Ngày 16/6, Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham Việt Nam) phối hợp cùng ManpowerGroup Việt Nam tổ chức hội thảo trực tuyến “Xây dựng và Phát huy Cơ chế Nhân sự linh hoạt” nhằm tìm kiếm những giải pháp tối ưu về phương thức áp dụng cơ chế nhân sự linh hoạt một cách hiệu quả nhất trong dịch Covid-19 đối với các doanh nghiệp và tổ chức.
Theo nhận định, COVID-19 đã và đang nhanh chóng trở thành khủng hoảng kinh tế và xã hội toàn cầu. Dưới ảnh hưởng của đại dịch, các công ty, doanh nghiệp phải thực hiện mục tiêu kép khi vừa đảm bảo người lao động được an toàn, vừa đối phó với các thách thức đảm bảo hoạt động kinh doanh sản xuất được ổn định và hiệu quả.
Theo nghiên cứu “Người lao động mong muốn gì” triển khai trên toàn cầu của tập đoàn ManpowerGroup, an toàn và hạnh phúc (về tinh thần và thể chất) của người lao động là ưu tiên hàng đầu của các tổ chức trong đại dịch. Khủng hoảng toàn cầu lần này đã thực sự khiến các công ty và doanh nghiệp cân nhắc lại về cách thức làm việc.
Chia sẻ từ bà Nguyễn Thanh Hương – Giám đốc Nhân sự toàn quốc của ManpowerGroup Việt Nam: ”Cơ chế nhân sự linh hoạt hàm ý các cá nhân và tổ chức tận dụng các tiến bộ công nghệ tạo điều kiện cho người lao động và các tổ chức và doanh nghiệp cùng làm việc, hợp tác hiệu quả giữa các phòng ban, địa điểm và môi trường làm việc. Mô hình linh hoạt này cần trở thành một phần của văn hóa hàng ngày của doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện cân bằng tối ưu giữa nhiều yếu tố gồm năng suất, hiệu suất, bảo mật thông tin, tuân thủ, sự hài lòng của khách hàng, phúc lợi của nhân viên...”
Theo nghiên cứu “Cuộc Cách Mạng Kỹ Năng Gian Đoạn Mới” của tập đoàn ManpowerGroup, cứ ba trong bốn nhà tuyển dụng được khảo sát yêu cầu ít nhất 50% lực lượng lao động của họ làm việc tại công sở toàn thời gian hoặc phần lớn thời gian, tùy thuộc vai trò của nhân viên.
Tuy nhiên, hầu hết các tổ chức, doanh nghiệp đang nghiên cứu và áp dụng các hình thức linh hoạt mới đối với các vị trí công việc mang tính truyền thống và kém linh hoạt hơn.
Trong khi đó, báo cáo “Người lao động mong muốn gì” được thực hiện trên 8.000 người lao động trên 18 tuổi cũng tiết lộ rằng người lao động nhất quán về những mong muốn của họ về tương lai, bao gồm – giữ được việc làm, an toàn và được trau dồi, học hỏi những kỹ năng mới và đặc biệt là họ không muốn quay lại với cách làm việc truyền thống.
Đáng chú ý, có 43% người tham gia khảo sát tin rằng đại dịch sẽ chấm dứt cách thức làm việc truyền thống 8 tiếng mỗi ngày. Nhận xét về mong muốn này, bà Trần Thị Thu Thắm – Giám đốc Nhân sự công ty Bosch Việt Nam chia sẻ: “Cơ chế làm việc linh hoạt yêu cầu các nhà quản lý và nhân viên của họ xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp đề cao lòng tin và tinh thần trách nhiệm”.
Vì vậy, để giữ được công việc hiện tại trong đại dịch, người lao động cần tìm hiểu cách thích nghi với mô hình làm việc mới, để trở thành thành viên không thể thiếu và giá trị đối với tổ chức của mình.
Bà Thái Vân Linh – Tổng Giám đốc và Nhà sáng lập TVL Group chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn của bà khi áp dụng mô hình này: “Cơ chế nhân sự linh hoạt bao hàm cách thức làm việc hiệu quả, khả năng cân bằng giữa những áp lực hoàn thành công việc theo đúng hạn, khả năng chú trọng chi tiết và nhất là sự nỗ lực đạt được kết quả công việc như kỳ vọng đồng thời cơ chế này cũng đồng nghĩa với sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống”.