộ ở các phân khúc.
Cụ thể, căn hộ hạng sang và hạng A chiếm đa số, trong khi loại hình căn hộ vừa túi tiền thiếu vắng. Tính đến năm 2021, thị trường đã vắng bóng căn hộ hạng C có mức giá dưới 30 triệu đồng/m2 trong 2 năm liên tục…
“Trên thế giới, các nhà đầu tư 5 năm trở lại đây họ chọn lĩnh vực có 3 chữ: xanh, thông minh hoặc số, chữ thứ ba là nhân văn, văn hóa. Nhà đầu tư nên hướng vào đâu? Hãy nhìn 4 nhân tố: thứ nhất kết nối và tiềm năng kết nối. Thứ hai là quyết liệt vào cuộc của chính quyền địa phương, thứ ba là sự quan tâm của các nhà đầu tư lớn. Thứ tư là tiềm năng phát triển của vùng đất ấy, địa phương ấy”- Tiến sĩ Võ Trí Thành- chuyên gia kinh tế đúc kết.
Ông Phạm Lâm - Tổng giám đốc DKRA Việt Nam, cho rằng năm 2022 là thời điểm phù hợp để định vị lại thị trường bất động sản, đưa thị trường phát triển tương xứng với tầm vóc quốc gia và bắt kịp xu hướng các nước lân cận như Thái Lan, Malaysia, Singapore…
Trong quá trình nâng cấp, định vị lại, theo ông Phạm Lâm, cần lưu ý điều chỉnh các tiêu chí giá mới trong phân cấp loại hình căn hộ sao cho phù hợp với sự vận động của thị trường. Cụ thể, khung giá phù hợp để xác định căn hộ hạng C là dưới 35 triệu đồng/m2, căn hộ hạng B từ trên 35 - 60 triệu đồng/m2, căn hộ hạng A từ trên 60 - 100 triệu đồng/m2 và hạng sang từ trên 100 triệu đồng/m2.
“Với tiêu chuẩn trước đây không còn phù hợp, nên chăng tôi mạnh dạn đề xuất là nên xem xét lại mức giá của các phân khúc này để tái định vị. Ví dụ hạng sang thì bao nhiêu triệu 1 m2, tùy mức độ đầu tư. Nên cân nhắc, căn hộ hạng sang trên 100 triệu đồng/m2, căn hộ hạng C khoảng 35 triệu/m2”- Ông Phạm Lâm - Tổng giám đốc DKRA Việt Nam đề xuất.
Song song đó, hệ thống pháp luật liên quan đến bất động sản nhà ở phải được bổ sung và hoàn thiện hơn nhằm bắt kịp diễn biến và nhu cầu thị trường, nhất là sự phát triển của các loại hình bất động sản mới. Quy trình pháp lý cần được đơn giản hóa, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tháo gỡ những vướng mắc thủ tục, sớm hoàn thiện pháp lý dự án.