Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ 15 có số lượng tác phẩm dự thi nhiều nhất từ trước tới nay

(VOH) - Liên hoan Phát thanh toàn quốc là hoạt động nghiệp vụ của ngành phát thanh Việt Nam nhằm phát hiện, tôn vinh những tác giả, tác phẩm xuất sắc của những người làm báo nó cả nước.

Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ 15 – năm 2022 do Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp với Ủy ban Nhân dân TPHCM, Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM tổ chức tại TPHCM từ ngày 4/8/2022 - 6/8/2022.

Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ 15 – năm 2022 có sự tham gia của 86 đơn vị (bao gồm 62 Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, thành phố, các đơn vị của Đài Tiếng nói Việt Nam, Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội Nhân dân, Cục Truyền thông Công an Nhân dân, Trung tâm Truyền thông Thanh thiếu nhi).

Liên hoan Phát thanh
Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM (VOH) là đơn vị phối hợp tổ chức Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ 15.

Ngay sau khi phát động, mặc dù gặp nhiều khó khăn do tình hình dịch Covid-19, song Ban Tổ chức Liên hoan Phát thanh đã nhận được sự hưởng ứng, tham gia tích cực của các cơ quan báo chí phát thanh trong cả nước. Ban Tổ chức Liên hoan Phát thanh đã nhận được hơn 500 tác phẩm dự thi.

Các tác phẩm đi sâu phản ánh việc triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, các thành tựu kinh tế xã hội của đất nước, nhiều điển hình, nhân tố mới và cả những tác phẩm đậm chất phản biện… Nhưng có lẽ, dấu ấn mạnh mẽ nhất vẫn là các tác phẩm phản ánh cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19 từ trung ương đến các địa phương.

Ông Trần Minh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ 15 cho biết: “Liên hoan Phát thanh lần thứ 15 có số lượng tác phẩm dự thi nhiều nhất từ trước tới nay (hơn 500 tác phẩm). Chủ đề liên hoan năm nay là “Linh hoạt chuyển đổi - thích ứng vượt lên” bao hàm nhiều ý nghĩa. Thứ nhất là với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, phát thanh đã có sự chuyển đổi linh hoạt cách thức sản xuất chương trình, phương thức truyền dẫn theo xu hướng chuyển đổi số; chuyển đổi phương thức, cách tiếp cận thính giả, tăng cường sự tương tác với thính giả để trở thành người bạn tâm tình, gần gũi hơn với thính giả ở nhiều đối tượng, nhiều nơi.

Thứ hai, với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội như hiện nay, những người làm phát thanh phải tự thích ứng để vượt lên chính mình, khẳng định vai trò của phát thanh trong đời sống xã hội. Chính vì vậy, chất lượng các tác phẩm dự thi năm nay đã đầu tư nhiều công sức, chất xám, công nghệ với nhiều tác phẩm có nội dung hay, tác phẩm có sáng tạo, phản ánh các vấn đề đời sống xã hội, thể hiện rõ nhất như cuộc chiến chống Covid-19, chủ trương chính sách phát triển kinh tế xã hội”.

Có 203 tác phẩm của 86 đơn vị lọt vào vòng chung khảo, cụ thể: 65 tác phẩm thuộc thể loại Phóng sự; 37 tác phẩm thuộc thể loại phỏng vấn; 11 Câu chuyện truyền thanh; 57 Chuyên đề phát thanh; 33 Kịch truyền thanh; 34 chương trình phát thanh trực tiếp.

Điểm mới trong Liên hoan Phát thanh năm nay là Ban tổ chức quyết định tổ chức thi và trao giải Giọng Vàng, nhằm phát hiện và tôn vinh những phát thanh viên/người dẫn chương trình có giọng đọc, dẫn chương trình phát thanh xuất sắc; trao giải cho 2 thể loại: Kỹ thuật dàn dựng xuất sắc, và thể loại Ứng dụng nền tảng số.

Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ 15
Năm nay, Ban tổ chức sẽ tổ chức thi và trao giải Giọng Vàng, nhằm phát hiện và tôn vinh những phát thanh viên/người dẫn chương trình có giọng đọc, dẫn chương trình phát thanh xuất sắc.

Vòng Chung khảo Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ 15 - năm 2022 được tổ chức từ ngày 31/7/2022 đến ngày 7/8/2022. Lễ khai mạc được tổ chức vào 20h ngày 4/8/2022, Lễ bế mạc tổ chức vào 20h ngày 6/8/2022 tại Nhà hát TPHCM; được tường thuật trực tiếp trên sóng phát thanh, truyền hình của Đài Tiếng nói Việt Nam và nhiều Đài Phát thanh Truyền hình các tỉnh, thành phố.

Ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân TPHCM nhấn mạnh: “TPHCM và Đài Tiếng nói Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện tốt nhất để Liên hoan Phát thanh được tổ chức thành công, để lại nhiều ấn tượng. Đây cũng là cơ hội để những nhà báo phát thanh chứng kiến sự vươn lên mạnh mẽ của TPHCM sau dịch Covid-19, quảng bá về hình ảnh TPHCM đến với hơn 800 người làm truyền thông từ khắp nơi cả nước, thể hiện sự mến khách, tình cảm nghĩa cử, chân thành của thành phố mang tên Bác”.

Trong khuôn khổ Vòng Chung khảo Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ 15, Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM tổ chức các hoạt động nghiệp vụ sôi nổi, tạo diễn đàn cho những người làm phát thanh Việt Nam giao lưu, gặp gỡ và chia sẻ kinh nghiệm.

Đó là Triển lãm “Thành tựu phát triển kinh tế xã hội TPHCM” và “Thành tựu phát triển của Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM”; Hội thảo quốc tế “Phát triển nguồn thu cho các Đài Phát thanh - Truyền hình trong xu hướng chuyển đổi số”; Hội thảo kỹ thuật “Thách thức của phát thanh trong giai đoạn chuyển đổi số”, và hội thảo ‘Trao đổi mô hình, giải pháp, kế hoạch triển khai Nền tảng Phát thanh số Quốc gia”; Hội thảo “Sản xuất chương trình phát thanh giải trí trong bối cảnh bùng nổ giải trí trực tuyến”; Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm làm phát thanh trực tiếp” và nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm nghiệp vụ khác.

Nhân dịp Liên hoan phát thanh toàn quốc lần thứ 15, Ủy ban Nhân dân TPHCM cũng tạo điều kiện để các đoàn đại biểu dự Liên hoan thăm quan địa đạo Củ Chi và chiến khu Rừng Sác.

Liên hoan Phát thanh toàn quốc là hoạt động nghiệp vụ do Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức định kỳ 2 năm 1 lần. Lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1994 tại Hà Nội, tiếp đó là các địa phương khác như Quảng Ninh, Cần Thơ, Khánh Hòa, Nghệ An, Đồng Tháp...

Đây là lần thứ 2 Liên hoan Phát thanh toàn quốc được tổ chức tại TPHCM, sau Liên hoan Phát thanh toàn quốc thứ II được tổ chức vào năm 1995. Liên hoan Phát thanh toàn quốc là ngày hội lớn, là dịp để những người làm phát thanh cả nước thể hiện tâm huyết, tài năng, trách nhiệm và những phẩm chất của người làm báo, biểu dương, tôn vinh những tác phẩm, tác giả tiêu biểu của ngành phát thanh cả nước.

Đài Tiếng nói Việt Nam là 1 trong 6 cơ quan báo chí chủ lực quốc gia. Hiện nay, Đài Tiếng nói Việt Nam có đầy đủ 4 loại hình báo chí với 8 kênh phát thanh quốc gia, 1 Đài Truyền hình KTS VTC với 16 kênh, 1 kênh truyền hình VOVTV; 2 báo điện tử (VOV.vn và VTCnews.vn); 1 báo in (Tiếng Nói Việt Nam); nhiều ứng dụng phân phối nội dung đa phương tiện như VOVlive, VOVmedia, VTCnow; Đài Tiếng nói Việt Nam cũng có hàng chục trang thông tin điện tử, trong đó có VOVworld.vn với 13 thứ tiếng và chuyên trang VOV4.vn với 13 tiếng dân tộc thiểu số.

Đài Tiếng nói Việt Nam phát sóng mặt đất trên cả 3 băng tần SW, MW và FM, tỉ lệ phủ sóng gần 97% dân số và trên 91% diện tích đất liền và một số khu vực biển đảo Việt Nam, phủ sóng một số khu vực trọng yếu trến thế giới như Châu Á, Châu Phi, Trung Đông, một phần Châu Âu, Trung Mỹ và vùng vịnh Caribe.