Bà bầu ăn đào được không? Lời giải đáp chính xác nên biết

(VOH) – Vào thời kì dưỡng thai, có lẽ không ít lần mẹ bầu được ‘nhắc nhở’ rằng ăn quả đào sẽ gây ảnh hưởng tới sức khỏe của thai nhi. Vậy lời khuyên đó có đúng và sự thật bà bầu ăn đào được không?

Để bồi bổ cho cả mẹ và em bé trong suốt thai kì, tìm hiểu chính xác những lợi ích cũng như tác động của các thực phẩm tới sức khỏe là điều rất quan trọng, bởi nếu kiêng khem quá mức hay lựa chọn sai thực phẩm cũng đều sẽ dẫn tới ảnh hưởng xấu. 

1. Bà bầu ăn đào được không?

Từ xưa, dân gian thường truyền tai nhau rằng nếu mẹ bầu ăn đào có thể khiến em bé sinh ra mắc khuyết tật bẩm sinh như câm điếc, tuy nhiên các chuyên gia sản khoa nhận định rằng quan niệm này hoàn toàn không đúng. Theo đó, bà bầu vẫn ăn được đào với liều lượng hợp lý và đúng cách, do vậy các mẹ không cần quá lo lắng khi sử dụng loại quả này.  

ba-bau-an-dao-duoc-khong-loi-giai-dap-chinh-xac-nen-biet-voh-0
Mẹ bầu có thể yên tâm ăn đào trong thai kì (Nguồn: Internet) 

2. Lợi ích sức khỏe khi bà bầu ăn đào

Quả đào mềm thơm, chua chua ngọt ngọt nên mẹ có thể dùng ăn trực tiếp hoặc biến tấu thành các món ăn rất đa dạng. Dưới đây là một số lợi ích sức khỏe mà loại quả này đem lại cho bà bầu:  

2.1 Kích thích tiêu hóa

Trong thời gian mang thai, các mẹ dễ gặp phải chứng rối loạn tiêu hóa như táo bón, khó tiêu hay chán ăn, do đó các chuyên gia luôn khuyến khích mẹ bổ sung đa dạng các loại trái cây để cung cấp đủ chất xơ cho hệ tiêu hóa hoạt động. 

Quả đào là một gợi ý lý tưởng thêm vào thực đơn của bà bầu. Theo phân tích dinh dưỡng, trung bình trong 150g đào chứa khoảng 2.3 g chất xơ tự nhiên, tham gia hỗ trợ nhu động ruột và cấp nước làm mềm phân, từ đây sẽ khắc phục các vấn đề rối loạn. 

Xem thêm: Top thực phẩm giàu chất xơ dành cho bà bầu có thể bạn chưa biết

2.2 Giảm ốm nghén

Không ít mẹ bầu phải trải qua cảm giác chỉ cần ngửi thấy một vài mùi hương lạ thì cơn buồn nuôn đã “kéo tới”, đó là triệu chứng của tình trạng ốm nghén (thường xuất hiện ở 3 tháng đầu của thai kì.) Tuy nhiên, các loại trái cây có mùi thơm nhẹ và hương vị chua mát như đào sẽ giúp mẹ vượt qua cơn ốm nghén dễ dàng và hiệu quả hơn. 

2.3 Chống chuột rút

Vào những tháng cuối thai kì, hiện tượng chuột rút xảy ra rất phổ biến, thường gặp nhất ở vị trí đùi, bàn chân và đặc biệt là bắp chân. Lúc này cơ thể mẹ rất cần nạp đủ khoáng chất thiết yếu như kali, magie. 

Thật may là việc thêm đào trong khẩu phần ăn của mẹ được xem như cách bù đắp hiệu quả các hoạt chất trên, vì lượng kali trong đào tương đương với 8% giá trị hàng ngày và magie đạt 5% giá trị hàng ngày. 

Xem thêm: Bí quyết chữa bị chuột rút khi mang thai cho mẹ bầu

2.4 Tăng cường hấp thu sắt

Theo thống kê, có trên 30% phụ nữ khi mang thai bị thiếu máu, phần lớn đều do thiếu hụt vi chất sắt tham gia sản sinh huyết sắc tố Hemoglobin. 

Nếu mẹ bầu có thói quen bổ sung lượng đào hợp lý trong thực đơn thì điều này thật tốt. Cụ thể, vitamin C được tìm thấy trong đào có hàm lượng tương đối dồi dào, dưỡng chất này góp phần quan trọng giúp tăng khả năng hấp thu chất sắt, phòng chống nguy cơ thiếu máu ở bà bầu. 

ba-bau-an-dao-duoc-khong-loi-giai-dap-chinh-xac-nen-biet-voh-1
Vitamin C từ đào giúp tăng cường hấp thu sắt, cải thiện tình trạng hoa mắt, chóng mặt do thiếu máu (Nguồn: Internet)

2.5 Phòng tránh động thai

Động thai là tai biến sản khoa cảnh báo nguy cơ sảy thai khá cao, nên suốt thai kì mẹ luôn phải chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh. Cần tích cực bổ sung đủ lượng chất axit folic, magie từ các nhóm thực phẩm và trái cây, mà trong đó đào cũng là loại quả điển hình.  

2.6 Ngăn ngừa dị tật bẩm sinh

Axit folic có trong đào cũng được xem là hoạt chất đảm nhiệm vai trò thiết yếu trong quá trình hình thành và phát triển hệ thần kinh của thai nhi. Vào giai đoạn đầu của thai kì, mẹ cần tiếp nạp đủ lượng chất này để hạn chế nguy cơ em bé mắc khiếm khuyết ống thần kinh hay các dị tật bẩm sinh. 

Xem thêm: Cách phát hiện và ngăn ngừa dị tật ống thần kinh ở thai nhi, đảm bảo thai kỳ khỏe mạnh

2.7 Cải thiện thị lực

Trong đào có chứa tiền chất vitamin A – beta carotene rất cần thiết cho phụ nữ mang thai. Dưỡng chất này không chỉ góp phần cải thiện thị lực của mẹ mà còn sự phát triển xương cũng như hệ vận động của con. 

3. Bà bầu ăn đào cần lưu ý gì?

Bà bầu có thể yên tâm ăn thêm đào trong quá trình mng thai, thế nhưng để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của mẹ cũng như em bé, hãy thực hiện những lưu ý quan trọng sau: 

  • Đào vốn có tính nóng nên mẹ không nên ăn quá nhiều, trung bình mỗi tuần chỉ nên ăn từ 2 – 3 trái.
  • Thời điểm tốt nhất mẹ có thể ăn đào là sau bữa ăn khoảng 30 phút, nhằm giảm cảm giác cồn cào do tác động của axit lên niêm mạc dạ dày gây nên. 
  • Khi ăn mẹ nên rửa sạch, gọt vỏ để không bị kích ứng, ngứa ngáy do lớp lông bên ngoài gây ra. 

Mong rằng với những chia sẻ trong bài viết, mối lo về tác động của trái đào tới sức khỏe thai kì của các mẹ đã được “giải tỏa”. Đồng thời hãy nhớ sử dụng loại trái cây này một cách hợp lý và đúng khoa học để nhận về những lợi ích sức khỏe nhé!