Lũy kế tới hết tháng 11/2022, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt hơn 10 tỷ đô la Mỹ, tăng gần 28% so với cùng kỳ năm 2021.
Tháng 11 năm nay, xuất khẩu tôm, cá tra, cá ngừ đều giảm sâu từ 20- 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ có mực, bạch tuộc và các loại cá biển xuất khẩu vẫn giữ được tăng trưởng dương lần lượt là 9% và 6%.
Tính đến hết tháng 11, xuất khẩu cá tra vẫn tăng trưởng mạnh 63%, đạt gần 2,3 tỷ đô la Mỹ, tôm thu về trên 4 tỷ đô la Mỹ, tăng 14%. Cá ngừ là ngành có tăng trưởng lớn thứ 2 với mức 40% đạt 941 triệu đô la Mỹ. Xuất khẩu mực, bạch tuộc cũng tăng trưởng mạnh 30%, đạt 704 triệu đô la Mỹ.
Giai đoạn nửa cuối năm, tăng trưởng xuất khẩu chậm lại, nhu cầu thị trường tụt dốc. Theo các doanh nghiệp, lạm phát ảnh hưởng đến các thị trường nhập khẩu khiến nhu cầu mua hàng cho giai đoạn quý I/2023 gần như đình trệ.
Đơn hàng sụt giảm mạnh không chỉ đối với các mặt hàng giá cao như tôm sú, tôm chân trắng cỡ lớn, hải sản cao cấp như mực, bạch tuộc, cá ngừ…, mà cả các sản phẩm có giá vừa phải như tôm cỡ nhỏ, cá tra, cá biển nhỏ, chả cá, surimi… đều bị giảm đáng kể nhu cầu cho quý I/2023.
Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty thực phẩm Sao Ta chia sẻ, từ cuối quý 3/2022 đến nay, đơn hàng suy giảm rõ rệt, một số đơn hàng yêu cầu huỷ, hoặc hoãn kéo dài. Hiện doanh nghiệp đang nỗ lực giảm tỷ lệ tồn kho, nợ ngân hàng, nâng cao ý thức tiết kiệm, tập trung chăm lo cho người lao động dịp Tết.
"Trong bối cảnh này, những thương hiệu phát triển bền vững, có lòng tin của người tiêu dùng,…đơn hàng phục hồi sẽ nhanh hơn, tiếp cận thị trường theo hướng bền vững, đa dạng hóa thị trường và sản phẩm là cách mà doanh nghiệp nỗ lực để vượt qua khó khăn", ông Đỗ Lập Nghiệp, Phó Tổng Giám đốc công ty cổ phần Nam Việt chia sẻ.
Dự báo tháng 12, xuất khẩu thủy sản sẽ giảm sâu hơn nữa và đà sụt giảm kéo dài sang năm 2023.
Ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho rằng: “Doanh nghiệp cần sử dụng thời gian này chuẩn bị tốt hơn cho hoạt động sản xuất, củng cố tài chính, tối ưu hóa chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm,... chuẩn bị cho một sự phục hồi sắp tới”.