Xoang là những khoang chứa không khí, được lót bởi những lớp màng nhầy nằm quanh má, trán và mắt. Viêm xoang là tình trạng lớp niêm mạc ở các xoang bị sưng, gây cản trở dòng chảy của chất nhầy ra khỏi các xoang, dẫn đến tắc nghẽn.
Nguyên nhân gây ra viêm xoang cho mọi đối tượng, trong đó có cả phụ nữ mang thai là do vi khuẩn, virus, nấm hoặc do cảm lạnh.
Các triệu chứng viêm xoang khi mang bầu gồm có:
- Nghẹt mũi, khó thở, dịch mũi có màu xanh.
- Ho nhiều, kèm theo cảm giác đau và tức quanh vùng mũi do các xoang bị tắc nghẽn.
Viêm xoang thường gây ra các triệu chứng nghẹt mũi, sổ mũi, ho,... (Nguồn: Internet)
- Ngoài ra, bà bầu bị viêm xoang sẽ gặp thêm các triệu chứng như: đau đầu, mệt mỏi, đau tai, thậm chí bị mất cảm giác ở mức độ nào đó.
Khi bị viêm xoang, việc uống thuốc là điều đầu tiên ai cũng sẽ nghĩ đến, thế nhưng viêm xoang ở bà bầu thì liệu có nên sử dụng thuốc hay không? Khi hiện tại trên thị trường có những loại thuốc an toàn và cũng có một số loại thuốc không an toàn cho thai phụ.
1. Bà bầu bị viêm xoang có nên dùng thuốc để điều trị?
Theo các bác sĩ, bà bầu bị viêm xoang nặng có thể sử dụng thuốc. Các nhóm thuốc kháng sinh chữa viêm mũi xoang có thể được sử dụng trong những trường hợp có thai thông dụng nhất là nhóm betalactam bao gồm ampicillin, cephalosporin các thế hệ (cefixim, cefpodoxim...).
Tuy nhiên phải cân nhắc thật kỹ những lợi ích đem lại cho mẹ và nguy cơ đối với thai nhi khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào khi điều trị bệnh viêm xoang trong giai đoạn mang thai. Tốt nhất chị em nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám để có sự tư vấn chính xác và an toàn nhất.
Ngủ đủ giấc là cách giúp tăng cường hệ miễn dịch, chống lại nhiễm trùng (Nguồn: Internet)
Ngoài việc dùng thuốc thì các bà bầu bị viêm xoang vẫn có thể áp dụng nhiều biện pháp điều trị viêm xoang tại nhà an toàn, không cần sử dụng đến kháng sinh như:
- Uống nhiều chất lỏng như nước, súp và nước ép trái cây họ cam, quýt. Đồng thời giữ ấm cho cơ thể sẽ giúp mẹ bầu chống lại các bệnh nhiễm trùng.
- Sử dụng nước muối sinh lý để vệ sinh mũi.
- Để loại bỏ chất nhầy trong mũi, thai phụ có thể sử dụng máy tạo độ ẩm vào ban đêm để làm sạch đường mũi. Hoặc bạn có thể đun 1 ít nước sôi, sau đó lấy khăn trùm lên đầu và xông mũi.
- Ngủ đủ giấc để giúp hệ miễn dịch chống lại nhiễm trùng. Kê cao đầu khi ngủ sẽ giúp việc thở được dễ dàng hơn.
- Nếu bị đau họng, mẹ bầu hãy súc miệng bằng nước muối ấm (1/4 muỗng cà phê muối với 250ml nước). Uống hỗn hợp mật ong và chanh, gừng cũng giúp giảm đau họng.
- Trong thời gian mang thai, thai phụ cần phải ăn uống đầy đủ. Nếu cảm thấy ăn không ngon miệng, bạn hãy chia nhỏ bữa ăn. Trong chế độ ăn cần có nhiều thực phẩm giàu dinh dưỡng như trái cây và rau củ.
Những trường hợp bà bầu bị viêm xoang nặng, thường xuyên bị nhức đầu, có thể chườm nóng hoặc chườm lạnh lên vai, cổ hoặc trán. Bên cạnh đó, việc tập thể dục hoặc tắm nước ấm cũng có thể giúp làm giảm tình trạng này.
2. Phòng bệnh viêm xoang khi mang thai
Viêm mũi xoang là loại bệnh có thể phòng tránh được nếu chúng ta có chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh.
- Ở những người có cơ địa dị ứng, cần tìm hiểu xem mình có thể bị dị ứng với loại thức ăn nào để phòng tránh.
- Nên đeo khẩu trang khi đi đến những nơi nhiều bụi bẩn.
- Nếu thấy tình trạng nghẹt mũi tăng lên thì cũng có thể sử dụng thuốc để điều trị để tránh việc lỗ thông mũi xoang bị tắc. Tuy nhiên khi dùng thuốc phải có sự chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa.