Vụ Thị trường trong nước lý giải hiện tượng thiếu xăng dầu cục bộ tại một số địa phương

(VOH) - Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đã đưa ra một số lý giải cho hiện tượng thiếu xăng dầu tại TPHCM và một số tỉnh, thành phía Nam.

Trong thông tin mới nhất vừa được phát ra, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, trong những ngày gần đây, có hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu xin đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh tập trung tại một số tỉnh, thành phố như TPHCM, An Giang, Bình Phước, Đắk Lắk…

Xem thêm: Ngoài TPHCM, các tỉnh thành nào đang thiếu xăng, dầu và thiếu như thế nào?

Nguyên nhân chính của hiện tượng trên là do từ cuối năm 2021 đến nay, các chi phí kinh doanh xăng dầu tăng mạnh, các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu không có đủ nguồn tài chính để nhập hàng nên chủ yếu chỉ duy trì lượng hàng đủ để cung cấp cho hệ thống phân phối của doanh nghiệp mình và duy trì lượng dự trữ tồn kho theo quy định.

Nhiều doanh nghiệp đã giảm mạnh chiết khấu bán hàng để hạn chế việc lấy nhiều hàng của các đại lý bán lẻ, dẫn đến doanh nghiệp bán lẻ kinh doanh thua lỗ.

Ngoài ra, tình hình bão lũ vừa qua cũng ảnh hưởng một phần đến việc giao hàng của các doanh nghiệp, dẫn đến gián đoạn hoặc thiếu hụt nguồn cung cục bộ tại một số địa phương.

hết xăng, thiếu xăng
Một cửa hàng tại TPHCM treo biển hết xăng, còn dầu vào sáng 10/10 (Ảnh: Hà Lan)

Theo báo cáo của các doanh nghiệp đầu mối, lượng tồn kho của một số doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn vẫn đang được duy trì và bảo đảm cung ứng đủ nguồn hàng trong hệ thống.

Cụ thể như Petrolimex tồn kho đến ngày 8/10 là khoảng 489 nghìn m3 (gồm 208 nghìn m3 xăng và 280 nghìn m3 dầu); PVoil còn khoảng 230 nghìn m3; Công ty Xăng dầu Quân đội còn khoảng 19 nghìn m3; Saigon Petro còn khoảng 11 nghìn m3; Petimex Đồng Tháp còn khoảng 45 nghìn m3; Thanh Lễ còn khoảng 60 nghìn m3...

Qua trao đổi, các doanh nghiệp cam kết vẫn đang tiếp tục nỗ lực nhập hàng để bảo đảm cung ứng xăng dầu cho các cửa hàng thuộc hệ thống phân phối của mình.

Trước tình hình trên, Bộ Công Thương đã và đang triển khai một số giải pháp như: kiến nghị Bộ Tài chính giảm các loại thuế liên quan đến mặt hàng xăng dầu (thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt); đồng thời sớm rà soát và gửi thông báo áp dụng mức chi phí đưa xăng dầu trong nước về đến cảng và premium trong nước theo mức phù hợp với thực tế phát sinh thời gian vừa qua để bảo đảm tính đúng, tính đủ trong giá cơ sở xăng dầu.

Bộ cũng đã phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn có phương án bảo đảm nguồn cung xăng dầu; duy trì việc cung ứng xăng dầu trong hệ thống phân phối của doanh nghiệp; chỉ đạo các đơn vị chức năng trên địa bàn đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về duy trì bán lẻ xăng dầu tại các cửa hàng xăng dầu…

Xem thêm: Hài hoà lợi ích - Cái gốc câu chuyện xăng dầu

Hiện nay, mặc dù có sự thiếu hụt xăng dầu cục bộ tại một số cửa hàng xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của một số thương nhân đầu mối bị gián đoạn hoạt động kinh doanh thời gian vừa qua nhưng tồn kho xăng dầu của các doanh nghiệp vẫn cơ bản đáp ứng đủ cho nhu cầu tiêu dùng xăng dầu trong nước, đồng thời nguồn cung xăng dầu của các doanh nghiệp vẫn liên tục được bổ sung từ nguồn nhập khẩu và mua trong nước.

Bộ Công Thương vừa có văn bản hỏa tốc mời lãnh đạo các doanh nghiệp đầu mối sản xuất, kinh doanh xăng dầu tham dự cuộc họp bàn về các giải pháp đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước.

Cuộc họp dự kiến diễn ra vào sáng ngày mai 12/10, dưới sự chủ trì của lãnh đạo Bộ Công Thương. Cùng tham dự cuộc họp có đại diện Bộ Tài chính, Hiệp hội xăng dầu Việt Nam. Mục đích cuộc họp nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động kinh doanh xăng dầu.